Nhiều trường thiếu hiệu trưởng, hiệu phó, vì sao?

Nhiều trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh đang bị khuyết chức danh lãnh đạo là hiệu trưởng, hiệu phó. Điều này gây ra không ít khó khăn cho các trường trong công tác quản lý, tổ chức dạy và học.

Giáo viên Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) trong giờ dạy học. Ảnh: C.Nghĩa

Giáo viên Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) trong giờ dạy học. Ảnh: C.Nghĩa

Công tác bổ nhiệm đủ số lượng chức danh lãnh đạo cho các trường gặp khó khăn, phải chăng do thiếu nguồn bổ nhiệm hay do các địa phương chưa thực sự làm hết trách nhiệm?

Vẫn còn bất cập trong bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó

Hiện thành phố Biên Hòa vẫn còn nhiều trường TH và THCS công lập khuyết chức danh lãnh đạo là hiệu trưởng, hiệu phó. Đơn cử như Trường TH Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài) đã gần một năm nay, sau khi hiệu trưởng cũ được điều động sang làm Hiệu trưởng Trường TH Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp), trường vẫn chưa có hiệu trưởng mới. Trong thời gian khuyết hiệu trưởng, hiệu phó được giao phụ trách. Điều đáng nói, Trường TH Hà Huy Giáp là một trong những trường có số lượng học sinh đông tại phường Trảng Dài.

Hay như Trường TH Tân Cang (phường Phước Tân), theo quy định, ngoài hiệu trưởng trường sẽ có ít nhất một hiệu phó. Thế nhưng, đã gần 5 năm nhà trường chỉ có hiệu trưởng khiến hoạt động gặp không ít khó khăn. Phải đến ngày 30-10 vừa qua, UBND thành phố Biên Hòa mới có quyết định điều động, bổ nhiệm giáo viên từ một trường khác đến trường này làm hiệu phó.

Thậm chí, một trường tại phường Long Bình, một hiệu trưởng sau khi hết thời gian bổ nhiệm 5 năm đã phải chuyển xuống làm giáo viên để chờ được bổ nhiệm lại. Chỉ sau khi hồ sơ bổ nhiệm lại hoàn thành, vị “nguyên hiệu trưởng” mới có cơ hội trở lại làm hiệu trưởng lần thứ 2. Qua trường hợp cụ thể này cho thấy sự bị động của các đơn vị có trách nhiệm trong công tác bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cho các trường.

Theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1-12-2020), tất cả các trường từ mầm non đến phổ thông đều thực hiện quy định chung là không được bổ nhiệm quá 2 cấp phó. Còn theo Nghị định số 83/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung (có hiệu từ ngày 1-9-2024), các trường phổ thông có nhiều cấp học có từ 40 lớp trở lên được bổ nhiệm không quá 3 hiệu phó. Các trường mầm non, phổ thông còn lại bổ nhiệm không quá 2 hiệu phó.

Giáo viên “ngại” làm hiệu phó

Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo (GDĐT) huyện Long Thành Nguyễn Văn Toàn chia sẻ: “Hiện chức danh hiệu trưởng các trường mầm non, TH và THCS trên địa bàn huyện đều đã có đủ theo quy định, thế nhưng một số trường vẫn còn thiếu chức danh hiệu phó. Vì vậy, Phòng GDĐT huyện đang tiếp tục phối hợp với các phòng chức năng tham mưu cho UBND huyện sớm bổ nhiệm đủ chức danh lãnh đạo cho các trường còn thiếu trong quý IV này”.

Theo lãnh đạo một số phòng GDĐT, việc bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo là hiệu trưởng, hiệu phó có một số khó khăn. Đơn cử như việc xác minh lịch sử chính trị thường mất rất nhiều thời gian, nhất là với những trường hợp trong diện thực hiện quy trình bổ nhiệm nhưng là người từ địa phương khác đến. Việc cử người đi xác minh, hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng để xác minh là không dễ dàng, trong khi đây là việc đòi hỏi phải làm chặt chẽ.

Lãnh đạo phòng GDĐT một số địa phương cũng cho hay, hiện trong cao điểm xác minh lịch sử chính trị cho các cán bộ được quy hoạch chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, số lượng hồ sơ cần xác minh khá lớn. Chính vì vậy, quá trình xác minh lịch sử chính trị phục vụ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó các trường công lập cũng phần nào bị ảnh hưởng. Muốn đẩy nhanh quá trình này rất cần sự quan tâm, phối hợp của người đứng đầu các đơn vị chức năng.

Lãnh đạo một số phòng GDĐT địa phương cũng chia sẻ, công tác bổ nhiệm các chức danh hiệu trưởng các trường hiện khá thuận lợi. Tuy nhiên, với công tác bổ nhiệm chức danh là hiệu phó, nhất là hiệu phó trường TH thì lại gặp khó khăn. Một số giáo viên dù đã được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhưng khi bắt đầu tiến hành cất nhắc để bổ nhiệm lại không muốn làm công tác này.

“Có tình trạng giáo viên khi được đề nghị làm hồ sơ để bổ nhiệm hiệu phó đã từ chối, hoặc không chịu làm hồ sơ. Lý do là vì thu nhập và áp lực công việc. Hiện tượng giáo viên không muốn làm hiệu phó thường xảy ra ở những trường TH mới chỉ tổ chức dạy một buổi/ngày, thời gian còn lại giáo viên có thể tổ chức trông giữ trẻ ngoài giờ và đây là công việc cho thu nhập khá cao và ổn định” - lãnh đạo một phòng GDĐT địa phương cho biết.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/nhieu-truong-thieu-hieu-truong-hieu-pho-vi-sao-194071b/