Nhìn lại 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy: Cần điều chỉnh, bổ sung các chính sách để phù hợp thực tiễn

Các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, quán triệt nghiêm túc Luật Phòng, chống ma túy (PCMT); các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh PCMT và quản lý người nghiện ma túy (NNMT). Chuyển hóa thành công nhiều địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, giữ vững số xã, phường, thị trấn không có ma túy trên địa bàn, kiềm chế phát sinh người nghiện mới. Công tác đấu tranh PCMT tiếp tục đạt hiệu quả cao... Đó là những điểm nhấn quan trọng sau 2 năm thực hiện Luật PCMT năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, quán triệt nghiêm túc Luật Phòng, chống ma túy (PCMT); các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh PCMT và quản lý người nghiện ma túy (NNMT). Chuyển hóa thành công nhiều địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, giữ vững số xã, phường, thị trấn không có ma túy trên địa bàn, kiềm chế phát sinh người nghiện mới. Công tác đấu tranh PCMT tiếp tục đạt hiệu quả cao... Đó là những điểm nhấn quan trọng sau 2 năm thực hiện Luật PCMT năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên phát tờ rơi tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy cho người dân trên địa bàn tổ 11, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình).

Lực lượng đoàn viên, thanh niên phát tờ rơi tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy cho người dân trên địa bàn tổ 11, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình).

Phòng, chống và kiểm soát ma túy từ cơ sở

Từng là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), trong đó, tội phạm và tệ nạn ma túy (TNMT) là vấn đề nổi cộm, nhức nhối nhất. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân trong xây dựng các mô hình tự quản đã mang lại kết quả quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT ở xã Mỹ Thành (Lạc Sơn). Công tác vận động quần chúng tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực. Công an xã đã tiếp nhận trên 50 tin báo có giá trị từ nhân dân, giúp đấu tranh, xử lý nhiều đối tượng có liên quan đến các vụ việc mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy (SDTPCMT). Lập hàng chục hồ sơ quản lý người SDTPCMT, 16 hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... Từ đó góp phần đưa xã Mỹ Thành ra khỏi danh sách địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.

Trong 2 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở, đã có nhiều địa bàn phức tạp về ANTT, nhất là về tội phạm, TNMT được chuyển hóa thành công. Điển hình như xã Pà Cò (Mai Châu), Cuối Hạ (Kim Bôi), Phú Cường (Tân Lạc), thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn)... Theo Đại tá Trương Quang Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Sau khi Luật PCMT năm 2021 có hiệu lực, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác đấu tranh PCMT tại cơ sở đã được triển khai hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động cá nhân, gia đình và các cơ quan, tổ chức tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn xã hội nói chung, TNMT nói riêng ngày càng đồng bộ từ nhận thức đến hành động. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, tổ chức trong công tác PCMT ngày càng được nâng cao...

Thống kê từ năm 2021 đến tháng 6/2024, toàn tỉnh phát hiện, bắt 624 vụ, 1.019 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 88 bánh, 11kg heroin, 26,4kg và 29.035 viên ma túy tổng hợp (MTTH) cùng nhiều tang vật liên quan. Các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt 4 vụ, 12 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy và tổ chức SDTPCMT trên địa bàn tỉnh; thu giữ 20 bánh heroin, hơn 14kg MTTH cùng nhiều tang vật khác.

Nỗ lực của cả hệ thống chính trị

Theo đánh giá, sau khi Luật PCMT có hiệu lực, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành như: Công an, Y tế, Công Thương, NN&PTNT tăng cường phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến sử dụng tiền chất trong công nghiệp, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong y tế, thuốc thú y trong chăn nuôi; nắm chắc tình hình, thường xuyên thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, các dịch vụ có liên quan; phối hợp rà soát, thống kê số lượng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần được nhập khẩu, mua bán, sử dụng trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra thất thoát.

Công tác tuyên truyền PCMT tiếp tục được đẩy mạnh với việc xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình về PCMT. Nổi bật là mô hình "Nhà trường không có TNMT”; "Xã không có tệ nạn, tội phạm về ma túy”; "Khu dân cư (KDC), cơ quan giáp ranh an toàn về ANTT và phòng, chống tội phạm ma túy”; "KDC không có TNMT”... Đáng nói, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ SDTPCMT "núp bóng” thuốc lá điện tử, đồ uống thực phẩm và sử dụng "bóng cười”; phối hợp các cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh về tác hại của ma túy, nhất là các chất ma túy mới xuất hiện núp bóng các loại thực phẩm để tiếp cận bằng nhiều hình thức khác nhau.

Cần điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù hợp

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, việc triển khai thực hiện Luật PCMT năm 2021 còn một số khó khăn, vướng mắc. Như việc bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa có nguồn kinh phí hàng năm. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho PCMT còn hạn chế. Trong công tác phối hợp PCMT nhiều nơi chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm. Đội ngũ làm công tác xác định tình trạng nghiện tại các cơ sở y tế tuyến xã còn thiếu kinh nghiệm, lực lượng mỏng do là hoạt động mới đối với trạm y tế tuyến xã. Công tác quản lý sai cai nghiện khó khăn, NNMT sau khi cai nghiện trở về địa phương chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ từ cộng đồng, không có nghề nghiệp do doanh nghiệp e ngại tuyển dụng, do đó tỷ lệ tái nghiện còn cao. Công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn hạn chế. Một phần do quy định người nghiện đang điều trị các chất dạng thuốc thay thế thì không phải xác định tình trạng nghiện. Vì vậy, khi chấm dứt điều trị không lập được hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật PCMT năm 2021, do không có phiếu xác định tình trạng nghiện ma túy.

Từ thực tế đó, UBND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, thu hút, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo khoản 4, Điều 3, Luật PCMT năm 2021. Bố trí, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định của Luật PCMT năm 2021 và Nghị định số 116/NĐ-CP; đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu ban hành thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác cai nghiện, cán bộ làm công tác tư vấn, giáo dục, cán bộ y tế cả trong cơ sở cai nghiện và cơ sở y tế cộng đồng. Ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục quyết toán kinh phí thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, công tác xác định tình trạng nghiện và quản lý người SDTPCMT để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác PCMT...

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/191679/nhin-lai-2-nam-thuc-hien-luat-phong,-chong-ma-tuy-can-dieu-chinh,-bo-sung-cac-chinh-sach-de-phu-hop-thuc-tien.htm