Nhiều vấn đề được chỉ ra qua Báo cáo giám sát về nguồn lực chống dịch Covid-19
Tổng nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội huy động trong giai đoạn 2020-2022 khoảng 230.000 tỷ đồng.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành toàn bộ thời gian trong ngày hôm nay (29/5) để giám sát tối cao về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đến tháng 4/2023, Đoàn giám sát đã nhận được các báo cáo với 15.659 trang tài liệu.
Qua nghiên cứu báo cáo của các cơ quan, tổ chức và giám sát trực tiếp, trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, ngày 17/3/2023, Đoàn giám sát đã có văn bản báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong thanh toán, quyết toán, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 18/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành nghiên cứu thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát.
Ở một số địa phương, UBND và cơ quan chuyên môn đã tiếp thu, giải trình và triển khai kịp thời kiến nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Nhu cầu nguồn lực là rất lớn
Đoàn giám sát cho biết, về huy động tài chính chống dịch, Chính phủ thống kê tổng nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội huy động trong giai đoạn 2020-2022 khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ ngân sách là hơn 186.000 tỷ, còn lại từ các nguồn khác.
Tổng số kinh phí đã phân bổ trong 3 năm 2020-2022 là gần 176.000 tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn ngân sách nhà nước là hơn 135.485 tỷ đồng, chi từ các nguồn lực khác là hơn 40.433 tỷ đồng.
Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, về cơ bản công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch được tổ chức thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành, đảm bảo định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy trình, thủ tục
Tuy vậy, việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát… chưa đầy đủ; ở một số địa phương, còn tồn số lượng lớn kít xét nghiệm tài trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy.
Ở một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kít xét nghiệm… với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả...
“Kiểm toán Nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kít xét nghiệm có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương”, báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ.
Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, vay, mượn kít xét nghiệm. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong 2 năm 2020 và 2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kít xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất. Trong đó có một số đơn vị mua kít xét nghiệm từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giá trị lên tới hơn 2.100 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc mua kít xét nghiệm của Công ty cổ phần Việt Á, Đoàn giám sát cho biết đến đầu tháng 5, theo báo cáo của Bộ Công an, các cơ quan điều tra đã khởi tố 30 vụ án, 107 bị can.
Về việc tổ chức chuyến bay giải cứu, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Đưa và nhận hối lộ”, khởi tố nhiều lãnh đạo, cán bộ, công chức có liên quan ở Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế và một số địa phương. Đến ngày 3/4, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với 54 bị can về 5 hành vi phạm tội (gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản). Vụ án đã được VKSND hoàn tất cáo trạng và chuyển cơ quan xét xử.
Còn có sai phạm trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong chi chế độ phòng, chống dịch cho đối tượng tham gia phòng, chống dịch còn có các sai sót.
Kiến nghị xem xét yếu tố cấp bách, khách quan
Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, Đoàn giám sát nhận định với độ bao phủ rộng, các chính sách đã hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng chỉ trong thời gian ngắn, góp phần tích cực duy trì ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội.
Tổng số đối tượng được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ là gần 13,2 triệu người và hơn 41.000 hộ kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 126 của Chính phủ, đến 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho gần 36 triệu người lao động, người dân; hơn 394.000 đơn vị sử dụng lao động và hơn 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là hơn 45.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra công tác xây dựng và tổ chức thực hiện một số chính sách còn bất cập, chưa sát với nhu cầu của đối tượng; mức hỗ trợ còn thấp; chưa thể hiện sự ưu tiên, tập trung; điều kiện tiếp cận còn chặt chẽ, các công cụ hỗ trợ thực hiện chính sách chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.
Báo cáo cũng chỉ rõ số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp hơn so với biên chế được giao, thiếu so với nhu cầu thực tế và chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra. Nhiều địa phương báo cáo có tình trạng thiếu nhân lực tại y tế cơ sở.
Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương. Số lượng các bác sĩ tại trạm y tế xã có xu hướng giảm.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023, hoàn thành dứt điểm việc thực hiện các giải pháp được Quốc hội giao tại khoản 2, Điều 5 của Nghị quyết số 80/2023/QH15; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý theo thẩm quyền.
Chính phủ tổng kết và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới một số luật. Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc.
“Cơ quan thanh tra, kiểm toán, trong quá trình thanh tra, kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần xem xét đến các yếu tố cấp bách, khách quan, tính nghiêm trọng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm khách quan, phù hợp với bối cảnh và tình hình gắn với thực hiện Nghị quyết số 30” – bà Nguyễn Thúy Anh nêu kiến nghị của Đoàn giám sát./.