Nhiều trường học ở Tây Nguyên có ca mắc COVID-19, việc dạy học ra sao?

Thời gian gần đây, nhiều học sinh, giáo viên ở các tỉnh Tây Nguyên trở thành F0. Các địa phương linh hoạt thích ứng, chuyển đổi hình thức học tập phù hợp với thực tế song chất lượng giáo dục rất đáng quan tâm.

Cô giáo Đắk Lắk dạy học trực tuyến

Sáng 15/11, tỉnh Đắk Nông ghi nhận thêm 23 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 9 học sinh và 1 giáo viên tại các huyện Krông Nô, Tuy Đức và Đắk Song. Những ngày trước, tỉnh này cũng phát hiện hàng chục F0 là học sinh.

Theo Sở Y tế Đắk Nông, tính đến 17h ngày 5/11, Đắk Nông đã hoàn tất việc tiêm mũi 1 cho 98,5% người dân trên 18 tuổi, được xem là cán đích đầu tiên trong các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 cho người dân và hiện đạt được 17,7%. Với số vắc xin đã được Bộ Y tế phân bổ, dự kiến đến ngày 25/11, Đắk Nông sẽ đạt 49% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 2.

Qua thống kê của ngành y tế Đắk Nông, tổng số trẻ từ 12-17 tuổi (số trẻ đi học được tính từ lớp 7 đến lớp 12) trên địa bàn tỉnh khoảng 85.000 người. Như vậy, tỉnh Đắk Nông có thể tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12-17 tuổi vào giữa tháng 12/2021 và hoàn tất mũi 2 vào giữa tháng 1/2022.

Tại Đắk Lắk, những ngày qua cũng ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 là học sinh khiến địa phương phải chuyển đổi hình thức học tập. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk, đến ngày 5/11, có 24 cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên và 280 học sinh, học viên mắc COVID-19.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch thích ứng, an toàn, “sống chung” với dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo đó, các cơ sở giáo dục được dạy trực tiếp khi ở vùng nguy cơ thấp (cấp độ 1); đến cấp độ 2 sẽ kết hợp dạy trực tiếp, trực tuyến; từ cấp độ 3 sẽ học gián tiếp.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, việc tổ chức dạy học trên địa bàn đã linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Đến ngày 5/11, toàn tỉnh có 4 huyện thường xuyên dạy học trực tiếp, 7 huyện linh hoạt chuyển đổi trạng thái dạy học từ trực tiếp sang gián tiếp và 4 địa phương chưa thể dạy học trực tiếp từ đầu năm học đến nay gồm: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Búk và Buôn Đôn.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đăng Khoa- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, khoảng cách giữa các cấp độ dịch gần nhau nên việc dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến và các hình thức dạy học khác nhằm đảm bảo lượng kiến thức cũng như tiến độ học tập cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Việc dạy học trực tiếp, trực tuyến không đồng đều giữa các địa phương dễ dẫn đến chất lượng giáo dục không đồng đều…

Về phía học sinh, việc dạy học gián tiếp bằng hình thức giao bài tập gặp khó với học sinh tiểu học ở vùng sâu, vùng xa do thiếu sự tương tác với giáo viên và hướng dẫn của phụ huynh. Nhiều học sinh nghèo, gia đình khó khăn chưa có điện thoại thông minh hoặc máy tính để học trực tuyến. Toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 67.000 học sinh thiếu thiết bị học tập. Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, toàn ngành giáo dục đã ủng hộ được 4,3 tỉ đồng.

Hiện nay dịch COVID-19 tại Đắk Lắk diễn biến phức tạp, nhưng học sinh của tỉnh Đắk Lắk chưa được tiêm vắc xin. Do đó, Sở GD&ĐT kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên phân bổ nguồn vắc xin để tiêm phòng cho học sinh của tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho các em khi được đến trường học trực tiếp; quan tâm hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho đối tượng học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương; Cục Y tế và Cục Quân Y của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng yêu cầu cấp bách báo cáo số lượng vắc xin phòng COVID-19 đã tiếp nhận, đã tiêm và nhu cầu năm 2022.

Theo thống kê thực trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, đến hết ngày 10/11, ở khu vực Tây Nguyên tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin là 75,8%, và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin là 10,8%.

-Có 15/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, ở Tây Nguyên có tỉnh Lâm Đồng.

-24/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho từ 80-95% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó Tây Nguyên có tỉnh Đắk Nông

-12/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho từ 70-80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có Kon Tum, Đắk Lắk.

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-truong-hoc-o-tay-nguyen-co-ca-mac-covid-19-viec-day-hoc-ra-sao-post1393121.tpo