Nhiều vướng mắc chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ
Nhiều vướng mắc về chính sách (thuế, thu hút đầu tư FDI…) đang chờ tháo gỡ là một phần nguyên nhân khiến mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ chưa đạt như kỳ vọng.
Hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã góp phần khơi thông, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong ngành CNHT nói riêng.
Tuy nhiên, vẫn ghi nhận tình trạng một số cơ chế, chính sách hiện hành còn bất cập trong thực thi nhưng vẫn chưa được các bộ, ngành, cơ quan thẩm quyền đánh giá, nghiên cứu điều chỉnh. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ được giao còn không ít hạn chế.
Cụ thể, Bộ Tài chính chưa xây dựng cơ chế thu kinh phí xử lý sản phẩm thải đối với các sản phẩm nhập khẩu (do các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa quy định về việc xử lý các sản phẩm thải bỏ của ngành điện tử, ô tô) cũng như các nội dung liên quan đến sửa đổi chính sách về ưu đãi thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô).
Bộ Tài nguyên và môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 148 (tháng 12/2020) sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai nhưng các dự án sản xuất sản phẩm CNHT không phải là đối tượng được hưởng ưu đãi về đất đai, hỗ trợ xử lý các vấn đề về môi trường và hỗ trợ tiếp cận đất đai…
Bên cạnh đó, các quy định về thuế còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Chính sách phát triển CNHT hiện còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế biến, chế tạo. Chưa có chính sách tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) để nâng cao giá trị gia tăng trong nước của sản phẩm chính và phát triển chuỗi cung ứng tại ngay chính thị trường nội địa.
Thậm chí, chính sách thu hút đầu tư FDI vào các ngành sản xuất sản phẩm CNHT chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công thương, các địa phương chưa chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp và CNHT nói riêng. Hiện tại, chỉ có khoảng 16/63 tỉnh, thành trực thuộc trung ương xây dựng, ban hành chương trình phát triển CNHT như TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đà Nẵng…
Bộ cũng cho biết, công tác thu hút FDI đầu tư vào các địa phương mang lại nhiều kết quả khởi sắc thời gian qua.
Công nghiệp hỗ trợ đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng
Phần lớn các địa phương có lợi thế và tiềm năng phát triển công nghiệp đều chú trọng thu hút các dự án đầu tư lớn nhằm tạo bứt phá trong quá trình dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước phát triển, hình thành chuỗi giá trị trong nước.
Dẫn đầu thu hút FDI năm 2020 là TP.HCM với 4,4 tỷ USD. Các tỉnh, thành khác thu hút được trên 1 tỷ USD vốn FDI gồm: Hà Nội (3,6 tỷ USD), Bà Rịa – Vũng Tàu (2,2 tỷ USD), Bình Dương (1,9 tỷ USD), Hải Phòng (1,5 tỷ USD).
4 địa phương còn lại trong top 10 địa phương dẫn đầu về FDI gồm: Đồng Nai (928 triệu USD), Bắc Ninh (901 triệu USD), Bắc Giang (894 triệu USD), Long An (810 triệu USD). Đây đều là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực CNHT, điện tử và công nghệ cao với mạng lưới các nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia như Samsung Việt Nam, LG, Panasonic, Apple…
Tuy vậy, nhận thức về thu hút và quản lý các nguồn vốn FDI tại các địa phương chưa đồng bộ, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến chiến lược, thu hút đầu tư, ưu tiên số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng đến các cân đối tổng thể của nền kinh thế.
Nhiều địa phương mới chỉ dựa vào các thế mạnh vốn có của địa bàn để thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, mà chưa tập trung xây dựng chính sách thu hút đầu tư, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp. Đặc biết, còn tình trạng dễ dãi ở một số địa phương trong chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách.
Bộ Công thương đánh giá, tình trạng phổ biến hiện nay là các địa phương mới chỉ quan tâm đến giai đoạn đầu của quá trình thu hút đầu tư mà chưa thực sự quan tâm đến phát huy lan tỏa của các dự án FDI lớn, gây lãng phí các cơ hội, tiềm năng có thể nhận được từ FDI trong thời gian các dự án này hoạt động tại Việt Nam.
Nghị quyết 115/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Chính phủ đề ra 7 giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Nổi bật gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách: Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển (được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Luật Đầu tư); Đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ; Giải pháp về tài chính, tín dụng; Phát triển chuỗi giá trị trong nước; Phát triển và bảo vệ thị trường…