Nhiều trò lừa đảo rộ lên dịp đầu năm
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cảnh báo người dân về 3 hình thức lừa đảo phổ biến dịp đầu năm nay, có người đã trở thành nạn nhân.
Lừa đảo xem bói, giải hạn online
Dịp đầu năm mới, nhiều người với mong muốn biết trước tai ương để phòng tránh, hay tò mò về tương lai trong năm tới nên có thói quen đi xem bói, nhưng không ít trường hợp rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang".
Theo Cục An toàn thông tin, dịp Tết 2025 vừa qua, lợi dụng việc nhiều người đi khấn bái với mong muốn năm mới bình an, phát tài, hoạt động xem bói online (trên mạng xã hội) nở rộ. Các hội nhóm này có tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia.
Mê tín, dị đoan được hiểu là việc con người có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ như: bói toán, bùa chú, giải hạn… nhằm khiến người nghe tin vào các hiện tượng siêu nhiên, huyền bí. Vậy nên, nạn nhân của các chiêu trò trên thường đang bế tắc, mất niềm tin vào cuộc sống thực, dẫn đến mù quáng tin vào những yếu tố tâm linh.
Lợi dụng tâm lý đó, các đối tượng dùng những lời lẽ đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi và mong muốn được giải hạn. Nhiều người phải bỏ ra những khoản tiền lớn để giải hạn hoặc cầu vật chất. Thậm chí, có những trường hợp còn làm bùa, ngải để hãm hại người khác.
Gọi điện mạo danh nhà mạng để chiếm đoạt tài sản
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lớn tuổi, ít hiểu biết về mạng xã hội và công nghệ, các đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện đe dọa kiện tụng khiến nhiều người mất trắng hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, mới đây, ông LV.M (trú tại Hà Nội) nhận được một cuộc điện thoại lạ tự xưng là nhân viên nhà mạng Viettel, thông báo với ông M. về việc nợ cước viễn thông, đồng thời yêu cầu ông đóng khoản tiền hơn 10 triệu đồng để chấm dứt khoản nợ.
Khi ông M. thắc mắc về khoản tiền quá lớn, đối tượng đưa ra hàng loạt các lý do như: gọi điện nước ngoài... Thậm chí, đối tượng còn đe dọa ông nếu không thanh toán đầy đủ số tiền trong vòng 24h sẽ cắt thuê bao và gửi đơn kiện, đồng thời sẽ có công an gọi điện đến để xác minh.
Tuy nhiên, vì được cảnh báo kịp thời, ông M. đã không sập bẫy đối tượng, đồng thời trình báo công an về sự việc trên.
Có thể thấy, thủ đoạn chung của các đối tượng chiêu trò trên thường là giả danh nhân viên nhà mạng lớn, gọi điện thông báo nạn nhân đang nợ cước viễn thông với số tiền lớn. Đối tượng yêu cầu nạn nhân cần thanh toán ngay nếu không sẽ khóa số thuê bao, tạm dừng liên lạc và khởi kiện ra tòa.
Nếu khách hàng phản đối, đối tượng sẽ xin địa chỉ, tài khoản cá nhân với lý do để kiểm tra lại nhằm thu thập các thông tin cá nhân của khách hàng (tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng, mã OTP...) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau vài ngày, các đối tượng sẽ gọi lại và thông báo tài khoản cá nhân của chủ thuê bao điện thoại trên bị sử dụng để làm những việc phi pháp và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản để điều tra hoặc chúng sẽ gọi điện để đe dọa và tống tiền của các chủ thuê bao.
Nguy cơ bị kiểm soát điện thoại từ số tài khoản ngân hàng lạ
Thời gian gần đây, các cảnh báo về phương thức kiểm soát số điện thoại từ số tài khoản ngân hàng được truyền tay rộng rãi trên mạng xã hội. Chiêu trò mới này đang được nhận định là rất nguy hiểm.
Theo đó, bằng cách thử đăng nhập trên website của ngân hàng và nhập sai nhiều lần, các đối tượng sẽ khiến tài khoản của nạn nhân bị khóa. Khi đó, chúng sẽ giả danh người của ngân hàng gọi điện đến, dụ người dùng vào đường dẫn nhằm tải ứng dụng giả mạo. Khi bị khóa tài khoản, người dùng ít kinh nghiệm sẽ dễ hoảng loạn và tin theo lời kẻ gian.
Họ có thể cung cấp cho nhóm lừa đảo một số thông tin cá nhân, thông tin đăng nhập, hoặc bị dụ cài phần mềm độc hại. Những mã độc này sau khi thâm nhập vào máy có thể yêu cầu cấp quyền truy cập sâu vào thiết bị, từ đó kẻ gian chiếm quyền điều khiển thiết bị và thực hiện nhiều hành động, như đánh cắp dữ liệu, theo dõi thiết bị và người dùng từ xa, chiếm thông tin nhạy cảm như mật khẩu, mã OTP, thậm chí có thể chuyển tiền bằng khuôn mặt sinh trắc học trên điện thoại của nạn nhân.
Đây là một chiêu trò rất tinh vi và chuyên nghiệp, việc số tài khoản và số điện thoại thường được nhiều người công khai, có thể dùng chung hai số hoặc email để đăng nhập. Ngoài ra, thông tin này cũng được rao bán trên “chợ đen” dữ liệu và có nhiều cách để thu thập.
Trước diễn biến lừa đảo phức tạp nêu trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng thận trọng khi làm theo các đối tượng lạ trên mạng, đặc biệt là không chuyển tiền cho người lạ khi chưa xác minh kỹ thông tin.
Bên cạnh đó, người dân cũng không nên cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP dưới mọi hình thức.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhieu-tro-lua-dao-ro-len-dip-dau-nam-post602653.antd