Nhiều việc cần làm để có một Thủ đô trong tương lai như mong muốn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, sẽ có rất nhiều vấn đề cần tổ chức thực hiện mới có được một 'bức tranh', một Thủ đô Hà Nội trong tương lai như chúng ta mong muốn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu cuối phiên thảo luận. Ảnh: Đăng Khoa.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu cuối phiên thảo luận. Ảnh: Đăng Khoa.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận sáng 20-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ một số vấn đề về đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thay mặt cơ quan lập, thẩm định đồ án, Bộ trưởng khẳng định, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được tổ chức lập và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về quy hoạch. Quy hoạch đã bám sát vào các nhiệm vụ lập quy hoạch, bám sát vào các nghị quyết, chủ trương của Bộ Chính trị, của Trung ương về định hướng phát triển vùng, định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội, nhất là Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Tất cả các định hướng, chủ trương lớn đã thể hiện, cụ thể hóa và bám sát. Về quy trình lập, quy hoạch của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những quy hoạch rất quan trọng nên được thực hiện hết sức thận trọng và công phu. Chúng ta đã huy động được các lực lượng tư vấn tốt nhất, mạnh nhất, nhiều nhất và huy động được nhiều nhất các chuyên gia, nhà khoa học, các chuyên gia về quy hoạch hàng đầu của cả nước, và nước ngoài. Chúng ta đã tiến hành rất công phu, bài bản và khoa học với rất nhiều các hội thảo, hội nghị...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu thêm.

Về nội dung quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh 6 nội dung, cũng là những kết quả tốt mà Đồ án đã đạt được:

Quy hoạch có nhiều đổi mới với nhiều tư duy hết sức đột phá. Quan điểm định hướng phát triển như thành phố quay mặt ra sông hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết được các vấn đề về môi trường nước, trong đó, có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội...

Quy hoạch cũng đã chú trọng đến tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó, Hà Nội giữ được vai trò trung tâm, là động lực để phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực của phía Bắc, là một trong hai cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế bậc nhất của cả nước.

Quy hoạch có nhiều điểm khác biệt so với một số quy hoạch khác, như đã chú trọng đến các vấn đề về văn hóa, về di sản, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước, là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo và phát huy được các tiềm năng con người, thúc đẩy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quy hoạch đã thể hiện được định hướng phát triển, là thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm với Thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới về mọi lĩnh vực; tiếp cận với các xu hướng mới, về phát triển xanh hay kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Những xu thế mới nhất, các kinh nghiệm tốt nhất của quốc tế đã nghiên cứu trong đồ án này.

Quy hoạch đã định hướng tổ chức không gian phát triển sông Hồng trở thành không gian sinh thái văn hóa, kinh tế và là nơi thể hiện được các biểu tượng phát triển của Thủ đô. Trong đó, lấy trục sông Hồng trở thành trung tâm hội tụ, là diện mạo và điểm nhấn quan trọng của Vùng Thủ đô, của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng. Mặc dù vậy, việc nghiên cứu cũng cần phải hóa giải xung đột trong phương án quy hoạch của trục sông Hồng để bảo đảm phù hợp với các quy hoạch khác, như về chống lũ, về đê điều đã được Thủ tướng phê duyệt.

Cuối cùng, Quy hoạch đã cơ bản xem xét từ các vấn đề gọi là điểm nghẽn lớn hiện nay của thành phố, như ngập úng hay môi trường, những vấn đề giao thông, đô thị, an ninh nguồn nước…

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 20-6. Ảnh: Đăng Khoa.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 20-6. Ảnh: Đăng Khoa.

Để quy hoạch này thật sự có ý nghĩa và có tính khả thi cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu thêm việc rà soát, xem xét tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch. Việc trình Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là điều kiện tốt để rà soát tính đồng bộ, tính thống nhất. Ngoài ra, cần đồng bộ với cả các quy hoạch chung của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch các ngành quốc gia, quy hoạch của các địa phương xung quanh… để tránh xung đột và mâu thuẫn phải trả giá hoặc điều chỉnh sẽ rất bất cập.

Rất nhiều vấn đề trong tổ chức thực hiện mới có được một “bức tranh”, một Thủ đô Hà Nội trong tương lai như chúng ta mong muốn ngày hôm nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Về tổ chức thực hiện quy hoạch như một số đại biểu đã đề cập, Bộ trưởng đồng tình cho đây là vấn đề quan trọng, đồng thời nêu: “Chúng ta đã lập ra, đã vẽ ra có thể khó, nhưng chưa khó bằng chúng ta giữ được và chúng ta thực hiện được còn khó hơn rất nhiều. Đơn cử như đại biểu Hoàng Văn Cường nói, làm một dự án đường sắt của Hà Nội, chúng ta mất từ 12 đến 15 năm. Nếu chúng ta còn 14 tuyến đường sắt này mà chúng ta không có cơ chế để huy động, không có cơ chế để thực hiện thì đến bao giờ mới xong? Việc huy động nguồn lực, đường sắt của Hà Nội đang tính cần huy động khoảng 40 tỷ USD, và thực hiện trong vòng 11 năm để phấn đấu xong đến năm 2035. Vậy, cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện như thế nào để chúng ta làm được điều này? Nếu không thì quy hoạch này chỉ là định hướng về tương lai, là kỳ vọng chúng ta mong muốn, chứ không phải điều chúng ta nhìn thấy được”.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch Thủ đô sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội phải xây dựng một kế hoạch thực hiện khả thi nhất, trong đó có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai, thứ tự, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên…

Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến góp ý của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hà Nội cùng các cơ quan sẽ hoàn thiện và cố gắng sớm trình Thủ tướng Chính phủ, cùng với thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ cũng đang đặt ra và cố gắng phê duyệt cả 2 quy hoạch trong tháng 6-2024.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhieu-viec-can-lam-de-co-mot-thu-do-trong-tuong-lai-nhu-mong-muon-669770.html