Nhiều yêu cầu mới đối với hệ thống chắn tự động đường ngang qua đường sắt
Theo dự thảo quy chuẩn, việc lắp đặt, vận hành hệ thống cảnh báo, cần chắn tự động đường ngang qua đường sắt phải đáp ứng nhiều yêu cầu mới.
Ngày 19/3, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, Bộ GTVT vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổng công ty Đường sắt VN, một số trường đại học, đơn vị đường sắt đối với dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động (thay thế Quy chuẩn QCVN 104: 2019/BGTVT).
Dự thảo quy chuẩn, do Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì biên soạn, nhằm quy định về công tác quản lý và các yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động trên đường sắt quốc gia. Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thiết kế, cung cấp, lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, vận hành và bảo trì thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động trên đường sắt quốc gia.
Theo đó, hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động gồm thiết bị rời, cấu thành hệ thống phòng vệ đường ngang bao gồm: cần chắn tự động (nếu có); đèn tín hiệu và chuông điện hoặc loa phát âm thanh; tủ điều khiển; thiết bị phát hiện tàu. Hệ thống nhằm mang lại tác dụng cảnh báo tàu, đóng, mở đường ngang trước, trong và sau khi có tàu chạy qua.
Dự thảo quy chuẩn yêu cầu hệ thống phải có nhãn hàng hóa và thể hiện các thông tin: kiểu loại, số sản xuất; thời gian sản xuất; tên và số điện thoại đơn vị sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa; xuất xứ hàng hóa… Cục Đường sắt VN là cơ quan thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy hệ thống phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động.
Trong hệ thống thiết bị trên, thiết bị phát hiện tàu gồm 2 loại: cảm biến từ và cảm biến đếm trục. Cảm biến từ được dùng cho đường ngang có tốc độ chạy tàu trong khoảng từ 5 km/h đến dưới 80 km/h và trong phạm vi bán kính 50 m từ vị trí đặt cảm biến không có đường dây điện lực cao thế đi qua. Còn cảm biến đếm trục được dùng cho đường ngang có tốc độ chạy tàu trong khoảng từ 0 km/h đến 120 km/h.
Hệ thống phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động có các cấp độ: tối thiểu, cơ bản và đầy đủ. Hệ thống phòng vệ tối thiểu: chỉ có cảnh báo đèn vàng sáng nháy để cảnh báo người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ khi qua đường ngang. Hệ thống phòng vệ cơ bản: chỉ có đèn báo hiệu, chuông hoặc loa phát âm thanh cảnh báo phía đường bộ hoạt động. Hệ thống phòng vệ đầy đủ: bao gồm đèn tín hiệu cảnh báo, chuông điện hoặc loa phát âm thanh phía đường bộ và cần chắn tự động.
Yêu cầu kỹ thuật đối với đèn tín hiệu, chuông điện, loa phát âm thanh như sau: Khi đoàn tàu chiếm dụng khu đoạn đến gần đường ngang, hai đèn đỏ luân phiên sáng với tần số từ 30 lần/phút đến 50 lần/phút; khi đoàn tàu ra khỏi đường ngang, cần chắn tự động mở, đèn đỏ nháy tắt, chuông điện tắt hệ thống phòng vệ trở về trạng thái bình thường.
Chuông điện hoặc loa phát âm thanh phải làm việc đồng bộ với đèn tín hiệu khi có đoàn tàu chiếm dụng khu đoạn tới gần đường ngang; chuông điện hoặc loa phát âm thanh tắt sau khi tàu ra khỏi đường ngang hoàn toàn.
Sau từ 7 giây đến 8 giây khi đèn tín hiệu đỏ nháy sáng luân phiên, chuông điện hoặc loa phát âm thanh kêu và các đèn nháy trên cần chắn tự động bật sáng thì cần chắn hạ xuống đóng đường ngang; cần chắn phải được đóng hoàn toàn (vị trí nằm ngang) trước khi đoàn tàu đến đường ngang ít nhất 40 giây. Đèn trên cần chắn nháy sáng liên tục từ khi cần chắn đóng cho đến khi cần chắn nâng lên mở đường ngang thì đèn trên cần chắn tắt.
Trên cần chắn lắp các đèn nháy, độ dài cần chắn có thể dài hoặc dưới 5 m, chiều cao 1 – 1,2 m tính từ mặt đất. Khi lắp đặt bổ sung cần chắn, trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm tra chạy thử theo chế độ tăng cường ít nhất trong vòng 120 giờ. Còn tổng thể hệ thống phải vận hành thử ít nhất 240 giờ.
Dự thảo quy chuẩn yêu cầu tại mỗi đường ngang có hệ thống cảnh bảo tự động lắp 2 camera trên các cột báo hiệu phía đường bộ để phục giám sát, quan sát được cả ban ngày và đêm. Dữ liệu hình ảnh được kết nối với trung tâm giám sát thông qua mạng không dây hoặc có dây; tốc độ truyền dẫn tối thiểu: 384 kbps. Trung tâm giám sát tiếp nhận hình ảnh, cơ sở dữ liệu của toàn bộ hệ thống phòng vệ đường ngang cảnh bảo tự động tối thiểu 30 ngày.
Về kiểm tra và bảo trì hệ thống, dự thảo quy định hình thức kiểm ngay ngày có tần suất 1 lần/ngày, nội dung kiểm tra gồm: sự toàn vẹn của hệ thống thiết bị; thử các chức năng cảnh báo chính của hệ thống; ghi chép kết quả vào sổ kiểm tra duy tu. Kiểm tra, bảo trì tháng: tần suất 1 lần/tháng. Kiểm tra, bảo trì năm: mỗi năm tiến hành 2 lần vào tháng 6 và tháng 12.
So với Quy chuẩn 104: 2019/BGTVT (đã ngừng áp dụng từ ngày 28/11/2022 theo quy định tại Thông tư số 27/2022/TT – BGTVT của Bộ GTVT), dự thảo quy chuẩn trên có nhiều điểm mới đáng chú ý như: quy định chuẩn kỹ thuật của 2 loại thiết bị phát hiện tàu (cảm biến từ và cảm biến đếm trục); yêu cầu kỹ thuật và các phương pháp thử nghiệm đối với các hạng mục thiết bị thuộc hệ thống phòng vệ cảnh báo tự động; trong mục cần chắn, bỏ quy định "đối với đường hỗn hợp cần chắn chỉ đóng 1/2 hoặc 2/3 mặt đường bộ".
Liên quan đến phạm vi đóng chắn đường ngang, theo khảo sát của PV Tạp chí GTVT, hầu hết các cần chắn tự động đều chỉ 1/2 chiều ngang đường. Việc chắn hở như trên phần nào dẫn đến tình trạng dù chắn tự động đã hạ nhưng vẫn có phương tiện đường bộ cố tình lách, vượt cần chắn, là nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt. Một số ý kiến cũng cho rằng, cần chắn tự động cần đóng kín đường ngang để ngăn ngừa vi phạm cố tình lách qua cần chắn, giúp tăng cường hiệu quả của cần chắn tự động.