Nhìn lại 10 năm với niềm tự hào sâu sắc

Năm nay vừa tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm là một khoảng thời gian không quá dài nhưng chúng ta cũng đủ cảm nhận về niềm tự hào, những kết quả đạt được khi di sản đặc biệt quan trọng của quốc gia được thế giới vinh danh.

 Con Lạc cháu Hồng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh: ANH TUẤN

Con Lạc cháu Hồng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh: ANH TUẤN

Việc thực hiện hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là một trong những công việc nặng nề nhưng có ý nghĩa nhất mà tôi được tham gia. Công nhận giá trị di sản văn hóa thế giới cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có tầm quan trọng trong việc tôn vinh tổ tiên, khẳng định giá trị văn hóa của dân tộc, từ đó củng cố sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới. Tôi còn nhớ rất rõ những quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ như ông Nguyễn Doãn Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, bà Nguyễn Thị Kim Hải lúc đó rồi ông Hà Kế San sau này, hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hay trong lần họp Ban Chỉ đạo thực hiện hồ sơ lần thứ 2 ngày 25/1/ 2011, ông Hoàng Dân Mạc, thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, việc xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là công việc trọng đại; việc làm thể hiện tấm lòng trân trọng với tổ tiên, vì vậy, cần thực hiện một cách thận trọng. Đã làm là phải chắc thắng, chắc chắn được công nhận. Nếu công việc không được thực hiện thành công thì UBND tỉnh, Bộ VH,TT&DL có lỗi với tổ tiên và không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Chính nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh cùng với các cán bộ của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tạo nên thuận lợi lớn cho việc thành công của hồ sơ.

Trong hồ sơ đệ trình UNESCO của chúng ta ghi rõ: “Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia tộc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng với triết lý “Con người có tổ có tông”. Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc đó là “sợi chỉ đỏ” tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc - đất nước trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước”; nhấn mạnh với Nhân dân toàn thế giới về ý nghĩa của tín ngưỡng đặc biệt này đối với dân tộc Việt Nam: “Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm nhằm giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cội nguồn. Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và những ngày còn lại trong năm, hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng niệm Hùng Vương, nhớ ơn công lao tổ tiên trong dựng nước và giữ nước”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ khiến người dân ở tỉnh Phú Thọ, cả nước Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nhận thức sâu sắc thêm về sức sống của triết lý hướng về cội nguồn trong cuộc sống tinh thần của các cộng đồng địa phương. Việc ghi danh cũng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thờ cúng Hùng Vương ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế ở các làng, xã, không chỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở núi Nghĩa Lĩnh”.

Sau 10 năm được ghi danh, đánh giá lại nỗ lực của chúng ta trong việc tôn vinh giá trị tổ tiên - dân tộc mình, chúng ta nhận thấy rằng, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện thành công rất nhiều việc quan trọng, đáng ghi nhận. Tất cả tạo cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào việc giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, Lễ hội Đền Hùng nói riêng trong đời sống xã hội đương đại và cả tương lai.

PGS. TS. BÙI HOÀI SƠN

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=166209&title=nhin-lai-10-nam-voi-niem-tu-hao-sau-sac