Nhìn gương WeWork và Uber, giới đầu tư Mỹ ngán ngẩm startup tỷ USD
Năm 2019 được kỳ vọng là thời điểm các startup lớn nhất nước Mỹ ra quân hoành tráng trên thị trường chứng khoán. Nhưng đời không như mơ, những giá trị ảo không thể trở thành thật.
Theo New York Times, hồi đầu năm các nhà đầu tư tỷ phú ở Silicon Valley và giới chủ ngân hàng Phố Wall đều kỳ vọng các startup đình đám như Uber, Lyft và WeWork phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) thành công, đạt giá trị vốn hóa hàng chục tỷ USD và vươn mình thành những tập đoàn khổng lồ thế hệ mới.
Giờ thì những kẻ đắm chìm trong giấc mơ tiền tỷ đó đã tỉnh mộng. Tuần trước, WeWork hoãn vô thời hạn kế hoạch IPO, CEO Adam Neumann từ chức vì giá trị vốn hóa của công ty bay hơi 37 tỷ USD. Sau IPO, giá cổ phiếu của Uber và Lyft giảm 30-35%.
Startup dụng cụ thể hình Peloton IPO ngày 26/9 và lập tức giá cổ phiếu của hãng sụt 11% trong ngày giao dịch đầu tiên. Giá trị vốn hóa của Peloton lập tức giảm từ 8,1 tỷ USD xuống còn 7,2 tỷ USD.
Các nhà đầu tư quan sát và quay đầu bởi biết rằng các công ty này dù được định giá quá cao, lại hoàn toàn không có khả năng có lãi, ít nhất là trong tương lai gần.
Hiệu ứng domino
Giới quan sát nhận định những cái lắc đầu đầy cương quyết đó đe dọa mô hình xây dựng công ty mà Silicon Valley rất ưa thích trong nhiều năm qua. Đó là startup nhận hàng đống tiền từ các nhà đầu tư mạo hiểm, liên tục mở rộng dù lỗ nặng, hi vọng giới đầu tư Wall Street sẽ mua cổ phiếu và biến tất cả thành viên công ty thành đại gia.
Những gì đã xảy ra với Uber, Lyft hay Peleton cho thấy các quỹ đầu tư không còn mặn mà mua cổ phiếu của các startup kinh doanh thiếu hiệu quả. “Thị trường IPO bị tổn thương sẽ tạo hiệu ứng domino", New York Times dẫn lời giáo sư Steven N. Kaplan thuộc Đại học Chicago bình luận. “Các startup sẽ khó thu hút đầu tư như trước đây”.
Điểm nóng gây lo ngại nhiều nhất những ngày qua là WeWork, startup chia sẻ văn phòng đình đám. Cáo bạch IPO cho thấy WeWork lỗ 1,37 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay và 1,6 tỷ USD hồi năm 2018. Các nhà đầu tư phát hoảng, hậu quả là CEO Adam Neumann phải từ chức.
Kể từ khi IPO hồi tháng 5, giá cổ phiếu Uber đã sụt giảm khoảng 30%. Công ty này thừa nhận trong quý II năm nay đã lỗ tới 5 tỷ USD. Trong khi đó, giá cổ phiếu của đối thủ Lyft cũng sụt gần 40% kể từ đợt IPO hồi tháng 3. Nửa đầu năm nay, Lyft lỗ 1,8 tỷ USD.
Tương tự, Peloton cũng lỗ nặng với hoạt động bán xe đạp thể dục được trang bị màn hình để người dùng theo dõi các bài hướng dẫn trực tuyến. Trong quý II, Peloton lỗ 202 triệu USD, tăng 500% so với mức lỗ 47,9 triệu USD của cả năm 2018.
Một số startup tiếng tăm khác đã hoãn kế hoạch IPO. Tuần trước, ứng dụng đặt phòng Airbnb thông báo sẽ dời lịch IPO sang năm 2020. Palantir Technologies, công ty khai thác dữ liệu được tỷ phú đầu tư Peter Thiel đồng sáng lập, dự kiến không IPO trong nhiều năm tới.
Câu chuyện giá trị
Không phải mọi startup đều “chết chìm” với kế hoạch IPO. Giá cổ phiếu của nhiều công ty nhỏ hơn đã tăng vọt. Ví dụ, cổ phiếu của Pinterest tăng 44% kể từ đợt IPO hồi tháng 4. Vấn đề là Pinterest định giá một cách thận trọng, lỗ của hãng giảm mạnh trong những tháng trước IPO.
Và doanh thu từ quảng cáo của Pinterest đang tăng. "Những nhà đầu tư bỏ tiền mua tương lai, vậy hãy giúp họ vẽ ra tương lai. Bạn có thể làm điều đó với Pinterest, nhưng bó tay với WeWork, Uber hay Lyft", nhà phân tích Rett Wallace của Triton Research bình luận.
Giám đốc Charles Kantor của Neuberger Berman, công ty quản lý khối tài sản hơn 5 tỷ USD, cho biết ông chỉ hỏi vài câu hỏi đơn giản khi quyết định mua cổ phiếu của một startup lúc IPO. Đó là tỷ suất lợi nhuận thế nào, mức độ cạnh tranh ra sao và liệu ban lãnh đạo công ty có đủ khả năng đem lại lợi nhuận.
“Chúng tôi không đầu tư vào các công ty đưa ra những câu trả lời thiếu thuyết phục. Vấn đề cơ bản nhất là startup phải tăng trưởng nhanh chóng và lành mạnh”, ông Kantor giải thích. Ông không đầu tư vào Uber, Lyft hay Pinterest.
Một vấn đề cơ bản của các startup đình đám là “giá trị”. Với kỳ vọng quá lớn của các nhà đầu tư, nhiều startup tự định giá quá cao so với giá trị thực tế. Uber từng được định giá tới 74 tỷ USD trước IPO, và giờ giá trị vốn hóa của nó chỉ vào khoảng 54 tỷ USD.
Lyft cũng từng được định giá 15 tỷ USD và giờ giá trị vốn hóa của nó chỉ vào khoảng 12 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của WeWork được thổi phồng lên tới 47 tỷ USD hồi tháng 1. Giờ giới đầu tư xác định nó chỉ đạt khoảng 10-15 tỷ USD.
Thị trường đã tỉnh táo hơn
Và như vậy, bong bóng startup đã sớm vỡ trước khi phình to quá mức, trái ngược với bong bóng dot.com 20 năm trước. "Nhiều người đều sợ rằng đây sẽ là bong bóng tương tự năm 1999 và 2000. Nhưng các nhà đầu tư đã tỉnh táo hơn”, nhà phân tích Kathleen Smith của Renaissance Capital cho biết.
Phán quyết của thị trường chứng khoán là đầu tư tư nhân đổ vào các startup này quá nhiều. Với nguồn vốn khổng lồ, các nhà đầu tư tư nhân đã thổi phồng giá trị vốn hóa của những công ty này đến mức thị trường không thể chấp nhận được.
Theo nhà đầu tư công nghệ Fred Wilson thuộc Union Square Ventures, các startup lớn có thời gian “ấp trứng” kéo dài quá lâu. Nhận hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân, những công ty này không buộc phải niêm yết để tìm nguồn vốn như cách các doanh nghiệp trong quá khứ phải làm.
Mọi chuyện từng rất khác. Trước đây, thị trường IPO cho phép các nhà đầu tư rót vốn vào những công ty tương đối nhỏ, có tính rủi ro cao hơn và đủ tiềm năng để phát triển nhanh chóng. Các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ qua những thiếu sót của những công ty này.
Amazon IPO chỉ 3 năm sau khi thành lập vào năm 1994, huy động được 62 triệu USD. Khi đó, Amazon được định giá hơn 400 triệu USD. Hiện tại, giá trị thị trường của Amazon lên đến hơn 850 tỷ.
Google IPO năm 2004 sau một thời gian dài hoạt động và được định giá 23 tỷ USD khi đó. Đây là con số khổng lồ so với thời đó, nhưng Google lãi hàng năm tới hơn 400 triệu USD trước thời điểm IPO. Và hiện Google vẫn tăng trưởng mạnh.
“Chỉ có sự tăng trưởng lành mạnh mới là đảm bảo quan trọng nhất”, cố vấn đầu tư Jeff James thuộc Union Square Ventures nhấn mạnh.