Chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10: Góc nhìn thực tế và chính sách
Các kỹ năng mềm, trong đó có ngoại ngữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng ở đa số ngành nghề, ngay cả những lĩnh vực vốn thiên về kỹ thuật, thậm chí là làm việc chân tay như giúp việc nhà, chăm sóc y tế tại các nước châu Âu. Tuy nhiên, theo báo cáo, tỷ lệ lao động Việt Nam đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động.
Kỳ thi khắc nghiệt
Câu chuyện chọn môn thi thứ 3 cho kỳ thi vào lớp 10 (THPT) nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, có lẽ không chỉ vì kỳ thi này được xem là khắc nghiệt bậc nhất hiện nay (thực tế đã cho thấy là còn khó hơn cả thi đại học), nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM - mỗi địa phương có trên dưới 100.000 học sinh thi vào THPT mỗi năm gần đây, mà còn vì nó là bước chuyển quan trọng của một thế hệ học sinh, từ cấp THCS lên cấp THPT, với những định hướng nghề nghiệp phải ngày càng rõ nét, định hình hơn.
Tính cả nước, có hàng triệu học sinh bước vào kỳ thi này, đồng nghĩa với hàng triệu gia đình và các nhà trường, thầy cô, học sinh thấp thỏm ngóng chờ việc công bố một môn học để có kế hoạch học tập.
Ngày 30/12/2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng ký ban hành Thông tư 30/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, thông tư quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: toán, ngữ văn và một môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố lựa chọn.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá ba năm liên tiếp.
Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hằng năm.
Góc nhìn thực tế
Đến thời điểm này, 20 địa phương đã công bố môn thi thứ 3, và lựa chọn của ngành giáo dục các địa phương này hầu hết đều là môn ngoại ngữ (ngoại trừ tỉnh Vĩnh Phúc chọn Tổ hợp). Đó là các địa phương như TP.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Tiền Giang, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Dương, Huế, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lâm Đồng, Khánh Hòa...
Trong số đó, TP.HCM là địa phương công bố sớm nhất, gần như ngay sau khi Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đây là địa phương đã nhiều lần chủ động đề xuất lựa chọn ngoại ngữ là môn thi thứ 3 vào THPT và nhấn mạnh, đây là ý chí và nguyện vọng của lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng như phần đông phụ huynh, học sinh của Thành phố.
Việc các địa phương đã công bố gần như chọn ngoại ngữ (tiếng Anh) có lẽ không phải là điều ngẫu nhiên và đáng để các địa phương khác xem xét.
Cơ sở để các địa phương lựa chọn ngoại ngữ (đa phần là tiếng Anh) làm môn thi thứ 3 vào THPT là, ngoại ngữ là hành trang cần thiết, hữu ích trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phù hợp với lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
Học sinh, sinh viên cần vững, giỏi tiếng Anh để tiếp cận tài liệu, thông tin trong quá trình học tập. Khi bước vào thị trường lao động, các em cần dùng ngôn ngữ này để làm việc, giao tiếp. Vì vậy, không chỉ năm nay, nhiều năm qua, tiếng Anh đã được nhiều địa phương lựa chọn là môn thi thứ 3 để tuyển sinh lớp 10.
Bên cạnh đó, ngoại ngữ cũng là môn học xuyên suốt, là 1 trong 8 môn học bắt buộc (hiện nay hầu hết học sinh được tiếp cận từ Tiểu học và tiếp tục học lên THPT cho đến Đại học). Thực tế, các trường Đại học cũng yêu cầu chuẩn tiếng Anh là một điều kiện để sinh viên có thể tốt nghiệp, ra trường.
Người viết tin rằng, các địa phương đã lựa chọn ngoại ngữ làm môn thi thứ 3 cho kỳ tuyển sinh vào THPT chắc chắn không phải là “mốt” hay áp lực từ phía nào, mà hoàn toàn là lựa chọn đã được xem xét kỹ lưỡng căn cứ trên thực tiễn và mang tính chiến lược.
Một thực tế lâu nay vẫn được nói rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng là, một trong những yếu tố khiến lao động Việt Nam luôn thua thiệt trên thị trường chính là yếu về ngoại ngữ.
Theo báo cáo tổng chỉ số nguồn nhân lực 2022 của Manpower Group, Việt Nam xếp thứ 47/60 thị trường lao động toàn cầu về tổng chỉ số nguồn nhân lực, đứng cuối cùng trong số 11 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù có tỷ lệ phổ cập giáo dục cao (khoảng 88%), nhưng số lao động Việt Nam có trình độ tay nghề hay chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%, gần như không đổi so với 3 năm trước.
Các kỹ năng mềm, trong đó có ngoại ngữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng ở đa số ngành nghề, ngay cả những lĩnh vực vốn thiên về kỹ thuật như ngành sản xuất, thậm chí là làm việc chân tay như giúp việc nhà, chăm sóc y tế tại các nước châu Âu. Tuy nhiên, theo báo cáo, tỷ lệ lao động Việt Nam đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động. Tỷ lệ này khá thấp so với các quốc gia không nói tiếng Anh khác trong khu vực như Thái Lan (27%), Malaysia (21%), Indonesia (10%).
Trở lại với thực tế lựa chọn môn thi, nếu chọn bài thi tổ hợp làm môn thi thứ 3 (hiện có tổ hợp khoa học tự nhiên gồm 3 môn vật lý, hóa học, sinh học; tổ hợp khoa học xã hội gồm 2 môn là lịch sử, địa lý), thì học sinh sẽ phải ôn tập 4 hoặc 5 môn học cho kỳ thi tuyển sinh vào THPT năm học 2025-2026.
Điều này, không cần phải là thầy cô dạy học hay hàng triệu học sinh sẽ bước vào kỳ thi sắp tới cũng đủ thấy áp lực lớn hơn, khối lượng kiến thức nhiều hơn, trong khi thời gian dành cho kỳ thi không còn nhiều.
Cả về yêu cầu giảm tải và giảm áp lực học tập, thi cử, việc lựa chọn bài thi tổ hợp đều không đạt yêu cầu, thậm chí đi ngược lại (làm tăng khối lượng và tăng áp lực trong học tập, thi cử).
Góc nhìn chính sách
Từ một vài thực tế vừa nêu, có thể thấy mấy điểm về mặt chính sách trong câu chuyện lựa chọn môn thi thứ 3 của kỳ thi THPT.
Thứ nhất, về tính đồng bộ, nhất quán của chính sách
Câu chuyện chọn môn thứ 3 thay vì định hướng ngoại ngữ là một trong những môn chính để đánh giá năng lực học sinh cho thấy, đây là điểm chưa nhất quán trong các chính sách về phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Đảng, Nhà nước luôn coi trọng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế. Các kỳ Đại hội XI (năm 2011), XII (năm 2016), Đảng ta đều nhấn mạnh đến “phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đại hội XIII (năm 2021), Đảng tiếp tục xác định nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược, cùng với hạ tầng và thể chế. Trong đó, đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”.
Phát triển nguồn nhân lực trong tiến trình hội nhập, rõ ràng, ngoại ngữ là một yếu tố rất căn bản, thậm chí là một trong những chìa khóa để tiếp cận, mở ra những tri thức tiến bộ khác, để người lao động thực sự trở thành “công dân toàn cầu” như Đại hội XIII xác định.
Gần nhất, Kết luận số 91-KT/TW ngày 12/8/2024 Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh với nội dung trọng tâm: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...". Trong Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học".
Như vậy, ngoại ngữ cần được coi là một trong những môn học chính để đánh giá năng lực học sinh tại các kỳ thi tuyển. Việc này sẽ tạo sự đồng bộ, nhất quán, tạo động lực cho việc học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục và trong đời sống xã hội, từ nhà trường đến gia đình và bản thân các thế hệ học sinh, thay vì bị ngắt quãng, đứt gãy, chi phối, co kéo bởi các mục tiêu ngắn hạn khác.
Điều này cũng tạo sự nhất quán trong định hướng dạy và học mà ngành giáo dục đang tiến hành, bởi ngoại ngữ vẫn là môn học xuyên suốt (một trong 8 môn học bắt buộc), các em học sinh sẽ tiếp tục học ngoại ngữ tại cấp THPT và Đại học, trong khi đó, một số môn học khác (trong bài thi tổ hợp) sẽ không được các em lựa chọn ở cấp học tiếp theo.
Tất nhiên, với các địa phương có điều kiện dạy và học ngoại ngữ còn hạn chế, ngành giáo dục hoàn toàn có thể cân nhắc lựa chọn môn thay thế. Song với các đô thị lớn, thậm chí các địa bàn trung tâm, phát triển của các tỉnh, thành, lựa chọn mang tính nhất quán này là thực sự cần thiết và sẽ có tác động mang tính chiến lược, lâu dài.
Thứ hai, về tính mục tiêu của chính sách
Một trong những lý do khiến việc lựa chọn môn thi thứ 3 trở thành lựa chọn đầy áp lực vào mỗi kỳ thi vào lớp 10 hàng năm là ngành giáo dục lo ngại học sinh “học lệch”. Nghĩa là, là lo học sinh quá tập trung vào ôn tập các môn thi mà lơ là các môn học khác.
Nhưng có một thực tế là, có bao giờ chúng ta có thể dành tài lực, trí lực, tâm huyết cho toàn bộ các mục tiêu trong cuộc sống hay không? Mỗi cá nhân đều có những mục tiêu được xem là quan trọng hơn trong mỗi giai đoạn của cuộc đời và cần dành nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho mục tiêu đó. Mỗi đơn vị, mỗi địa phương, mỗi ngành… đều có những nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời điểm phát triển, cần được ưu tiên tài lực, nhân lực để thực hiện. Vậy vì sao chúng ta yêu cầu các em học sinh phải học tập đều, ổn định tất cả các môn ngay cả khi chúng ta đang đặt ra cho các em một kỳ thi đầy khắc nghiệt như vậy?
Việc học các môn học khác, tiếp thu các tri thức khác đã kéo dài từ mầm non, tiểu học, THCS và gần 4 năm học (tính theo lịch công bố môn thi sớm nhất là kết thúc học kỳ I năm học lớp 9). Ngay cả với TP.HCM - địa phương công bố môn thi thứ 3 sớm nhất, ngay khi được phép là kết thúc học kỳ I năm học 2024-2025, thì các em cũng chỉ còn 1 học kỳ để học tập các kiến thức nói chung của kỳ 2 và kết hợp ôn tập cho 3 môn thi của kỳ thi vào THPT.
Dành tối đa một học kỳ (trung bình là 5 tháng) so với hàng chục năm học để các em tập trung hơn (xin nhắc lại là chỉ tập trung hơn, bởi thời gian này các em vẫn học và thi các môn khác) cho mục tiêu quan trọng và cần thiết, liệu có làm cho các em trở nên “học lệch” hay không, có khiến việc đào tạo toàn diện con người các em trở nên kém chất lượng hay không? Chưa kể, nếu chọn môn thi là ngoại ngữ, thì việc tập trung cho mục tiêu ngay trước mắt đó - cũng vẫn là một phần trong tiến trình đào tạo nhân lực chất lượng cao chứ không phải sự tập trung gây lãng phí, dàn trải, vô bổ. Sự so sánh đó có lẽ đã là câu trả lời.
Song, có thể còn một thực tế khác, mà tôi được nghe người bạn làm giáo viên THCS từng chia sẻ. Ý rằng, các thầy cô môn khác có thể cảm thấy “chạnh lòng” mỗi khi môn của mình dạy không phải là môn thi, vì các em lơ là môn học đó.
Nhưng như đã nói, chúng ta có thể bao dung hơn, bớt cứng nhắc hơn, linh hoạt hơn, nhìn nhận thực tế hơn với các em học sinh đang đứng trước kỳ thi, cũng chính là con em mình, rằng khoảng thời gian chưa đầy nửa năm đó, các em được phép và nên được dành nhiều thời gian hơn cho mục tiêu của mình (và đôi khi, thậm chí nhiều khi, với nhiều gia đình, đó lại là mục tiêu của bố/mẹ các em).
Một chính sách hướng đến quá nhiều mục tiêu cùng một lúc sẽ khó có thể đạt được hiệu quả mong muốn. Ngược lại, việc dành thời gian, công sức, tiền bạc cho những mục tiêu cụ thể, quan trọng trong một giai đoạn là cần thiết.
Nhìn dưới góc độ đó, và thực tế các kỳ thi vào lớp 10 hiện nay, người viết cho rằng, với các em học sinh đang độ tuổi đi học, gánh thêm những áp lực khác là không cần thiết, hãy cho các em có đủ không gian, thời gian để đạt mục tiêu của mình một cách ít áp lực nhất.
Khi bài báo này đến tay bạn đọc, Hà Nội - địa phương chiếm khoảng 1/10 số học sinh cả nước, một trong những địa phương được ghi nhận là có kỳ thi vào lớp 10 khắc nghiệt bậc nhất cả nước - vẫn chưa công bố môn thi thứ 3 vào lớp 10 (và dự kiến đến cuối tháng 3/2025 mới công bố).
Thời gian không còn nhiều cho kỳ thi vào bậc THPT năm 2025. Và với cả sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân lực, nhân tài cho đất nước, sự nhất quán về chính sách và mục tiêu chính sách cũng cần được định hình trước khi quá muộn.
Thủ tướng yêu cầu công bố môn thi thứ 3 ngay trong tháng 2/2025:
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Công điện yêu cầu các địa phương hoàn thành việc công bố phương án tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông năm học 2025 - 2026 trong tháng 2/2025. Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu:
Trong thời gian qua, toàn ngành Giáo dục đã tập trung thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội; và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn bất cập chưa được kịp thời xử lý ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, tạo dư luận không tốt trong xã hội.