Nhiều vướng mắc trong xử lý vi phạm quyền lợi người lao động
Việc người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thời gian qua xảy ra ở nhiều doanh nghiệp tư nhân khiến người lao động (NLĐ) không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút BHXH một lần cũng không được, về hưu nhưng lại không có lương hưu… Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm này vẫn còn vướng mắc.
Chia sẻ câu chuyện thực tế về việc nợ BHXH ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ, bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc Phân xưởng may Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex) cho biết, công ty nợ BHXH từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 công nhân. Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền Công ty nợ BHXH của NLĐ là hơn 15 tỷ đồng. Trong 6 năm ròng rã, NLĐ đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời nhận được là “doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho NLĐ”.
Do bị nợ BHXH, bảo hiểm y tế nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, trong số gần 500 công nhân Nhà máy Dệt thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex bị lãnh đạo nợ lương, nợ BHXH… thì hoàn cảnh của 2 chị em Lê Thị Là và Lê Thị Ngân là khó khăn nhất. Chị Là đã 2 lần sinh con nhưng đến thời điểm trước tháng 3/2023, chưa được nhận chế độ thai sản. Đáng buồn hơn, chị Lê Thị Ngân (em gái chị Là) không may qua đời năm 2012, nhưng tới trước tháng 3/2023 gia đình vẫn chưa được nhận tiền tử tuất.
Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, NLĐ đã nhiều lần tìm gặp lãnh đạo công ty để đòi quyền lợi… nhưng đáp lại là những lời hứa suông. NLĐ đã làm đơn kêu cứu đến nhiều nơi, sau hàng chục lần đi đòi quyền lợi không được, NLĐ đã phản ánh sự việc với các cơ quan báo chí. Đến thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền nợ đóng BHXH của NLĐ hơn 15 tỷ đồng; phía Cơ quan Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội đã tiến hành chốt sổ BHXH cho gần 100 NLĐ còn lại của Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex để đảm bảo quyền lợi cho họ.
Theo ông Phạm Nghiêm Long - Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ, như không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác... Hệ quả này còn tác động đến gia đình của NLĐ và cả xã hội.
Ông Long cho rằng, mặc dù các quy định của pháp luật cơ bản ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ quyền lợi của chủ thể tham gia nhưng đâu đó vẫn chưa thể bao quát bảo vệ quyền lợi của các chủ thể, trong đó có NLĐ, khiến họ phải gánh chịu hậu quả khôn lường.
Lý giải nguyên nhân về công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH của NLĐ nhưng việc triển khai lại chưa được như mong đợi, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật, thẩm tra luật đã không để ý đến sự thống nhất, nên các đạo luật có sự mâu thuẫn nhau. Có đạo luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có đạo luật nêu rõ là công đoàn cơ sở; có đạo luật bắt buộc NLĐ phải ủy quyền, có đạo luật thì yêu cầu chung.
“Chính vì có sự khác nhau như vậy, nên dù các cấp công đoàn rất nỗ lực đưa các vụ việc ra tòa, nhưng đến nay cơ bản là bế tắc, tòa không thụ lý các vụ việc” - ông Hiểu cho hay.
Đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHXH có quy định để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi kiện thì phải do NLĐ ủy quyền. Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị xem xét sửa lại quy định này, bởi theo Điều 10 Hiến pháp, công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của NLĐ, vì vậy với công đoàn không nên đặt ra vấn đề ủy quyền. Trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp có hàng nghìn, chục nghìn NLĐ, nếu rơi vào những trường hợp này thì thủ tục hành chính, thời gian, để tiến hành khởi kiện sẽ rất lớn.