Nhiều việc phải làm để đẩy nhanh tiến độ Đề án 1 triệu nhà ở xã hội

Đà Nẵng mất 2 năm mới chọn được chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Ở Bắc Giang, có công nhân làm việc cách nhà 80km nhưng không được mua nhà ở xã hội vì đã có nhà, có đất… ở quê! Rất nhiều vướng mắc, khó khăn được các địa phương phản ánh trong Hội nghị triển khai Đề án 1 triệu nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 19.5.

Từ nay đến năm 2025, các địa phương phải mở mới và hoàn thành xây dựng 120.000 căn nhà ở xã hội

Từ nay đến năm 2025, các địa phương phải mở mới và hoàn thành xây dựng 120.000 căn nhà ở xã hội

Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 (Đề án) được Thủ tướng phê duyệt ngày 3.4.2023.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, các địa phương sẽ hoàn thành 1.062.200 căn nhà. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 có 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 có 634.200 căn; đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2025, hiện đã hoàn thành 19.516 căn, đang tiếp tục triển khai 288.500 căn. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu ngắn hạn đến 2025, bên cạnh việc hoàn thành đầu tư xây dựng 288.500 căn hộ đang triển khai, thì phải mở mới và hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 120.000 căn.

Mục tiêu rất lớn nhưng hiện nay, theo phản ánh của các địa phương, việc triển khai các dự án và xét duyệt đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn.

Thủ tục phức tạp, hướng dẫn chưa rõ

Đại diện TP. Đà Nẵng cho biết đang triển khai thủ tục để kêu gọi đầu tư 4 dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thủ tục, thời gian lựa chọn chủ đầu tư còn phức tạp, kéo dài. Trường hợp có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm phải gần 1 năm mới chọn được. Trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên thì phải mất gần 2 năm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Theo phản ánh của TP. Hồ Chí Minh, đầu tư dự án nhà ở xã hội ngoài các thủ tục như nhà ở thương mại còn phải thực hiện thêm các thủ tục như: thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê mua, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức. Với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có dành 20% quỹ đất ở trong dự án để xây nhà ở xã hội, hiện chưa có hướng dẫn về xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, chưa có quy định về xác định cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên để hoàn trả cho chủ đầu tư; chưa có hướng dẫn về việc thanh toán cho chủ đầu tư khi bàn giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho Nhà nước để thực hiện dự án.

Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án được UBND tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đại diện tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay, việc xác định hỗ trợ “một phần kinh phí” là như thế nào, triển khai ra sao chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho các địa phương.

Người thụ hưởng cũng gặp khó khăn

Vướng mắc không chỉ ở khâu tạo lập nguồn cung mà còn ở việc xét duyệt các đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Cụ thể,Điều 20 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Điểm b, Khoản 13, Điều 1 Nghị định số 49/2021) quy định người đã có nhà ở, đất ở không được mua nhà ở xã hội. “Quy định này rất bất cập khi triển khai tại địa phương”, đại diện tỉnh Bắc Giang cho biết.

Một mặt, tiêu chí không có nhà ở, đất ở không rõ được thực hiện tại nơi có dự án, địa bàn huyện nơi đối tượng thường trú, tạm trú hay trên địa bàn toàn tỉnh, cả nước? Bên cạnh đó, việc rà soát các đối tượng để xem có nhà ở, đất ở hay chưa trong giai đoạn này còn nhiều bất cập. Ví dụ, sổ đỏ thường cấp cho hộ gia đình trong đó có bố mẹ và đối tượng đăng ký mua nhà (hiện nay nếu không có nhà ở thì không thể tách hộ theo Luật Cư trú). Vậy bố mẹ đã có sổ đỏ đất ở, nhà ở của hộ gia đình thì đối tượng đó có được coi là chưa có đất ở, nhà ở không? Dữ liệu về đất đai của các địa phương chưa hoàn thiện nên việc xác minh rất khó khăn. Ngoài ra, các đối tượng đã có nhà ở, có đất ở nhưng ở quê, đi làm tại khu công nghiệp ở xa muốn thuê hoặc mua nhà để ổn định lao động lại không được mua, thuê mua. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có công nhân làm việc cách 80km đã có nhà, đất ở quê nên không được mua nhà ở xã hội mặc dù đang rất cần.

Thủ tục xét duyệt công nhân khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội cũng có bất cập, vì phải thực hiện giống các đối tượng khác. Theo đó, trường hợp không có hộ khẩu thường trú phải có bản sao giấy xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đại diện TP. Đà Nẵng cho rằng, như vậy, công nhân không có hộ khẩu thường trú tại địa phương phải làm việc ít nhất 1 năm mới đủ điều kiện được thuê. Trong khi đó, đa số công nhân có nhu cầu thuê nhà ở xã hội khi đến làm việc tại địa phương, các trường hợp làm việc trên 1 năm đều đã thuê nhà ở và ít có nhu cầu thay đổi chỗ ở.

Từ những khó khăn nêu trên, các địa phương kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ ban hành quy định riêng về đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng chỉ định nhà đầu tư trong một số trường hợp; hoặc rút ngắn thời gian tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các dự án. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể trong việc xét duyệt các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội về tiêu chí không có nhà ở, đất ở; bỏ điều kiện về cư trú, giảm trình tự thủ tục xét duyệt bố trí thuê nhà ở xã hội đối với công nhân khu công nghiệp.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nhieu-viec-phai-lam-de-day-nhanh-tien-do-de-an-1-trieu-nha-o-xa-hoi-i329469/