Nhiều ý kiến về đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh

Khi thẩm định dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi), có ý kiến cho rằng hình phạt tử hình tạo ra áp lực buộc các đối tượng khắc phục hậu quả, đặc biệt là trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Ngày 5-4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Theo báo cáo tại cuộc họp, dự thảo Bộ luật gồm 3 phần, 26 chương, 433 Điều; giữ nguyên 181 Điều, sửa đổi 245 Điều, bổ sung 6 Điều, bỏ 18 Điều so với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Dự thảo Bộ luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại ở 8/18 tội danh có hình phạt tử hình.

 Hội đồng thẩm định cho ý kiến về Dự án Bộ luật hình sự. Ảnh: Hoàng Huy

Hội đồng thẩm định cho ý kiến về Dự án Bộ luật hình sự. Ảnh: Hoàng Huy

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Dương Minh Nghĩa, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, đồng tình với chủ trương loại bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án đối với một số tội danh. Tuy nhiên, cần phải có sự cân nhắc toàn diện hơn, dựa trên cả lý luận và thực tiễn, đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng.

Theo ông Nghĩa, trước hết, đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy — trong bối cảnh hiện nay, việc loại bỏ hình phạt tử hình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp không đủ cơ sở để truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy, mà chỉ có thể xử lý dưới tội danh vận chuyển trái phép. Nếu bỏ tử hình đối với tội này, cần xem xét liệu hình phạt thay thế có đủ sức răn đe và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay không.

 Ông Dương Minh Nghĩa, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước.

Ông Dương Minh Nghĩa, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước.

Với tội tham ô và nhận hối lộ, hiện đang trong giai đoạn quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Dương Minh Nghĩa cũng đề nghị phải xem xét kỹ lưỡng việc bỏ khung tử hình đối với hai tội danh này. Bởi, thực tiễn cho thấy, các trường hợp bị xử tử hình vì tội tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn và ở độ tuổi nhất định. Nếu thay thế bằng tù chung thân không xét giảm thì về lâu dài sẽ khó đạt được mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng, vì hình phạt không còn đủ áp lực buộc người phạm tội hợp tác.

Theo ông Nghĩa, việc xem xét ân giảm hiện nay thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, mà dự thảo Bộ luật đang đề xuất mở rộng phạm vi xem xét ân giảm đối với hình phạt tù chung thân không xét giảm án, thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật qua nhiều thời kỳ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng (VKSND Tối cao) cho biết, Viện đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”. Thực tế, nhiều vụ án vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vụ Bộ Công an vừa triệt phá gần đây, phát hiện đường dây sản xuất tới 1,4 tấn ma túy tổng hợp, trị giá khoảng 1.400 tỉ đồng.

Nếu không giữ lại hình phạt tử hình cho hành vi vận chuyển ma túy với quy mô lớn như vậy, thì tính răn đe sẽ không đủ mạnh, nhất là khi số lượng các vụ án ma túy lớn đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, trở thành mối đe dọa trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

 Ông Nguyễn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng (VKSND Tối cao)

Ông Nguyễn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng (VKSND Tối cao)

Đối với các tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, VKSND Tối cao đề nghị tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ hình phạt tử hình. Dù tư tưởng nhân văn, khoan hồng trong chính sách hình sự là xu hướng đáng khuyến khích, nhưng không vì thế mà lơi lỏng nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thực tiễn cho thấy, khi đối tượng đứng trước nguy cơ nhận án tử hình, thái độ và hành vi hợp tác thường thay đổi rõ rệt. Sức răn đe của mức án cao nhất này không chỉ thể hiện ở sự nghiêm khắc về pháp lý mà còn tạo ra áp lực buộc các đối tượng phải chủ động khắc phục hậu quả, đặc biệt là trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Cũng tại buổi họp thẩm định dự luật, ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, nêu vấn đề dù hình phạt tử hình rất nghiêm khắc, nhưng tội phạm ma túy vẫn tiếp tục buôn bán, thậm chí sản xuất với số lượng lên đến hàng tấn. Lý do là bởi cơ chế áp dụng hình phạt. Nếu buôn 100g cũng có thể bị tử hình, thì trong tư duy của kẻ phạm tội, thà buôn một chuyến thật lớn để có lời lớn, lỡ bị bắt cũng chỉ một án, còn nếu thoát thì thắng lớn. Tâm lý “được ăn cả, ngã về không” ấy tạo nên sự liều lĩnh, khiến tính răn đe của hình phạt cao nhất không còn phát huy đúng mức.

Còn đối với các tội tham ô và nhận hối lộ, nếu loại bỏ hình phạt tử hình đối với hai tội này thì thể hiện sự chuyển hướng theo tư tưởng nhân đạo, đồng thời nhấn mạnh đến việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả hơn là trừng trị đến cùng.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh yêu cầu đề cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.

Việc giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng các hình phạt thay thế như phạt tiền hay cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm là nguyên tắc xuyên suốt trong tư duy lập pháp hiện đại.

Điều này đã được thể hiện rõ trong nhiều văn bản quan trọng như Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và nhiều chỉ thị khác của Đảng, Nhà nước.

Về tội danh mà Bộ Công an đề xuất bổ sung vào danh sách bỏ hình phạt tử hình, trong đó có tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, Thứ trưởng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi hai tội danh này có liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Thực tế cho thấy, những quy định nghiêm khắc hiện nay, trong đó có hình phạt tử hình, đã góp phần tạo ra hiệu quả rõ rệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị, nếu xem xét bỏ án tử hình với các tội danh này, cơ quan chủ trì cần có kế hoạch truyền thông, phổ biến chính sách thật kỹ lưỡng, tránh gây ra phản ứng trái chiều trong xã hội.

Về hình phạt tù chung thân không xét giảm án, Thứ trưởng lưu ý, trên thực tế, mặc dù gọi là "không xét giảm án", nhưng pháp luật vẫn có quy định về ân giảm, và việc này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước – chủ yếu áp dụng với các trường hợp đặc xá, đại xá. Việc đưa thêm hình phạt là tù chung thân không xét giảm án có thể dẫn đến sự chồng chéo, không thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2025).

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nhieu-y-kien-ve-de-xuat-bo-hinh-phat-tu-hinh-voi-8-toi-danh-post842938.html