Nhiều ý kiến tâm huyết của phụ nữ góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Sáng 20-7, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Qua 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong luật đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, luật đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế...
Đồng chí Lê Kim Anh đề nghị các đại biểu góp ý vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) 5 nội dung cụ thể như phạm vi điều chỉnh, bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo; một số nội dung trọng tâm, đặc thù vượt trội của hồ sơ dự thảo cụ thể: Tổ chức chính quyền tại Thủ đô; xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; liên kết, phát triển Vùng Thủ đô; những nội dung cán bộ, hội viên phụ nữ quan tâm, nhất là về lồng ghép giới trong dự thảo…
Tại hội nghị các đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô…
Góp ý về hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung hệ thống giáo dục công lập phổ thông phải đáp ứng được 75% nhu cầu của học sinh từ mầm non đến hết trung học; có chính sách hỗ trợ để tất cả học sinh trong mọi hoàn cảnh đều được tiếp cận giáo dục hiện đại như hiến định; tạo cơ sở vật chất để 100% các em không may mắn, khuyết tật đều được chăm sóc nuôi dưỡng.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bảo đảm chất lượng phòng học, trang thiết bị như Luật Giáo dục quy định, có giải pháp từ nay đến năm 2030 triệt tiêu sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành.
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) góp ý vào việc quản lý, sử dụng đất đai; đồng thời đề xuất thành phố bố trí quỹ đất tương đương 20% đất ở trong các dự án để dành xây dựng nhà ở xã hội...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng bộ môn Luật Hành chính (Đại học Luật Hà Nội), Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có tính vượt trội. Hà Nội phải được trao quyền nhiều hơn các địa phương khác. Dự thảo Luật cần có quy định, khuyến khích sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có Hội Liên hiệp phụ nữ vào các hoạt động của thành phố.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa Trần Minh Xuân đề xuất dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bổ sung thêm chức năng của HĐND quận; tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp quận, bảo đảm mỗi địa phương (cấp phường) có một đại biểu sinh sống tại địa phương…
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý từ các đại biểu, cán bộ, hội viên để gửi Ban soạn thảo và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, cùng góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); từ đó, sẽ có cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng, phát triển Hà Nội nhanh, bền vững, ngang tầm Thủ đô các nước trong khu vực trong tương lai…