Nhiều vấn đề nảy sinh khi thực thi Luật Quy hoạch
Thủ tướng kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó lựa chọn một số quy hoạch cần ưu tiên, hoàn thành sớm để phục vụ phát triển đất nước
Ngày 19-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề nhằm rà soát việc thực hiện Luật Quy hoạch và hoạt động giám sát của Quốc hội liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Còn chồng chéo, mâu thuẫn
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch. Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch. Đáng lưu ý, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 19/202 về thành lập đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành".
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện quy định tại luật này và các luật, các pháp lệnh liên quan khác. Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng việc xem xét, thông qua Luật Quy hoạch đã được triển khai kỹ lưỡng song một số quy định vẫn chưa bắt kịp và chưa đánh giá hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan cũng nhận định quy hoạch là nhiệm vụ mới và khó; còn nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Quy hoạch với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; còn khó khăn về nguồn lực thực hiện quy hoạch...
Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức đến quy hoạch; đầu tư cho quy hoạch ở các cấp còn hạn chế...
Tăng cường phân cấp, phân quyền
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, dự thảo, tờ trình.
Thủ tướng nêu rõ công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Việc ban hành và triển khai Luật Quy hoạch đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xây dựng quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Tuy nhiên, có không ít việc chưa làm được hoặc phát sinh vướng mắc, cần tiếp tục xử lý. Nhấn mạnh việc lập quy hoạch tuy đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng thực hiện còn chậm, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Các ý kiến tại phiên họp thống nhất kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết mới vào kỳ họp thứ 3 (khai mạc vào cuối tháng 5 tới) theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch. Về lâu dài, phải tiếp tục triển khai sơ kết, tổng kết, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.
Các nội dung trình Quốc hội gồm: đề xuất điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó lựa chọn một số quy hoạch ưu tiên, hoàn thành sớm để phục vụ phát triển đất nước; điều chỉnh quy định về chi phí theo hướng cho phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; điều chỉnh nội hàm quy hoạch quốc gia...
Cùng với đó, kiến nghị Quốc hội cho phép lập đồng thời các quy hoạch; cho phép điều chỉnh quy hoạch không cần thực hiện thủ tục lập nhiệm vụ quy hoạch; cho phép các quy hoạch đã phê duyệt trước ngày 1-1-2019 được tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực, cho đến khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt.
Đồng thời, cho phép lựa chọn tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng theo hình thức chỉ định thầu hoặc các đơn vị nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tham gia xây dựng quy hoạch của ngành theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ có kinh phí, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của từng cơ quan, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với cơ chế kiểm tra, giám sát.
Từ năm 2011-2021, chỉ có 31 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt (trừ các quy hoạch xây dựng và đô thị thực hiện theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị). Theo Luật Quy hoạch, số lượng quy hoạch phải lập lên đến con số 111, trong khi từ nay đến cuối năm 2022, chỉ còn 8 tháng với rất nhiều công việc cần giải quyết.