Nhiều trường hợp không cần can thiệp tim mạch bào thai, trẻ sinh ra vẫn sống
Liên quan đến 1 trường hợp can thiệp tim mạch bào thai (FCI) thành công đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á diễn ra ở TP.HCM, ngày 9.1, Bộ Y tế cho biết theo công bố của IFCIR, có 14 bệnh nhân không trải qua FCI thì có 8 trẻ được sinh ra sống.
Theo Bộ Y tế, hẹp van động mạch phổi với vách liên thất kín (PA-IVS) là một dị tật tim bẩm sinh xảy ra do sự thông thương phân chia giữa tâm thất phải (RV) và tuần hoàn động mạch phổi. PA-IVS có tỷ lệ rất hiếm 0,042-0,053/1.000 ca sinh sống. Bệnh có thể được chẩn đoán khi khám siêu âm sản khoa định kỳ. Kích thước tim thai thường trong giới hạn bình thường.
Nhiều tổ chức đã công bố các báo cáo loạt ca nhỏ với mức độ thành công khác nhau đối với can thiệp tim mạch bào thai (FCI) cho PA/IVS - hẹp van động mạch phổi với vách liên thất kín.
Cơ quan đăng ký can thiệp tim thai nhi quốc tế (IFCIR) đã công bố dữ liệu từ nhiều tổ chức cung cấp FCI cho PA/IVS. Trong số 30 bệnh nhân được theo dõi, có 16 bệnh nhân đã trải qua FCI với 11 thủ thuật thành công, 3 bệnh nhân không thành công về mặt kỹ thuật và 2 bệnh nhân không được báo cáo.
Trong 11 trường hợp thành công về mặt kỹ thuật có 3 trường hợp tử vong liên quan đến thủ thuật, 1 trường hợp thai chết lưu muộn. Đối với 3 trường hợp không thành công về mặt thủ thuật có 1 trường hợp thai chết lưu.
Điều đặc biệt, qua theo dõi 14 bệnh nhân không trải qua FCI có 8 trẻ được sinh ra sống.
Trong đoàn hệ không có FCI và FCI không thành công, 4/10 (40%) bệnh nhân có được sửa chữa 2 thất thành công, 2/10 có sửa chữa 1 thất, 4/10 tử vong trước khi xuất viện.
Trong nhóm FCI thành công về mặt kỹ thuật, trong số trẻ sinh sống, 5/7 (70%) phẫu thuật 2 thất thành công, 2/7 tử vong trước khi xuất viện.
Trong khi đó, tại Trung tâm Tim Bệnh viện Nhi ở Linz ( Áo) đã công bố một đoàn hệ can thiệp bào thai lớn tại một trung tâm. Theo đó có 35 FCI/ 25 cặp mẹ - thai bị PA/IVS, hoặc hẹp van phổi nghiêm trọng.
Có 21/23 cặp mẹ - thai thực hiện FCI thành công, hoặc thành công một phần. Trong nhóm can thiệp thành công, 15 trường hợp có kết quả can thiệp 2 thất thành công (70%), 3 trường hợp được đưa về 1.5 thất và 3 trường hợp có kết quả không xác định. Không có bệnh nhân nào thực hiện FCI thành công có kết quả tim 1 thất sau sinh.
Trước đó, sản phụ D.D.L. (sinh năm 1996, ngụ TP.Đà Nẵng) đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) khám thai và phát hiện có bất thường về tim thai. Cụ thể, tim của thai nhi không lỗ van động mạch phổi với vách liên thất kín diễn tiến thiểu sản thất phải, và được tư vấn tái khám định kỳ tại bệnh viện.
Tuy nhiên, trong quá trình khám thai và theo dõi tại Bệnh viện Từ Dũ, bất thường về tim thai ngày càng tiến triển nặng hơn.
Ngày 3.1.2024, khi thai nhi được 32 tuần 5 ngày, Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức hội chẩn liên viện với Bệnh viện Nhi đồng 1 và kết luận, nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi ngay thì khả năng cao thai sẽ mất trong bụng mẹ; đồng thời không thể chấm dứt thai kỳ thời điểm này để sửa chữa tim sau sinh, vì khả năng cao thai sẽ mất sau sinh do non tháng kèm bệnh tim nặng.
Do đó, can thiệp trong bào thai khẩn trong trường hợp này là thiết yếu và cấp bách nhằm cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ. Sau khi tư vấn đầy đủ và được sự đồng thuận của gia đình, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 cùng phối hợp thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai này.
Lúc 8 giờ ngày 4.1.2024, kíp phẫu thuật của Bệnh viện Từ Dũ phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thảo luận rà soát các phương án thực hiện kỹ thuật này trước khi triển khai. Lúc 9 giờ 5 cùng ngày kíp phẫu thuật cả 2 bệnh viện tiến hành can thiệp tim thai trong bào thai.
Theo đó, sau khi xuyên thành tử cung, kim 18G được đưa vào buồng thất phải của thai, luồn Guidewire 0.014 vào thất phải, qua van động mạch phổi lên thân động mạch phổi; tiếp theo đưa Balloon Saphire 2.5 x 15 mm vào vị trí van động mạch phổi; bơm bóng với áp lực 14 bar x 2 lần. Sau can thiệp siêu âm kiểm tra tim thai lại thấy dòng chảy qua van động mạch phổi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim.
Hai kíp phẫu thuật của cả 2 bệnh viện đã cân não, nỗ lực hết sức, đảm bảo chính xác tuyệt đối, hạn chế tối đa sự cố có thể xảy ra. Và cuối cùng, phẫu thuật đã thành công như mong đợi.
Quá trình theo dõi thai kỳ sắp tới sẽ là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng tiếp tục của cả 2 bệnh viện nhằm đem đến niềm hạnh phúc cho cả gia đình, khi cả hai mẹ con chị L. có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.