Nhiều ý kiến phản đối việc Tổng thống Trump muốn công ty Mỹ khai thác dầu ở Syria

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/10 bị chỉ trích khi đề nghị tập đoàn dầu khí Exxon Mobil hoặc một công ty dầu khí khác của nước này vận hành các mỏ dầu của Syria.

Một giếng dầu trên cánh đồng ở thị trấn al-Qahtaniyah, thuộc tỉnh Hasakeh gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ

Một giếng dầu trên cánh đồng ở thị trấn al-Qahtaniyah, thuộc tỉnh Hasakeh gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Trump nói: "Những gì tôi dự định làm có lẽ là thỏa thuận với Exxon Mobil hoặc một trong các công ty dầu khí của chúng tôi để họ đến đó và làm điều đúng đắn, nhằm lan tỏa sự giàu có".

Lý giải cho kế hoạch này, ông Trump nói rằng, dầu mỏ ở Syria rất có giá trị vì nhiều lý do. "Thứ nhất, đây là nhiên liệu tiếp tế của IS. Thứ hai, nó giúp cho người Kurd vì nó về cơ bản bị lấy đi từ người Kurd. Và cuối cùng, nó có thể giúp chúng ta, vì chúng ta cũng nên có phần của mình", ông Trump tuyên bố.

Trước đó, Tổng thống Trump đã ra lệnh rút hết quân Mỹ khỏi đông bắc Syria, nhưng sau đó đã đổi ý, tuyên bố dầu mỏ ở nước này là một ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ và cam kết đưa thêm quân tới đây để bảo vệ các giếng dầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới đây cho biết, trong tuần này Mỹ sẽ triển khai quân cùng nhiều phương tiện hỗ trợ tới Syria nhằm bảo vệ các mỏ dầu khỏi IS.

Cùng ngày, thượng nghị sĩ Lindsey Graham bày tỏ sự ủng hộ với ý tưởng của Trump sau khi các phóng viên đặt câu hỏi về việc Mỹ khai thác dầu ở Syria có phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế hay không.

"Đây là nguồn thu chính của IS trong một thời gian dài. Các mỏ dầu đang nằm trong tay lực lượng Dân chủ Syria dẫn đầu là người Kurd, có quan hệ đối tác với Mỹ. Vì vậy điều này không vi phạm bất kỳ luật lệ nào", Graham nói.

Được biết, hai công ty dầu khí lớn nhất của Mỹ hoạt động ở Trung Đông là Exxon Mobil và Chevron hiện từ chối bình luận về lời đề nghị kể trên.

Tuy nhiên, đề xuất của Tổng thống Trump bị giới chuyên gia nhận định là bất hợp pháp. Ngoài ra, các công ty Mỹ sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức để có thể hoạt động tại Syria.

Bà Laurie Blank - giáo sư trường Luật Emory thuộc Đại học Emory ở Atlanta, Georgia nói rằng: "Luật pháp quốc tế chắc chắn chống lại những kiểu khai thác như vậy".

Trong khi đó, Bruce Riedel, cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ và hiện là thành viên cao cấp của Viện Brookings nhận định: "Đây không chỉ dừng lại là động thái pháp lý đáng ngờ, nó gửi đi thông điệp tới toàn bộ khu vực và thế giới rằng Mỹ muốn đánh cắp dầu".

Thời điểm trước khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra, nước này sản xuất khoảng 380.000 thùng dầu/ngày.

Bình An

CNBC

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhieu-y-kien-phan-doi-viec-tong-thong-trump-muon-cong-ty-my-khai-thac-dau-o-syria-553741.html