Thể chế hóa Nghị quyết 68: Quyền tự do kinh doanh phải được đảm bảo thực chất
Đại biểu cho rằng Nghị quyết của Quốc hội cần quy định các điều kiện, giải pháp chi tiết, dứt khoát hơn để bảo đảm quyền tự do kinh doanh hiến định.
Sáng 16-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của QH về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).
Theo các đại biểu (ĐB) QH, ngoài việc thể chế hóa Nghị quyết 68 của Trung ương thì Nghị quyết của QH cần quy định các điều kiện, giải pháp chi tiết, dứt khoát hơn để bảo đảm quyền tự do kinh doanh hiến định.

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa). Ảnh: QH
Nghiêm túc thực thi nguyên tắc được làm những gì pháp luật không cấm
ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng nguyên tắc hiến định là người dân và doanh nghiệp (DN) được kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Nghị quyết 68 hai lần nhắc lại nguyên tắc này và nhấn mạnh: Quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng và phải được quy định trong luật.
“Những điều cấm nói chung và những điều cấm trong kinh doanh phải được luật do QH ban hành. Trong dự thảo nghị quyết cho tới giờ này tôi chưa thấy thể hiện điều này, đề nghị ban soạn thảo nên thể hiện điều này để cộng đồng DN và người dân yên tâm đầu tư, đây cũng là một trong những nguyên tắc đã được Điều 33 của Hiến pháp năm 2013 quy định” - ĐB Thân nói.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) lại cho rằng những vấn đề nói trên lại không cần đưa vào nghị quyết vì luật pháp hiện hành đã có quy định. “Ví dụ, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được quy định ở Hiến pháp, quy định tại Điều 13 của BLTTHS, không phải là cơ chế đặc biệt để cho DN”.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đồng tình với ĐB Hạ và một số ĐB khác về vấn đề này. Bà còn cho rằng: Việc không áp dụng quy định bất lợi, không hồi tố những quy định bất lợi cho DN cũng là nguyên tắc đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và trong BLHS. Không những nguyên tắc này được áp dụng cho DN, mà áp dụng cho bất kể cá nhân, tổ chức nào.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nói phân định rõ trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân cũng như giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự là điều doanh nghiệp rất quan tâm. Ông đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ những bộ luật có liên quan như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, BLHS.

Nghị quyết 68 nhằm chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo… gây nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: THUẬN VĂN
Đưa tinh thần Nghị quyết 68 vào các luật đang sửa đổi
ĐB Lê Xuân Thân cũng đồng ý và đề nghị tiến hành sửa đổi Luật Trọng tài thương mại 2010 vì luật này đang có những thủ tục làm người dân và DN, đặc biệt là KTTN gặp rào cản về cơ chế về pháp lý. Ông còn đề nghị ngay trong năm 2025 phải rà soát và sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác.
“Tôi hoàn toàn tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính về mốc thời gian chậm nhất là đến ngày 31-12-2025 thì phải rà soát xong để tổ chức thực hiện” - ĐB Thân nói.
ĐB Khương Thị Mai (Nam Định) cho rằng phải luật hóa các chủ trương, đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, gỡ bỏ các luật chồng chéo hiện nay. Phải thay đổi cơ chế để DN tư nhân không bị ràng buộc bởi các điều kiện kinh doanh, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm.
“Nghĩa là các DN tư nhân được đầu tư kinh doanh phát triển tùy theo năng lực, không phải thực hiện các thủ tục hành chính mất thời gian và chi phí ban đầu để nhanh chóng gia nhập thị trường. Nhà nước kiểm tra, giám sát thông qua thanh tra” - ĐB Mai nói và lưu ý Nghị quyết của QH phải cải cách mạnh mẽ về khâu thực thi, đặc biệt là thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng đất đai và môi trường.
Trao đổi với báo chí, ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng: Đối với các luật chưa có trong chương trình kỳ họp thì cần thêm thời gian để sửa, có thể làm cho Nghị quyết 68 phần nào chậm đi vào cuộc sống. Nghị quyết của QH sẽ tập trung vào các nội dung rõ ràng, cấp bách, có thể triển khai ngay và phù hợp với tính chất một nghị quyết QH và quỹ thời gian hạn chế, ví dụ như miễn thuế môn bài.

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: QH
Hậu kiểm phải đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhất trí “chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh. Theo bà, đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho DN, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và mở rộng sản xuất.
“Tuy nhiên, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này lại rất dễ trở thành kẽ hở để các DN có thể lợi dụng” - ĐB Nga nói và đề nghị bổ sung yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm.
ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cũng đồng tình và cho rằng khoản 8 Điều 4 trong nghị quyết cần ghi rõ là bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký kinh doanh vì trong Nghị quyết 68 cũng nói là các DN được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
“Chúng ta ủng hộ hậu kiểm, không ủng hộ tiền kiểm nhưng hiện nay việc đăng ký giấy phép kinh doanh, thậm chí có những mã ngành nghề chúng ta còn chưa có thì nhiều DN sẽ rất vướng, không thể triển khai, nhất là các DN về đổi mới sáng tạo” - ĐB Huân nói.
ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) thì “tha thiết” đề nghị QH nên đưa vào mục là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan thực thi công việc để phát triển KTTN, tránh tình trạng “xin-cho”, trên bảo dưới không nghe.
“Cần có một nghị quyết rất rõ ràng để chúng tôi làm việc với các cơ quan thực thi công vụ. Sai của bên nào thì bên đấy phải chịu trách nhiệm” - ông Thân nói và lưu ý nếu không đưa nội dung này vào nghị quyết thì vẫn dẫn tới tình trạng trì trệ.
Không ảnh hưởng tới quản lý nhà nước
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết đang trình QH tại kỳ họp thứ 9 khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết 68 để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết lần này.
Đối với những nội dung cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đang được quy định tại các luật, nghị quyết khác về thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận xử lý các vi phạm, vụ việc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết phá sản… thì dự thảo nghị quyết đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc để định hướng sửa đổi, bổ sung cho các pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tuân thủ đúng các yêu cầu Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Với ý kiến lo ngại quy định thanh tra, kiểm tra tối đa một lần trong năm có thể tạo ra lỗ hổng trong quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cho hay dự thảo nghị quyết quy định số lần thanh tra, kiểm tra đối với DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá một lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Quy định này đã thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 68 để nhằm chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, kéo dài, lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN.
Quy định tại dự thảo nghị quyết hướng tới việc giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực hiện thanh tra, kiểm tra.
“Cho nên quy định tại nghị quyết không làm giảm hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, không cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với DN. Dự thảo nghị quyết cũng không hạn chế đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất khi DN có dấu hiệu vi phạm rõ ràng” - ông Thắng cho hay.