Nhiều ưu thế vượt trội của hệ thống vận tải hành khách công cộng

'Hệ thống vận tải hành khách công cộng' là sáng chế độc quyền của ông Nguyễn Văn Kình, (TP Thủ Đức, TPHCM).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sáng chế đề cập hệ thống vận tải hành khách công cộng bao gồm các tuyến xe buýt, tàu điện và xe đạp công cộng để vận chuyển hành khách tới các tuyến xe buýt, ga tàu điện….

Giải bài toán ùn tắc giao thông

“Hệ thống vận tải hành khách công cộng” là sáng chế độc quyền của ông Nguyễn Văn Kình, số 63/8 đường số 6, khu phố 5, phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TPHCM.

Do số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh, đặc biệt, phương tiện giao thông cá nhân lấn át phương tiện giao thông công cộng, trong khi, cơ sở hạ tầng đường sá không phát triển kịp đáp ứng nhu cầu phát triển, gây ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường… Trong các thành phố nơi thường xuyên ùn tắc giao thông thì đường sá lại không thể mở rộng…

Theo nhà sáng chế Nguyễn Văn Kình, mục đích của sáng chế nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc, giảm tại nạn, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Sáng chế cũng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ, giảm giá thành vận tải, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Ở sáng chế này, hệ thống giao thông công cộng bao gồm: Tuyến đường dành cho xe buýt để vận chuyển hành khách bao gồm các trạm xe buýt; Tuyến đường dành cho tàu điện bao gồm các ga đón/trả khách; Các tuyến đường dành cho xe đạp bao gồm các trạm xe đạp để vận chuyển hành khách đến các tuyến xe buýt, ga tàu điện và ngược lại.

Một loại xe buýt đón/trả hành khách trên tuyến đường đi ở vị trí theo yêu cầu; Một loại xe buýt đón/trả hành khách đúng trạm xe buýt. Theo một phương án cụ thể, trong đó, các xe buýt có máy tự động tính cước phí cho hành khách tùy theo quãng đường đi.

Cụ thể hơn, một loại xe buýt theo sáng chế chỉ dừng đúng trạm cho hành khách lên - xuống trên các tuyến giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, còn một loại xe buýt dừng bất cứ nơi nào hành khách yêu cầu trên các tuyến giao thông đường bộ cho hành khách lên - xuống.

Tàu điện dừng theo ga và đi theo đường đi riêng. Xe đạp công cộng đi từ trạm xe đạp trong khu dân cư đến tuyến xe buýt hoặc ga tàu điện và ngược lại, xe đạp chỉ được lưu thông ở những tuyến đường không có xe buýt. Xe máy chỉ được lưu thông ở những tuyến đường không có xe buýt. Hạn chế xe công và xe cá nhân.

Cước phí tính theo quãng đường hành khách đi thực tế. Ví dụ: Tuyến xe buýt dài 10 km, cước suốt tuyến là 10 nghìn đồng, nếu hành khách đi 2,5 km thì hành khách chỉ phải trả 2,5 nghìn đồng.

Cước phí tính qua thẻ thông minh, thẻ này dùng chung cho các loại phương tiện giao thông công cộng thay vì dùng vé như hiện nay. Đối với khu dân cư ở xa trạm xe buýt, ga tàu điện sẽ bố trí các trạm xe đạp công cộng để hành khách đi từ khu dân cư đến trạm xe buýt, ga tàu điện và ngược lại.

Vận tải hành khách công cộng là chủ đạo

Ông Nguyễn Văn Kình chia sẻ, nhờ hệ thống nêu trên, hành khách dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện đi đến nơi mong muốn. Hệ thống giao thông công cộng hoạt động liên tục, tải trọng lớn, đường sá thông thoáng tốc độ tăng cao, giá thành vận tải giảm và hợp lý.

Lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Ngoài ra, giao thông thông thoáng sẽ giảm tiêu hao năng lượng góp phần bảo vệ môi trường, tối ưu hóa được vấn đề vận tải hành khách.

Theo tác giả sáng chế, với ưu thế vượt trội của “hệ thống vận tải hành khách công cộng”, ngành giao thông đứng trước một trong hai sự lựa chọn: Một là, để phương tiện giao thông cá nhân phát triển tự do - tự phát, thì, phải đối mặt với ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, thiệt hại do nó gây ra không ngừng tăng lên.

Hai là, vận tải hành khách công cộng giữ vai trò thống trị đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân; xe máy không được lưu thông trên các tuyến đường đã có xe buýt; kiểm soát, hạn chế ô tô cá nhân với số lượng nhất định, sử dụng ô tô cá nhân phải chịu mức dịch vụ cao đặc biệt. Có như vậy, ùn tắc giao thông sẽ được giải quyết, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và thiệt hại kinh tế do ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ giảm.

Theo ông Kình, khó khăn khi áp dụng sáng chế là thói quen sử dụng xe cá nhân đã quá phổ biến và ngân sách để mua sắm phương tiện công cộng khá lớn. Lợi thế là tận dụng đường sá có sẵn; Chi phí mua sắm xe, phương tiện, lái xe và người điều hành do doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm.

Nhật Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-uu-the-vuot-troi-cua-he-thong-van-tai-hanh-khach-cong-cong-post649329.html