Nhiều vướng mắc trong xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế

Việc xây dựng Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự nhằm bảo đảm khơi thông nguồn lực, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt…

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, sáng 30-10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến báo cáo về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến báo cáo về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Thiếu biện pháp ngăn chặn sớm việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản

Báo cáo tại phiên họp về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong những năm qua, công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế đã đạt được những kết quả lớn, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo.

“Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra, nhất là trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Bên cạnh đó, cũng còn thiếu các biện pháp để các cơ quan tố tụng thực hiện ngay từ đầu nhằm ngăn chặn sớm việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản trước khi có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp tố tụng kê biên, phong tỏa…”, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến chỉ rõ.

Do vậy, để bảo đảm khơi thông nguồn lực, giải quyết những vấn đề cấp bách, phát sinh, bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt…, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm này.

Dự thảo nghị quyết gồm 5 điều, cụ thể về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng (Điều 1); nguyên tắc thực hiện (Điều 2); các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản (Điều 3); hiệu lực thi hành (Điều 4); tổ chức thực hiện (Điều 5).

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết đã xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Dự thảo đề ra 4 nhóm nguyên tắc để bảo đảm việc thực hiện các biện pháp xử lý được kịp thời nhưng chặt chẽ, minh bạch, có sự kiểm soát, đúng mục đích, không ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ án, vụ việc; không ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản, tránh làm phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường; phù hợp với luật pháp quốc tế.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu.

Nhất trí việc thí điểm được thực hiện không quá 3 năm

Đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tán thành với dự thảo nghị quyết và cho rằng, phạm vi thí điểm áp dụng trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đã tuân thủ đầy đủ Kết luận số 87-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 53/2024/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm tính đồng bộ và nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong các giai đoạn tố tụng.

Về phạm vi các vụ án, vụ việc được thí điểm, theo cơ quan thẩm tra, việc áp dụng cơ chế thí điểm sẽ có tác động rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tài sản. Do đó, phạm vi thí điểm giới hạn trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như dự thảo là phù hợp.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Về thời gian thực hiện thí điểm, dự thảo nghị quyết quy định thời gian thí điểm áp dụng từ ngày 1-1-2025 và được thực hiện không quá 3 năm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo và cho rằng, quy định thời gian thực hiện thí điểm như dự thảo nghị quyết là phù hợp. Trường hợp qua đánh giá kết quả thí điểm, nếu có đủ điều kiện, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thể nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các luật liên quan...

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/nhieu-vuong-mac-trong-xu-ly-vat-chung-tai-san-trong-cac-vu-an-vu-viec-ve-tham-nhung-kinh-te-800887