Nhiều vướng mắc trong xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Chiều 9-2, tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện những nhiệm vụ được phân công liên quan đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, xác minh và xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang ký kết quy chế phối hợp quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang ký kết quy chế phối hợp quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo Đại tá Nguyễn Trường Giang - Trưởng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, khó khăn đầu tiên đó là Bộ đội Biên phòng không phải là lực lượng trực tiếp phát hiện, bắt giữ trên biển.

Khi Bộ đội Biên phòng nhận được thông báo tàu vi phạm thông qua các lực lượng khác như Hải quân, Cảnh sát biển, Cục Lãnh sự… nhưng không được cung cấp đầy đủ các bằng chứng cụ thể, rõ ràng về vị trí phát hiện, bắt giữ, hình ảnh, video tàu cá đang khai thác thủy sản.

Đối với các tàu cá vi phạm do Đại Sứ quán Việt Nam tại các nước cung cấp kèm theo công văn của một số nước sở tại được viết bằng tiếng nước ngoài, không có giá trị pháp lý khi làm căn cứ đưa vào hồ sơ. Do đó, không có cơ sở để đấu tranh, xử lý chủ tàu.

Năm 2022, tổng số tàu cá của Kiên Giang vi phạm, có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài (theo thông báo chính thức từ các lực lượng chức năng) là 18 vụ/26 tàu cá; đã xử lý 12 vụ/16 tàu; không đủ cơ sở xử lý 3 vụ/5 tàu; chủ tàu vắng mặt tại địa phương 2 vụ/3 tàu.

Thực tế cho thấy, chủ tàu là những người điều hành, giám sát tàu cá trong bờ nên không thể xác định được khi tàu bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ vì khai thác hải sản trái phép hoặc tàu có đang khai thác thủy sản tại vùng biển nước ngoài hay không, đặc biệt là khi chủ tàu cố tình không thừa nhận, trốn tránh, đối phó với lực lượng chức năng về hành vi vi phạm của mình.

Tàu cá neo đậu tại khu vực ấp An Ninh, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Đại tá Nguyễn Trường Giang cho biết: “Đối với thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên tàu, dây niêm phong dễ bị tháo gỡ, hư hỏng nên trước khi đưa tàu qua vùng biển nước ngoài khai thác, ngư dân đã tháo thiết bị giám sát hành trình gửi sang một tàu cá khác hoặc vô hiệu hóa thiết bị.

Ngoài ra, khi tàu bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, thiết bị được yêu cầu ngắt kết nối, do đó không xác định chính xác vị trí tọa độ tàu bị bắt, không có căn cứ xác định tàu có vi phạm vùng biển nước ngoài không”.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU, Đại tá Võ Văn Sử - Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đề nghị Ban Chỉ đạo IUU tỉnh có văn bản yêu cầu đơn vị cung cấp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá cung cấp hình ảnh, quy cách niêm phong thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan chức năng.

Việc niêm phong thiết bị lên tàu cần đảm bảo đúng theo quy định, khó tháo gỡ khỏi tàu, không thể tác động đến việc tắt, mở thiết bị. Bên cạnh đó cần có biện pháp truy xuất hình ảnh hoạt động, lịch sử hành trình kể cả khi thiết bị đã bị tắt nguồn.

Tin và ảnh: AN LÂM

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//trong-nuoc/nhieu-vuong-mac-trong-xu-ly-tau-ca-vi-pham-vung-bien-nuoc-ngoai-12680.html