Nhiều vướng mắc trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Ngày 19/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành liên quan về tình hình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) đề nghị các địa phương nhanh chóng hoàn tất thủ tục để hỗ trợ người chăn nuôi theo quy định.
Về đối tượng tham gia phòng chống dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ làm việc với Sở Tài chính và tham mưu UBND tỉnh phương án hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng. Các địa phương nhanh chóng rà soát lại các chốt kiểm dịch tạm thời và đề xuất phương án bỏ một số chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động không hiệu quả, nhằm giảm kinh phí và nhân lực trong công tác phòng chống dịch.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau 2 tháng (từ ngày 19/6 đến 19/8) dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh đã xuất hiện 321 ổ dịch tại 46 xã, phường của 7 huyện, thị, thành phố, buộc phải tiêu hủy 7.450 con lợn, với tổng trọng lượng phải tiêu hủy là gần 484.000 kg. Trong đó, huyện Châu Đức là địa phương có số ổ dịch nhiều nhất với 124 ổ, thị xã Phú Mỹ là địa phương có ổ dịch nhiều thứ hai với 106 ổ. Hiện nay, xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) là xã có số ổ dịch nhiều nhất của tỉnh, với 49 ổ.
Cũng theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đầu tháng 8 đến nay tốc độ dịch lây lan rất nhanh, diễn ra trên diện rộng. Cụ thể, nếu như từ ngày 19/6 (là ngày bắt đầu xuất hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh) cho đến hết tháng 7 xuất hiện 150 ổ dịch, thì riêng từ đầu tháng 8 đến nay đã là 171 ổ dịch.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay đang là cao điểm mùa mưa nên dịch bệnh tả lợn châu Phi nguy cơ diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan với tốc độ rất nhanh, rất khó kiểm soát trên diện rộng của toàn tỉnh, lây lan theo 3 hướng: phát tán sang các xã chưa có dịch, dịch xâm nhập vào các trang trại chăn nuôi lớn và tái phát lại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày. Đặc biệt, các ổ dịch phát hiện phần lớn lợn nái và lợn đực giống là đối tượng phát bệnh và chết đầu tiên.
Tại cuộc họp, các địa phương nêu ra những khó khăn trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiện nay như: vướng mắc trong công tác hỗ trợ cho người chăn nuôi, vì theo Quyết định 793/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy được áp dụng khác nhau với các đối tượng. Tuy nhiên, việc xác định xem cơ sở đó thuộc đối tượng nào, là doanh hay công ty con của doanh nghiệp lớn thì rất khó. Các địa phương còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, mức chi và nguồn chi phí chi trả cho đối tượng tham gia phòng chống dịch.
Việc triển khai lực lượng tham gia phòng chống dịch tại các chốt kiểm dịch tạm thời với thời gian quá dài đòi hỏi phải huy động số lượng lớn nhân sự dẫn đến tình trạng thiếu hụt người tham gia phòng chống dịch khác và các địa phương phải chi trả số kinh phí lớn để duy trì hoạt động. Một số hộ chưa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, còn sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt. Một số hộ chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt, chưa thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm khác.
Cùng với đó, hiện nay phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong các khu dân cư vẫn còn rất nhiều, mật độ chăn nuôi cao, gây khó khăn rất lớn trong công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh nhưng không kịp thời khai báo với các cấp có thẩm quyền theo quy định mà tự ý theo dõi, điều trị… dẫn đến dịch bệnh không được phát hiện, xử lý kịp thời nên nhanh chóng lây lan trên diện rộng, khó kiểm soát…