'Nhìn lại 2 năm thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới' (Bài 5): Doanh nghiệp đồng hành phát triển 5 sản phẩm OCOP, tạo hơn 2.000 việc làm

Ngoài làm việc tại nhà xưởng, hàng nghìn người dân huyện Nga Sơn đã nhận nguyên liệu về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại nhà. Sự lớn mạnh và những chiến lược đưa hàng thủ công mỹ nghệ sang Hoa Kỳ thành công của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đã góp phần đồng hành với Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh. Đây cũng là doanh nghiệp có số sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh với 5 sản phẩm...

Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh tạo việc làm cho nhiều lao động.

Ở tuổi 52, chị Đào Thị The ở thôn 5 xã Nga An (Nga Sơn) vẫn hằng ngày thoăn thoắt tay đan, sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói. Vẫn tranh thủ được việc nhà, chăm sóc con cái, nhưng có việc làm thêm nhờ nhận mẫu mã và nguyên liệu về làm.

Theo chị, có thể tranh thủ buổi tối, hay vừa xem ti-vi nhưng vẫn có thể đan lát bởi đây là việc làm nhiều năm, đa phần người tham gia đều đã quen tay, quen mắt. Không phải đi làm xa, ngồi tại nhà vẫn có thu nhập từ 100.000 đến 200.000 đồng mỗi ngày. Sự lớn mạnh của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh không những tạo việc làm cho người dân trong xã, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở nhiều xã trong huyện và một số xã của huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Với huyện Nga Sơn, nhiệm vụ tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn trong XDNTM được chú trọng. Những năm qua huyện đã gặt hái nhiều thành công nhờ các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trên địa bàn, mà điển hình là Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đang giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động.

Ven cánh đồng Làn Dài thuộc thôn 8, xã Nga An, 2 khu nhà xưởng với tổng diện tích cả nghìn m2 của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh cũng luôn nhộn nhịp không khí lao động. Hơn 40 công nhân làm việc thường xuyên tại xưởng luôn tất bật sản xuất, dán nhãn mác, đóng thùng, cất xếp sản phẩm chờ ngày xuất khẩu. Phía ngoài, hoạt động phơi sấy sản phẩm thủ công mỹ nghệ sau đợt nồm ẩm cũng không kém phần tất bật. Trên sân bê tông bạt ngàn các chủng loại sản phẩm được phơi trải dài trên diện tích gần nghìn m2. Bên trong các khu nhà kho nhiều loại sản phẩm lớn nhỏ được xếp lồng vào nhau, kín các khu nhà, chất cao từ mặt đất đến tận mái tôn gần chục mét. Giới thiệu với chúng tôi, ông Phạm Minh Tôn, giám đốc công ty chia sẻ: Phần lớn hàng thủ công mỹ nghệ của công ty đều được xuất đi thị trường Hoa Kỳ. Mỗi tháng đều đặn khoảng 50 container hàng thủ công mỹ nghệ từ cói và bèo tây của công ty được chở đi Cảng Hải Phòng để đưa sang thị trường khó tính bậc nhất thế giới bằng đường biển. Tại nước bạn, 4 doanh nghiệp lớn đã phân phối để đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ huyện Nga Sơn đến khách hàng tại hệ thống 64 siêu thị. Hiện nay, Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh được đánh giá là 1 trong 20 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tốt nhất Việt Nam.

Cùng phóng viên đi thăm các khu sản xuất và kho chứa, giám đốc công ty lần lượt giới thiệu các sản phẩm đẹp mắt và lạ lẫm. Từ những chiếc bình cắm hoa đến chiếc làn đi chợ hay hộp đựng quần áo; từ tấm thảm chùi chân đến rá đựng hoa quả. Tất cả đều được những bàn tay khéo léo đan kết tỉ mỉ với hoa văn bắt mắt. Đến nay, doanh nghiệp đã và đang sản xuất khoảng 50 mẫu chủng loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, bèo tây và bẹ chuối khô.

Về hành trình vượt khó để phát triển, ông chủ sinh năm 1978 này trải lòng: “Sau nhiều năm đi làm thuê cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ từ cói trong huyện, tôi tự đúc kết kinh nghiệm, rồi đến năm 2009 thành lập công ty riêng. Hết thuê đất dựng xưởng, rồi huy động vốn mua nguyên liệu, duy trì các khâu sản xuất khiến tôi phải vay cả nợ lãi, vay chỗ nọ trả chỗ kia. Gia cảnh khó khăn, thiếu vốn, tuổi đời còn trẻ nên việc duy trì sản xuất vô cùng gian nan, có những lúc muốn từ bỏ”.

Thế nhưng khát vọng khởi nghiệp và mong muốn vươn lên ngay tại quê nhà đã biến thành nghị lực để Phạm Minh Tôn nung nấu ý chí, tìm đủ cách vượt khó. Anh cũng nghiệm ra rằng, phải tìm cách đấu mối để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm đi nước ngoài, không bị động, lệ thuộc vào các công ty trung gian trong nước mới là “kế sách” phát triển bền vững.

“Năm 2011, tôi tiếp cận được một đối tác Tây Ban Nha, nhưng khi biết công ty mới hoạt động được 2 năm, họ quay lưng vì cho rằng khó đáp ứng được các tiêu chí. Tôi phải cam kết với đối tác rằng, chấp nhận xuất hàng trước cho phía bạn một container mà chưa cần trả tiền, sau khi đủ điều kiện sẽ hợp tác. May thay, sau đó đối tác liên lạc lại và gửi tiền, đồng thời mở ra sự hợp tác để đưa sản phẩm sang châu Âu. Nhận thấy thị trường Hoa Kỳ có tính bền vững hơn nên 1 năm sau, tôi tiếp tục khăn gói sang, tìm đến các công ty nhập hàng thủ công mỹ nghệ để xúc tiến. Sau khi gửi các catalogule mẫu mã sản phẩm, có một doanh nghiệp đồng ý hợp tác”, anh Phạm Minh Tôn, chia sẻ.

Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao tại nước bạn, công ty liên tục thay đổi mẫu mã và các hoa văn họa tiết cho sản phẩm. Nếu tính cả số lao động của tỉnh Ninh Bình và các huyện lân cận đang sản xuất, Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đang giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động nông thôn với thu nhập từ 4-8 triệu đồng/tháng, tùy vào thời gian tham gia và tính hiệu quả của từng người. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty cũng giúp huyện Nga Sơn phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi như yêu cầu của Chương trình XDNTM. Người trồng cói trong huyện có việc làm và thu nhập ổn định, hoạt động sơ chế, thu mua cũng mang lại lợi ích cho các tiểu thương. Tiếp đó là khâu sản xuất, khâu vận chuyển và xuất khẩu sản phẩm đều được diễn ra liên hoàn, tạo sinh kế bền vững cho nhiều người dân.

Có nhiều sản phẩm độc đáo từ chính cây cói quê nhà, huyện Nga Sơn đã vận động để phía doanh nghiệp này đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP. Từ năm 2020 đến nay công ty tích cực tham gia và lần lượt có 5 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn OCOP. Xét thấy có tiềm năng và đã được xuất khẩu bền vững, UBND tỉnh cũng vừa có văn bản đề nghị Trung ương xét chọn 3 sản phẩm của công ty gồm: Bình cói Nga Sơn, Đĩa cói Nga Sơn và Rổ cói Nga Sơn thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.

Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động thường xuyên, công ty còn chú trọng đến các công tác an ninh - trật tự và chính sách an sinh, xã hội tại địa phương. Trong 3 năm trở lại đây, công ty đã dành 300 triệu đồng để tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, thăm hỏi động viên gia đình chính sách, tặng quà tết cho các hộ nghèo, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Với nhiều đóng góp, Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh được đánh giá là doanh nghiệp có công lớn trong việc đồng hành XDNTM của tỉnh nói chung và huyện Nga Sơn nói riêng.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Bài 6: Công ty Xi măng Long Sơn đồng hành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/nhin-lai-2-nam-thuc-hien-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-bai-5-doanh-nghiep-dong-hanh-phat-trien-5-san-pham-ocop-tao-hon-2-000-viec-lam/180147.htm