Nhiều ý kiến hay từ một cuốn sách về văn hóa Huế
Cuối năm 2023, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ra mắt cuốn sách 'Văn hóa Huế - Nhận diện các giá trị và hướng phát triển' (Nxb Đại học Huế, ấn hành tháng 11/2023). Sách dày 430 trang, với 36 công trình nghiên cứu của 36 tác giả, nhóm tác giả. Theo lời giới thiệu, đây là cuốn sách tập hợp các tham luận từ hai cuộc hội thảo do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức: 'Văn hóa Huế - Nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển' (năm 2020) và 'Phát huy giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật trong phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế' (năm 2019).
Văn hóa Huế tồn tại trong không gian vùng Huế qua hơn 700 năm hình thành và phát triển của Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, được gìn giữ bao đời nay, đã làm nên một sức sống văn hóa hết sức độc đáo, nên nay vẫn còn lưu truyền. Trong đó, gần 400 năm (1558 - 1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Từ sau 1945 đến nay, Huế tiếp tục làm nên và lưu giữ trong mình những giá trị mới tương thích với văn hóa Việt Nam hiện đại. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Sách gồm 3 phần. Phần thứ nhất “Những vấn đề chung” có các bài viết: “Bàn về văn hóa Huế” của Nguyễn Khoa Điềm; “Triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với việc bảo tồn và phát triển bền vững di sản văn hóa Huế”, “Xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa liên quan đến ca Huế để phục vụ phát triển du lịch” của Phan Thanh Hải; “Huế - Truyền thống và bản sắc: Định vị, chuyển hóa để hiện thực hóa Nghị quyết số 54” của Trần Đình Hằng.
Theo nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, các giá trị cốt lõi mà Huế đang lưu giữ, bên cạnh các giá trị di sản vật thể, phải nhắc đến các yếu tố phi vật thể làm nên tính cách Huế như: lòng yêu nước; tính cách hiền hòa, nhân hậu, trọng lễ nghĩa; cộng đồng coi trọng tri thức, các giá trị tinh thần, luật pháp; ý thức riêng về bản sắc ngôn ngữ, giọng nói, nếp sống, truyền thống văn hóa, với ý thức “giấy rách phải giữ lấy lề”, không dễ thay đổi, vay mượn… Tiến sĩ Phan Thanh Hải đề cập đến các giải pháp lâu dài cho bảo tồn và phát triển bền vững di sản văn hóa Huế. Trong đó, ông đề nghị phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ bản của đô thị trung tâm như bảo tàng, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, trung tâm triển lãm… Tiến sĩ Trần Đình Hằng ví di sản văn hóa Huế như một con thuyền, và “con thuyền di sản có thể bơi chậm, nhưng chắc chắn phải đều tay chèo, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tổng mũi và tổng lái”…
Phần thứ hai: “Di sản và văn hóa” đã có nhiều nghiên cứu nêu bật các giá trị tiêu biểu của văn hóa Huế đang được lưu giữ với ý thức cao như: các di sản văn hóa, văn học nghệ thuật, ẩm thực Huế, áo dài Huế, truyền thống đất học Huế, ca Huế, kiến trúc vườn Huế, lễ hội dân gian, các di sản thiên nhiên như sông Hương, núi Bạch Mã… Các tác giả đã đề cập đến văn hóa Huế từ nhiều góc nhìn đa diện: “Bản sắc văn hóa Huế góc nhìn từ địa lịch sử và Folklore” (Nguyễn Thế); “Vị thế của đình làng trong di sản văn hóa truyền thống Huế”, “Phát triển tuyến tham quan và học tập tại hệ thống các nhà lưu niệm của văn nghệ sĩ ở Thừa Thiên Huế”, “Dấu ấn của Nguyễn Hữu Ba và Tỳ Bà Trang ở Huế” của Trần Nguyễn Khánh Phong; “Câu chuyện kiến trúc xưa và phong cách Huế” của Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thượng Hỷ…
Phần thứ ba: “Văn hóa và phát triển” hội tụ nhiều ý kiến thú vị góp ý cho sự phát triển của Huế, đặc biệt là phát triển du lịch. Chẳng hạn: “Đề xuất kiến trúc “bình phong” thành sản phẩm du lịch đặc thù của Huế” của Phạm Đăng Nhật Thái; “Từ di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch: Một trường hợp nhà vườn ở Huế” của Phan Thuận Thảo; “Phát triển ẩm thực chay điểm nhấn mới của du khách đến Huế” của Phan Vũ Diệu Bình; “Giải pháp phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu ở thành phố Huế” của nhóm tác giả Nguyễn Tất Thắng, Nguyễn Anh Tuấn, Trương Thị Xuân Nhi…
Trong phần này, nhiều văn nghệ sĩ đã có dịp “mơ mộng”. Tiến sĩ Trần Đình Hằng mơ về không gian văn hóa Ngự Bình tĩnh lặng, sâu lắng và thiêng liêng để ngắm nhìn Huế từ trên cao, gắn liền với những hoạt động văn hóa nghệ thuật... Nhà văn Nguyễn Khắc Phê kiến nghị nên có một Bảo tàng Văn học nghệ thuật Huế cho du khách có cái nhìn tổng quan. Đặc biệt, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ hết sức gan ruột với “Phát huy giá trị văn hóa du lịch, Huế nên xây dựng “Đồi thi nhân” và góc đồi Ngô Kha”: Hãy hình dung có một đồi Thi Nhân trên vùng đồi Vọng Cảnh! Nếu tất cả những giấc mơ ấy biến thành hiện thực, thì Huế sẽ là vùng đất hứa của du lịch văn học nghệ thuật (literature and art tourism) có một không hai.
Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị di sản của Thừa Thiên Huế. Có thể bây giờ, nhiều người vẫn chưa tường tận về sự khác biệt của một thành phố di sản trực thuộc Trung ương trong tương lai sẽ hình thành, nhưng mục tiêu đó là động lực để phát triển. Công nhận đô thị di sản cho Huế không phải là gò bó Huế trong di sản, mà tạo thế phát triển cho Huế trong tình hình mới. Nhiều bài viết trong sách với các nội dung nêu bật các giá trị các thiết chế văn hóa, VHNT và phát huy giá trị, đã thật sự làm cho cuốn sách trở thành một nguồn tư liệu sống động mà nhiều người đang quan tâm.