Nhiều trường dừng dạy thêm, phụ huynh ngược xuôi tìm chỗ học cho con

Sau Tết Nguyên đán, nhiều trường THCS, THPT đã dừng việc tổ chức học thêm tại trường cho học sinh cuối cấp, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng, loay hoay tìm chỗ học mới cho con.

Theo Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, từ ngày 14/2, hoạt động dạy thêm tại nhà trường sẽ không được thu phí và chỉ dạy học sinh có kết quả học tập môn học cuối kỳ liền kề ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Phụ huynh loay hoay tìm chỗ học thêm cho con

Trước quy định này, hiện nay nhiều trường đã dừng việc học thêm cho cả học sinh cuối cấp, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng, loay hoay tìm chỗ học thêm mới cho con khi các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp đang đến gần.

Chị Tuyết Mai, có con học lớp 12 tại một trường THPT quận Long Biên, Hà Nội cho biết, chỉ còn hơn 4 tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả này cũng sẽ dùng để xét tuyển đại học nhưng nhà trường đã thông báo dừng mọi hoạt động dạy thêm, bao gồm cả với học sinh cuối cấp.

“Trước đây con học thêm các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ở trường nhưng hiện nay đều dừng lại hết, kế hoạch học tập bị đảo lộn. Xưa nay trường không ép học sinh đăng ký học thêm tại trường, em nào có nhu cầu thì đăng ký học, nhưng hiện nay toàn bộ hoạt động này đều dừng lại. Con tôi ngoài học trên trường vẫn tham gia vào một nhóm học thêm nhỏ cũng do giáo viên tại trường dạy ở nhà, ngoài ra không học ở đâu nữa. Thế nhưng cô giáo cũng thông báo sẽ cố dạy thêm cho các con vài buổi đến ngày 14/2 rồi cũng dừng dạy”, chị Mai cho biết.

Để đảm bảo việc học cho con, chị Mai đang gấp rút nhờ người quen giới thiệu các trung tâm dạy thêm uy tín để con theo học. Tuy nhiên, phụ huynh này cho rằng tìm lớp học thêm cho con không dễ, bởi còn cần “hợp thầy hợp cô” việc học mới thực sự có hiệu quả, việc thay đổi kế hoạch học tập ở thời điểm này cũng gây ra không ít khó khăn.

Chị Nguyễn Thúy Hà có con đang học tại một trường THCS trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng cho biết nhà trường vừa thông báo sẽ dừng các lớp học thêm, kể cả với học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10. Nhà trường thông báo phụ huynh có thể tìm các lớp ôn tập cho con tại các trung tâm, hoặc mời gia sư, tuy nhiên vào thời điểm này khi học sinh đang chạy đua “nước rút” để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, việc thay đổi giáo viên cũng như lớp học thêm là rất khó khăn.

“Theo quy định các lớp học thêm tại trường sẽ không được thu phí, nhà trường cho biết không có kinh phí để vận hành các lớp này, phải dừng theo quy định đợi hướng dẫn thêm. Nhu cầu học của các con cuối cấp là nhu cầu thực nên nhiều phụ huynh đề nghị có thể hỗ trợ kinh phí để giáo viên tiếp tục dạy, song nhà trường cũng không thể đồng ý vì lo trái quy định. Tôi cho rằng, quy định đưa ra cần có một thời gian nhất định để áp dụng, có thể áp dụng từ năm học tới để các trường và học sinh, phụ huynh có phương án chuẩn bị. Thay đổi kế hoạch vào giữa kỳ 2 sẽ ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch học tập của học sinh”, chị Hà cho biết.

Có con đang học lớp 12 tại một trường THPT tại huyện Văn Giang, Hưng Yên, chị Giáng Hương cho biết, sau Tết nhà trường đã thông báo dừng các lớp học thêm tại trường. Nhưng từ tuần tới, học sinh tiếp tục đăng ký học thêm tại một trung tâm thuê địa điểm tại trường và cũng do chính giáo viên của trường giảng dạy. Tuy nhiên thầy cô sẽ không dạy học sinh của mình ở các lớp chính khóa mà "đổi chéo" với giáo viên những lớp khác trong trường.

Phụ huynh này cho rằng, với cách làm này, việc dạy thêm, học thêm vẫn mang tính chất "bình mới rượu cũ". Dù vậy, ở giai đoạn nước rút, học sinh cần tập trung cao độ cho việc ôn thi tốt nghiệp, nhiều phụ huynh vẫn chấp nhận đăng ký cho con theo học.

Nói thêm về việc dạy thêm, học thêm, chị Giáng Hương ủng hộ chủ trương quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm: "Nếu học sinh học nghiêm túc, giáo viên cũng dạy chất lượng ngay trên lớp cũng đã đủ kiến thức theo chương trình cơ bản. Các con cũng có thời gian nghỉ ngơi, tiếp nhận thêm các kiến thức như đọc sách, chơi thể thao, tiếp nhận các kỹ năng sống khác... Nhưng thời gian qua vừa, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan đã khiến cho học sinh ở tất cả các cấp học, các lớp học lao vào học thêm. Phần lớn các con khi được hỏi đều nói rằng, học theo ý bố mẹ, sợ bị đuối hơn các bạn, sợ không lên lớp được... Nhiều con bắt đầu ra khỏi nhà từ 7h sáng và kết thúc việc học thêm vào lúc 9h30 tối. Sáng hôm sau, nhiều con uể oải đến lớp, không có thời gian để làm bài tập của thầy cô. Nhìn như vậy cũng thấy một thế hệ bị nhồi nhét, rất đáng lo ngại, các con rất thiếu kỹ năng sống, không rèn luyện thể thao, không biết xử lý thế nào khi gặp các tình huống xấu trong cuộc sống...

Bởi vậy, việc quản lý dạy thêm, học thêm là hết sức cần thiết. Với những cháu ở cuối cấp, cần phải bổ sung kiến thức để tham gia các kỳ thi chuyển cấp thì cũng có thể học thêm. Tuy nhiên, hoạt động này cũng phải theo quy định".

Phụ huynh này cũng cho rằng, chính các bậc phụ huynh cũng phải xác định, không phải cứ học thêm thật nhiều thì con sẽ có kết quả tích cực. Việc học thêm cũng cần lựa chọn phù hợp, cho con học hành và nghỉ ngơi hợp lý để tiếp nhận được kiến thức trong nhà trường cũng như ở các lớp học thêm một cách tốt nhất.

Cần hướng dẫn cụ thể về kinh phí khi dạy thêm không thu tiền trong nhà trường

Cô Hồ Thị Xuân Thu, giáo viên Trường Tiểu học-THCS-THPT Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, buộc giáo viên và học sinh phải thực sự nỗ lực trong giờ học chính khóa. Sau khi thực hiện quy định này, nhằm giảm bớt việc học thêm, dạy thêm tràn lan, nếu nhận thấy chương trình quá nặng cũng cần có ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp.

Thông tư 29 cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong việc dạy và học, giáo viên giỏi dạy ở các trung tâm, có uy tín, học sinh có nhu cầu cũng sẽ tự tìm đến để theo học.

Theo cô Hồ Thị Xuân Thu, bản chất của Thông tư 29 không phải cấm dạy thêm học thêm do đó không ảnh hưởng đến học sinh trên cả nước. Tuy nhiên riêng với việc dạy thêm cho học sinh yếu kém, học sinh giỏi và ôn tập cho học sinh cuối cấp tại các trường cần có hướng dẫn rất cụ thể để tránh lúng túng khi thực hiện.

Thông tư 29 yêu cầu nhà trường không được thu tiền với những nhóm học sinh này, như vậy Nhà nước cần có nguồn kinh phí hỗ trợ chi trả cho giáo viên. Trước mắt, ở thời điểm hiện tại, khi chưa có hướng dẫn cụ thể, việc dạy các lớp học thêm không thu phí trong nhà trường cần sự hỗ trợ rất lớn từ tập thể giáo viên.

“28 năm công tác trong nghề, tôi vẫn dạy miễn phí khi học sinh có nhu cầu bởi suy nghĩ nếu trao đi tri thức một cách tự nguyện và tự nhiên, người thầy sẽ nhận lại được nhiều hơn thế, đó là sự trưởng thành của học sinh, cũng là danh dự của nghề giáo. Tuy nhiên xét trên diện rộng và dài hạn, Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn cụ thể với các trường về kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng, học thêm không thu phí trong nhà trường.

Thêm vào đó, cũng cần nhìn nhận việc thi cử còn nhiều áp lực cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Khi có những điều chỉnh đồng bộ từ gốc sẽ cải thiện được chất lượng giáo dục và giảm bớt những tiêu cực”, cô Thu nói.

Nói về quy định tại Thông tư 29, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, quy định học thêm tại thông tư nhằm giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và ngành giáo dục. Thầy cô tâm huyết, chân chính, đủ năng lực không bao giờ có hành vi ép buộc học sinh học thêm. Do đó, quy định minh bạch là bảo vệ tôn nghiêm của ngành và thầy cô.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD-ĐT khuyến khích Sở GD-ĐT tham mưu cho tỉnh hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia dạy bổ trợ kiến thức cho 3 đối tượng học sinh ở trong trường công lập.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD-ĐT khuyến khích Sở GD-ĐT tham mưu cho tỉnh hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia dạy bổ trợ kiến thức cho 3 đối tượng học sinh ở trong trường công lập.

Bộ GD-ĐT không cấm nhà giáo dạy thêm mà chỉ cấm những hoạt động dạy thêm không đúng quy định. Quan điểm của Bộ là trong các trường công lập, giáo viên không dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh. Ở trong trường công lập có 3 đối tượng được bổ trợ kiến thức (không phải học thêm): phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh thi cuối cấp.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh Bộ GD-ĐT khuyến khích Sở GD-ĐT tham mưu cho tỉnh hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia dạy bổ trợ kiến thức cho 3 đối tượng học sinh ở trong trường công lập. Bộ GD-ĐT cũng đã tham mưu với Văn phòng Thủ tướng có công điện gửi các tỉnh thực hiện vấn đề này, trong đó có nội dung UBND các tỉnh/thành phố bố trí kinh phí nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhận định, ngoài quy định về dạy thêm học thêm, cần có những giải pháp đồng bộ về đổi mới kiểm tra đánh giá, bố trí chất lượng giáo viên đồng đều giữa các trường, không tập trung giáo viên tốt về trường điểm (sẽ chấm dứt được tình trạng đi học thêm để thi vào trường điểm), đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, giải pháp thanh tra, kiểm tra...

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-truong-dung-day-them-phu-huynh-nguoc-xuoi-tim-cho-hoc-cho-con-post1153309.vov