Nhìn lại 8 ca song sinh dính liền được phẫu thuật tách rời thành công ở Việt Nam
Trước hai bé 'Song Nhi', Việt Nam cũng từng thực hiện nhiều ca phẫu thuật tách rời trẻ sơ sinh dính liền nhau.
Ngày hôm qua (15/7), chắc hẳn không ít người đã phải nín thở theo dõi cuộc phẫu thuật tách rời 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi và thầm cầu nguyện cho 2 em được phẫu thuật tách rời thành công. Cuối cùng, sau hơn 12 tiếng phẫu thuật, mọi người đều vỡ òa trong hạnh phúc khi hay tin cặp Song Nhi đã được tách rời thành công và tình trạng sức khỏe đang ổn định.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện phẫu thuật tách rời cặp song sinh. Trước hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi, y học Việt Nam cũng từng thực hiện nhiều ca phẫu thuật khác.
Cặp song sinh tách rời đầu tiên tại Việt Nam
Hai bé Nguyễn Việt và Nguyễn Đức chào đời tại Kon Tum vào năm 1981. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nên khi sinh ra hai bé đã bị dính liền phần ngực, bụng, bộ phận sinh dục, hậu môn, có hai chân và một chân cụt.
Sau đó, gia đình đưa hai bé đến Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức (Hà Nội) để phẫu thuật. Tới năm 1988, sau một thời gian theo dõi, các chuyên gia tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quyết định phẫu thuật tách rời 2 bé. Đây cũng là phẫu thuật tách rời cho cặp song sinh dính liền đầu tiên tại Việt Nam.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 12 giờ căng thẳng, được thực hiện bởi hơn 70 y bác sĩ đầu ngành của cả Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Ca phẫu thuật thành công, Việt đã phải hi sinh phần nhiều cơ thể cho em, nhường lại cho Đức tất cả bộ phận có chung.
Sau mổ, Việt rơi vào tình trạng sống thực vật, phải sống bằng hậu môn nhân tạo, thông tiểu bằng ống và qua đời 19 năm sau đó. May mắn hơn Việt, Đức đã dần hồi phục, hiện đã có gia đình với vợ và 2 con.
Cặp song sinh Nghĩa - Đàn có nhiều phần nội tạng chung, dính liền
Ngày 30/8/2002, cặp song sinh Ngô Bá Nghĩa - Ngô Bá Đàn 7 tháng tuổi trú tại thị xã Thái Hòa, Nghệ An đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành mổ tách rời. Các bác sĩ cho biết, ca mổ diễn ra phức tạp hơn dự kiến vì hai bé có quá nhiều phần nội tạng chung hoặc dính vào nhau mà trước đó không phát hiện ra được.
Cụ thể, hai bé có chung cơ hoành, tá tràng, ống mật chủ, tụy, cuống gan và một đoạn ruột dài 60 cm; bị dính ở màng tim, màng phổi, xương ức và nhiều đoạn ruột. Sau 8 giờ phẫu thuật căng thẳng, cặp song sinh đã được tách rời thành công.
Tuy nhiên, một tuần sau đó, Đàn phải tiếp tục thực hiện một ca mổ nữa để tái tạo lại đường mật do mật của cậu bé không chạy xuống ruột non. Sau ca phẫu thuật, mật dẫn lưu không tốt, bé Đàn bị nhiễm trùng đường mật, suy gan và tử vong ngày 24/10/2002, tức gần 2 tháng sau khi mổ tách. May mắn thay, bé Nghĩa tình trạng sức khỏe rất tốt và hiện đang phát triển khỏe mạnh.
Hai bé Cúc - An dính nhau nhiều phần
Hai bé song sinh Lê Thu Cúc và Lê Thúy An chào đời 6/12/2002 tại Thanh Hóa với nhiều bộ phận bị dính nhau, bao gồm bụng, ức, gan, khoang màng tim, tá tràng, ruột non. Ngoài ra, bé An còn bị dị tật tim bẩm sinh.
Tiên lượng nếu cứu cả 2 em thì cơ hội thành công chỉ khoảng 50-60%, nếu cứu chỉ 1 em thì tỷ lệ là 70%. Sau một thời gian theo dõi và cân nhắc, các bác sĩ quyết định mổ tách rời cứu cả hai bé vào năm 2003 tại Bệnh viện Nhi trung ương, lúc đó hai bé mới được 10 tháng tuổi.
Sau 10 giờ phẫu thuật với sự tham gia của 50 y bác sĩ, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Hiện 2 bé gái vẫn khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa.
Hai bé Cu – Cò được tách rời sau 15 ngày chào đời
Chào đời ngày 2/12/2008 tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An với nhiều phần bụng dính nhau, nhưng may mắn thay hai bé Cu - Cò đều có các bộ phận bên trong còn nguyên vẹn, không bị dính liền. Vì vậy, sau 15 ngày kể từ khi chào đời, hai bé trai đã được chuyển tới Bệnh viện Nhi trung ương để tiến hành phẫu thuật tách rời.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã thông đường tiêu hóa cho bé Cò và phẫu thuật chuyển lại động mạch cho bé Cu. Ca mổ diễn ra thành công với sự tham gia của hơn 20 y bác sĩ và hiện 2 bé vẫn đang có cuộc sống khỏe mạnh bên gia đình.
Hai bé trai dính liền gan
Năm 2010, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã phẫu thuật thành công cho 2 bé trai song sinh ở Bến Tre bị dính liền ở phần bụng, xương ức và gan. Ngoài ra, hai bé trai này còn mắc bệnh tim bẩm sinh, hai hệ tĩnh mạch cửa có nhánh thông nhau.
Do tình trạng sức khỏe của các bé có diễn biến phức tạp nên các bác sĩ quyết định mổ tách rời hai em chỉ sau 16 ngày sinh. Ca phẫu thuật diễn ra hơn 3 giờ đồng hồ với sự tham gia của 20 người. Các bác sĩ đã thành công tách rời phần gan bị dính và khống chế các mạch máu, tái tạo phần bụng, cơ cho 2 bé.
Long - Phụng, cặp song sinh dính liền tim, gan
Khi chào đời, hai bé Phi Long - Phi Phụng ở Ninh Thuận đã bị dính liền cả tim và gan. Vào ngày 26/11/2013, khi hai bé được 14 tháng tuổi, hai bé đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) phẫu thuật tách rời.
Trong quá trình phẫu thuật, bé Phụng vì không có phần xương ức và mất rất nhiều da nên bác sĩ đã tạo phần xương nhân tạo và kéo da cho bé. Bé Long có sức khỏe tốt hơn nên quá trình phẫu thuật diễn ra rất suôn sẻ.
Ca phẫu thuật thành công kéo dài suốt 12 tiếng liên tục. Tuy nhiên, 3 tháng sau đó, bé Phụng chuyển biến nặng và tử vong.
Tách 2 bé gái sinh đôi dính liền phần mông
Ngày 24/7/2016, hai bé gái sinh đôi chào đời tại tỉnh Bình Phước nhưng bị dính liền phần mông. Cụ thể, hai bé gái bị dính nhau đoạn xương cụt dài khoảng 15cm.
Tới ngày 23/8/2017, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 và 4 bệnh viện khác quyết định đưa hai bé gái vào phòng phẫu thuật để tiến hành tách rời sau nhiều tháng chuẩn bị. Sau gần 12 tiếng đồng hồ với sự tham gia của hơn 20 y bác sĩ, ca phẫu thuật kết thúc thành công.
Tách rời 2 bé gái dính nhau phần gan
Chào đời vào tháng 8/2019, hai bé gái sinh đôi ở tỉnh Quảng Nam bị dính liền mặt trước từ ức tới bụng. Tuy các bộ phận trong hệ tiêu hóa của hai bé gần như độc lập nhưng hai bé lại bị dính phần gan trái.
Tới tháng 10/2019, hai bé được phẫu thuật tách rời tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ đã chọn và ghép da bụng, ngực cho cả hai bé. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, kéo dài suốt 6 tiếng và được thực hiện bởi 20 chuyên gia, bác sĩ.