'Nhiều vụ bạo lực học đường có yếu tố bên ngoài nhà trường'

Hơn 10 năm trước, Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua 'xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực' cũng không ngoài mục đích xây dựng môi trường sư phạm an toàn, thân thiện hơn.

Bạo lực học đường không phải câu chuyện mới nhưng vấn đề này bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của xã hội, vì nó liên quan đến đạo đức học sinh, mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên. Hơn 10 năm trước, Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng không ngoài mục đích xây dựng môi trường sư phạm an toàn, thân thiện hơn.

Học sinh Trường THCS thị trấn Dương Minh Châu. Ảnh minh họa

Học sinh Trường THCS thị trấn Dương Minh Châu. Ảnh minh họa

Nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường, bà Nguyễn Hồng Phượng- Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Dương Minh Châu phát biểu, bạo lực học đường lúc nào cũng là vấn đề nóng trong xã hội. Nhà trường bao giờ cũng cố gắng giữ cho vấn đề này hạn chế xảy ra ở mức thấp nhất.

Bởi vì tâm lý học sinh ở bậc học này phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Tâm lý lớp 6, lớp 7 khác; lớp 8, lớp 9 khác. Bây giờ các em được phụ huynh rất quan tâm, nhiều phụ huynh lại quá cưng chiều, đáp ứng mọi nhu cầu của con.

Đầu năm học nào, nhà trường cũng xây dựng các kế hoạch, chuyên đề để trao đổi với các em toàn trường, lồng ghép vào các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, chuyên đề dưới cờ. Nhà trường xây dựng chuyên đề tư vấn cho học sinh xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh nữ.

Từ đó, các em có thể tự bảo vệ mình trước các cám dỗ ở bên ngoài và trên mạng xã hội. Nhà trường cũng xây dựng các chuyên đề để giúp các em biết cách sử dụng mạng xã hội, bởi vì hiện nay có nhiều nội dung trên mạng lệch hướng, truy cập các trang web không đúng đắn có thể tác động tiêu cực đến tâm sinh lý của các em.

Trong nhà trường, tâm sinh lý của học sinh diễn biến phức tạp, có nhiều việc phát sinh. “May mắn là chúng tôi kiểm soát được, do giáo viên luôn theo sát và nắm được diễn biến tâm lý của các em. Sau mỗi buổi học, giáo viên chủ nhiệm biết được lớp mình học thế nào, các em học sinh có vấn đề gì không.

Có điều này là do giáo viên phối hợp tốt với học sinh, phụ huynh và chính quyền địa phương. Phụ huynh khi đọc mạng xã hội thấy có em nào có vấn đề gì cũng ngay lập tức phối hợp với nhà trường để tìm hiểu. Do đó, nhà trường luôn hạn chế được nạn bạo lực học đường”- bà Phượng nói.

Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường. Khi học sinh gặp chuyện không hay, ví như sáng nay bị bố mẹ rầy, hoặc có nhắn tin cãi nhau với, các em sẽ cần sự trao đổi, hướng dẫn, khích lệ từ thầy cô. Các thầy cô chủ nhiệm trong tổ tư vấn và các thầy cô gần gũi với các em như thầy tổng phụ trách đội được giao phụ trách việc này.

Lê Xuân Mai, lớp 9E, Trường THCS thị trấn Dương Minh Châu chia sẻ: “Khi mình còn trẻ, có tình bạn đẹp thì mình sẽ có ký ức rất đáng nhớ. Nếu học sinh được truyền đạt về vấn đề bắt nạt thì các em sẽ phòng tránh được và cũng không bắt nạt, làm người khác tổn thương. Nếu có vấn đề giữa các bạn, em sẽ góp ý; không được, em thông báo cho thầy cô và những người có liên quan”.

Em có dùng mạng xã hội không? “Em có sử dụng mạng. Sử dụng mạng xã hội an toàn, theo em, chỉ nên xem các video hài hước để giải trí, không nên lên đó khịa nhau, gây bạo lực trên mạng. Có một bạn học sinh bị chửi nên đã lên mạng đáp trả lại. Tình bạn đẹp là tình bạn khi chúng ta cùng cố gắng học tập, không bao che lỗi xấu của nhau” - Anh Thư, học sinh lớp 9, Trường THCS thị trấn Dương Minh Châu phát biểu.

Ông Nguyễn Đại Hải (Trường THCS thị trấn Dương Minh Châu) nhìn nhận, “bạo lực học đường cũng có nơi này kia, nhưng trường tôi rất ổn. Vào mỗi buổi sinh hoạt chủ nhiệm, tôi thường lồng ghép nội dung giáo dục tình bạn. bình đẳng giới.

Quan điểm của tôi, mình là một người thầy, lấy cái tâm làm hàng đầu, không được để xảy ra bạo lực học đường, không vi phạm đạo đức nhà giáo. Học sinh có sai, mình cũng cần xử lý cho đúng, không được dùng ngôn từ không chuẩn mực để la mắng, xúc phạm học trò mình”.

“Các em không thuộc bài, chưa chấp hành đồng phục thì mình chỉ nhắc nhở để các em chấp hành tốt hơn. Cho dù học sinh có sai, mình phải phân tích cho các em biết sai từ đâu, hướng dẫn các em khắc phục từ từ, chưa vội kỷ luật”- ông Lê Xuân Khang, giáo viên Trường THCS thị trấn Dương Minh Châu nói.

Ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: “Chuyện học sinh đánh nhau, chúng ta phải nhìn nhận như thế này, toàn tỉnh có trên 230.000 học sinh, số lượng rất đông. Càng đông, quản lý điều hành chắc cũng có vài sơ hở.

Ngoài thời gian học tại trường, các em còn được học nhiều về kỹ năng trong môn Giáo dục công dân, môn học trải nghiệm để giúp các em có kỹ năng hòa nhập xã hội. Những buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc sinh hoạt chủ nhiệm, thường các thầy cô giáo tương tác, giáo dục đạo đức cho các em. Nói đi cũng nói lại, một lớp học có từ 35 - 45 em, không em nào giống tính em nào, có em trầm tính, có em hiếu động.

Chắc hẳn các tính cách này sẽ có va chạm, em nào xử lý tốt thì không có việc gì xảy ra, xử lý không tốt thì có thể xảy ra hành hung bạn trong lớp hoặc bên ngoài lớp. Trong trường, thầy cô giáo chú ý tương tác uốn nắn, nhưng nếu ra ngoài các em bị yếu tố khác tác động thì cũng khác nữa. Các em bị bạn bên ngoài tác động, hoặc tại gia đình cha mẹ các em bạo lực, cãi vã cũng có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý các em. Như vậy, phụ huynh rất cần phối hợp với nhà trường giáo dục các em”.

Ông Phước cho biết tiếp, trong nhà trường, môn Giáo dục công dân dạy các em về đạo đức và pháp luật rất nhiều. Các em phải nhận thức được đúng sai. Mặt khác, cần nâng cao năng lực của giáo viên chủ nhiệm để giao tiếp và xử lý chuyện bạo lực học đường sao cho hiệu quả, nhất là trong các lớp có học sinh cá biệt. Đồng thời phải xây dựng nhà trường thân thiện, nhà trường hạnh phúc. Mang những câu chuyện hạnh phúc để tác động tới các em, bầu không khí hạnh phúc đoàn kết của nhà trường sẽ giúp các em phát triển tốt hơn.

“Giáo viên chủ nhiệm là người gần các em học sinh nhất; hoặc những người bạn thân có tính cách nhu mì, không gây hấn, hay trong gia đình ai là người lắng nghe nhất thì các em nên tâm sự các điều này. Các em không nên gây hấn và đưa thông tin cá nhân trên mạng để kẻ xấu có cơ hội tấn công. Phải làm sao để các em lên mạng tiếp cận các kênh học tập thay vì làm những điều vô bổ. Khi đến trường, các em phải lắng nghe thầy cô giáo để học kiến thức và kỹ năng. Các em phải nghiêm túc và trang bị kiến thức kỹ năng để biết đúng sai.

Các em đi học cũng nên hạn chế tham gia các hoạt động không phải của nhà trường. Đi học mệt, về nhà chưa học bài xong đã ra ngoài chơi là có nhiều việc khó đoán xảy ra. Các em học sinh làm quen với bạn khác ngoài trường nên hạn chế xã giao. Hầu hết các vụ đánh nhau luôn có yếu tố bên ngoài tác động”- Giám đốc Sở GD&ĐT nhắc nhở, nhắn gửi, khuyên răn học sinh.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhieu-vu-bao-luc-hoc-duong-co-yeu-to-ben-ngoai-nha-truong-a165525.html