Nhìn Colombia làm thương hiệu, cà phê Việt đừng ham xuất thô
Colombia chỉ có sản lượng xuất khẩu gần 1 triệu tấn nhưng thu về giá trị 3,2 tỷ USD. Điều giúp Colombia thu về giá trị cao hơn là nhờ vào chất lượng và thương hiệu cà phê mà nước này đã xây dựng được. Đây là câu chuyện đáng để ngành cà phê Việt Nam học hỏi, bởi 82% lượng cà phê Việt Nam hiện xuất khẩu dưới dạng nhân thô.
Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau 2 năm giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19 và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nỗ lực điều hành lãi suất, tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương thế giới.
Thua kém đối thủ vì thiếu thương hiệu
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng mạnh, không chịu tác động bởi “bão lạm phát”. Đặc biệt, giá bán tăng trung bình 15 - 20%.
“Một số nhà mua hàng đang chuyển dịch đơn hàng từ các nước khác sang đặt cà phê robusta của Việt Nam”, ông Huy thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Simexco, cà phê của doanh nghiệp này đã xuất khẩu vào được nhiều nước trên thế giới, trong đó có thị trường khó tính nhất thế giới là Nhật Bản.
Tuy vây, điều ông Huy trăn trở là Việt Nam có cà phê ngon nhưng thương hiệu vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến: “Nhắc tới rượu vang thì chúng ta nghĩ ngay tới Pháp, tại sao khi nói tới cà phê robusta, người dùng thế giới vẫn chưa biết tới Việt Nam?”.
Liên quan tới câu chuyện này, bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho biết, lịch sử cà phê Việt Nam bắt đầu từ những năm 1857… Và sau hơn 160 năm, chúng ta có khoảng 710.000 ha trồng cà phê, năng suất trung bình đạt 2,8 tấn/ha. Cà phê Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản xuất sau Brazil, số 1 về xuất khẩu cà phê Robusta.
Tuy nhiên, bà Giang đánh giá 82% cà phê Việt Nam xuất khẩu dưới dạng nhân thô. Xuất khẩu cà phê có thương hiệu và mang tính toàn cầu còn rất hạn chế.
Giám đốc truyền thông Trung Nguyên Lengend dẫn dữ liệu từ Eurostat cho thấy, nhập khẩu cà phê xanh của Thụy Sỹ khoảng 192 nghìn tấn trong năm 2021 và 99% lượng cà phê xanh nhập khẩu có nguồn gốc trực tiếp từ các nước sản xuất chính như: Brazil, Colombia và Việt Nam.
Colombia - với sản lượng xuất khẩu năm 2021 khoảng gần 1 triệu tấn nhưng chủ yếu là cà phê Arabica và tập trung vào chiến lược thực hiện nâng cao chất lượng cà phê nhân và vùng trồng cho khoảng 5% diện tích canh tác nhằm tạo ra các loại cà phê chất lượng cao cùng nhiều hoạt động thương hiệu khác nên đã giúp giá trị thu về từ hoạt động xuất khẩu cà phê nhân đạt tới 3,2 tỷ USD.
Đã đến lúc không chạy theo sản lượng
Theo đó, bà Giang nhắc tới khát vọng và tiềm năng của ngành cà phê Việt Nam có thể đạt 20 tỷ USD, bà Giang chia sẻ “7 sáng kiến cho ngành cà phê toàn cầu” do Nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đề xướng: tư duy lại khái niệm cà phê; tầm nhìn về một cộng đồng cà phê toàn cầu; đa dạng hóa về phong cách thói quen, chuẩn mực và văn hóa thưởng thức cà phê; tuần hoàn hóa một cách tổng thể và tích hợp chuỗi sản xuất cà phê; công bằng hóa quá trình trao đổi, phân phối giá trị có được từ ngành cà phê; góp phần chủ động hình thành chế độ bản vị nông sản cho hệ thống tiền tệ toàn cầu; cùng tạo dựng những địa bàn hình mẫu cho ngành cà phê.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak chia sẻ, doanh nghiệp này đang chuyển hướng sang chất lượng, thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê đặc sản của Việt Nam ra thế giới. Giá cà phê đặc sản xuất khẩu lên tới 6.000 USD/tấn, cao gấp 3 so với cà phê thương mại nhưng vẫn thu hút được nhiều đơn hàng.
Theo đó, ông Huy cho rằng cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho ngành cà phê Việt Nam gắn với việc đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp đang quản lý chất lượng cà phê thông qua các hợp tác xã, một đơn hàng có thể truy xuất nguồn gốc từ cách người nông dân trồng khi nào, bón phân ra sao…
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, cà phê hiện là mặt hàng nông sản xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam, sau lúa gạo. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,68 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch khoảng 3,9 tỷ USD. Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc, đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà kỳ vọng Buôn Ma Thuột sớm trở thành thành phố cà phê của thế giới: “Có những nước không có cà phê mà cả thế giới đều biết, tại sao Buôn Ma Thuột là thủ phủ trồng cà phê của Việt Nam với đầy đủ tiềm năng lại không thể trở thành là thành phố cà phê thế giới? Chúng tôi mong mỏi mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực trong thời gian sớm”.