Nhiều ý kiến trái chiều về việc Hà Nội thí điểm cho thuê vỉa hè

TP. Hà Nội dự kiến, một số tuyến phố trên 5 mét, sau khi chừa lại 1,5 mét cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê với giá 45.000 đồng/m2/tháng.

Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về việc đề xuất cho thuê vỉa hè tại Hà Nội để kinh doanh. Theo đó, một số tuyến phố trên 5 m, sau khi chừa lại 1,5 m cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê. TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình các nước để đưa ra nhiều giải pháp khác nhau.

Được biết, một số nước trên thế giới cũng cho thuê vỉa hè. Tại Anh, để mở gian hàng trên vỉa hè, người bán cũng phải xin giấy phép. Muốn đặt bàn ghế hay các thiết bị khác như chậu cây, máy sưởi trên vỉa hè, họ cần xin thêm một giấy phép khác. Tại một số nước châu Âu, việc mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường được quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan. Hoạt động kinh doanh đồ ăn phải đăng ký với cơ quan y tế và môi trường. Một trong những địa điểm nổi tiếng với cà phê vỉa hè là thủ đô Paris của Pháp…

Ở Việt Nam, phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là 1 trong 5 tuyến phố được Hà Nội thí điểm thực hiện cho thuê vỉa hè từ hơn một năm trước. Giá thuê lúc đó là 45.000 đồng/m2 một tháng. Lãnh đạo TP. Hà Nội cho rằng, việc cho thuê vỉa hè sẽ giúp bộ mặt hè phố đẹp đẽ hơn và có thêm nguồn thu chỉnh trang hè phố.

Tuy nhiên, việc thí điểm cho sử dụng vỉa hè có thu phí để làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, hay làm nơi trung chuyển vật liệu, phế thải... đã khiến nhiều người lo lắng sẽ không còn chỗ cho người đi bộ, mất mĩ quan đô thị. Đặc biệt, người dân cũng bày tỏ quan ngại về việc quản lý trật tự các khu vực vỉa hè cho thuê.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ quan điểm trái chiều. Người đồng tình thì cho rằng "vỉa hè cho thuê phải gọn gàng, sạch và đẹp. Phải ghi rõ trong hợp đồng cho thuê". Tuy nhiên, một số không đồng thuận, bởi “nếu cho thuê vỉa hè thì không phải giành lại vỉa hè cho người đi bộ mà cái chính là để cho thuê", "tổ chức để cho thuê với mức 45.000 đồng/m2/tháng là không đủ chi phí", "các nước thí điểm cho thuê vỉa hè rồi lại mất công đi thu hồi"...

Vỉa hè Hà Nội được tận dụng kinh doanh hàng quán

Vỉa hè Hà Nội được tận dụng kinh doanh hàng quán

Bàn về vấn đề trên, Chuyên gia, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng việc cho thuê vỉa hè thực chất là hợp thức hóa việc khai thác công sản tùy tiện, từ không gian, địa điểm tạo nên nguồn lợi không chính thức và khiến vỉa hè trở nên lộn xộn hơn.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, nếu vỉa hè được cho thuê sẽ đẫn đến tình trạng chiếm dụng vỉa hè công khai, gây ra nhiều vấn đề khó lường như: Xung đột giữa doanh nghiệp và người đi bộ. Bên cạnh đó, còn hàng loạt các vấn đề phát sinh về rác thải, nguy cơ cháy nổ, rào chắn vỉa hè.

Điều đáng nói, Hà Nội đã không dưới 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè, thậm chí thành lập “Ban Chỉ đạo 197” để xóa bỏ việc lấn vỉa hè, lòng đường để kinh doanh trái phép. Nếu không xem xét cẩn trọng thì việc cho thuê vỉa hè sẽ bị “đá” với Luật Giao thông đường bộ, với những quyết tâm nỗ lực của Ban Chỉ đạo 197 và nhiều chủ trương, chính sách khác liên quan đến đô thị, kiến trúc, môi trường.

Liên quan vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Hòa (nguyên Trưởng khoa Đô thị, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chức năng nguyên thủy của vỉa hè là không gian chuyển tiếp giữa nhà ở, công trình với đường đi. Đó là phần dành cho người đi bộ và bảo vệ an toàn cho người và công trình trên vỉa hè. Tuy nhiên, hiện nay, vỉa hè đã có thêm chức năng khác là "kinh tế vỉa hè": bến xe bus, dựng bảng quảng cáo, trạm điện thoại, trạm ATM, trụ điện, trụ nước, hàng quán...

Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, cần đặt lại mục tiêu của quản lý vỉa hè là quản lý sao cho quy củ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể cùng tham gia sử dụng, khai thác vỉa hè, nhưng không làm mất đi không gian cho người bộ hành.

Đặc biệt, danh mục vỉa hè thu phí phải được công khai giống như danh bạ điện thoại để người dân biết và giám sát. Cuối cùng là những nơi nào phải qua đấu thầu (có quy định dưới luật) hay chỉ định.

Việc cho kinh doanh vỉa hè có thể tạo nhiều áp lực lên hạ tầng

Việc cho kinh doanh vỉa hè có thể tạo nhiều áp lực lên hạ tầng

Trước đó, một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội được giới thiệu có "độ bền 70 năm" nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, công tác khảo sát, thiết kế của nhiều đơn vị chưa đầy đủ số liệu thông tin địa chất, hiện trạng sử dụng vỉa hè; chưa có thiết kế chi tiết giải pháp xử lý đối với các vị trí khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm, chân cột đèn, gốc cây.

Nhiều đơn vị chưa nêu rõ việc tính toán lựa chọn kích thước viên đá tùy theo đặc điểm, yêu cầu sử dụng của từng tuyến phố; khảo sát, đánh giá nguồn cung cấp vật liệu đá chưa đầy đủ; một số viên đá lát không đảm bảo khả năng chịu lực uốn, chịu mài mòn theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ngoài ra, trong quy trình, kỹ thuật thi công, giám sát, một số tuyến phố đã đầu tư lát đá vỉa hè nhưng chưa đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Trong quá trình sử dụng, đơn vị hạ ngầm thoát nước, điện lực, viễn thông rồi khi hoàn trả không đảm bảo kỹ thuật, dẫn tới những hư hại, xuống cấp công trình.

Trong khi một số vỉa hè lát đá có độ bền 70 năm có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng và đã phải thay mới. Tuy nhiên, khi Hà Nội đề xuất cho thuê vỉa hè tại Hà Nội để kinh doanh đã khiến dư luận lo ngại về sức ép lên vỉa hè sẽ càng trầm trọng hơn.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-y-kien-trai-chieu-ve-viec-ha-noi-thi-diem-cho-thue-via-he-250894.html