Nhìn lại các bê bối của Asanzo và ông Phạm Văn Tam trước khi bị khởi tố

Tập đoàn Asanzo và ông Phạm Văn Tam từng dính nhiều bê bối liên quan đến giả xuất xứ, thuế, mạo nhận công nghệ và đầu tư trước khi ông này vướng vào lao lý.

Năm 2013, Tập đoàn Asanzo ra đời, doanh nghiệp này được quảng cáo trên truyền thông với sứ mệnh "mang đến cho người Việt Nam những sản phẩm điện máy chất lượng cao với giá cả hợp lý". Dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập Phạm Văn Tam (Shark Tam), Asanzo nhanh chóng khẳng định vị thế trên thị trường, trở thành một trong những thương hiệu điện máy lớn mạnh tại Việt Nam.

Hình ảnh Asanzo được xây dựng một cách bài bản, gắn liền với thông điệp "Hàng Việt Nam chất lượng cao". Tham vọng đưa Asanzo vươn tầm quốc gia, Phạm Văn Tam không ngại chi mạnh cho quảng cáo, truyền thông, biến Asanzo trở thành thương hiệu quen thuộc với mọi nhà.

Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang, những bê bối tại Asanzo bắt đầu hé lộ, mở ra bức tranh u ám khác về Asanzo. Thương hiệu này trở thành tâm điểm dư luận với những bê bối liên tiếp, đưa ông Phạm Văn Tam - nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch HĐQT - vào vòng lao lý.

Asanzo từng tổ chức cuộc họp báo "Asanzo được minh oan", nhưng sau đó doanh nghiệp này bị phanh phui hàng loạt sai phạm.

Asanzo từng tổ chức cuộc họp báo "Asanzo được minh oan", nhưng sau đó doanh nghiệp này bị phanh phui hàng loạt sai phạm.

Bê bối hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam

Giữa lúc thương hiệu Asanzo và tên tuổi ông Tam đang bắt nổi bật trong giới kinh doanh, thị trường và người tiêu dùng bắt đầu đặt nghi vấn về sản phẩm Asanzo là "hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam".

Vào năm 2018, một số cơ quan báo chí đã đã có bằng chứng chỉ ra rằng những chiếc tivi mà Asanzo tự hào mang đến cho người Việt với câu nói khẳng định "Asanzo - đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" và được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam nhưng thực chất được nhập khẩu thiết bị từ Trung Quốc.

Theo những thông tin này, Asanzo đã gỡ bỏ tem nhãn "Made in China" và thay thế bằng tem nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Hãng này cũng sử dụng các linh kiện điện tử giá rẻ, chất lượng thấp từ Trung Quốc để lắp ráp tivi.

Vụ việc trên đã gây ra chấn động dư luận, khiến người tiêu dùng phẫn nộ và mất niềm tin vào thương hiệu Asanzo. Hình ảnh "Hàng Việt Nam chất lượng cao" mà Asanzo dày công xây dựng sụp đổ hoàn toàn dẫn đến doanh thu của Asanzo bị thụt giảm nghiêm trọng, đóng cửa nhiều cửa hàng và cắt giảm nhân sự.

Bê bối trốn thuế

Năm 2019, chưa kịp nguôi ngoai từ cú sốc "Hàng Việt Nam chất lượng cao" giả danh, Asanzo tiếp tục vướng vào vòng xoáy bê bối thuế.

Theo đó, qua thanh tra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phát hiện Asanzo có nhiều sai phạm về thuế, bao gồm khai sai số liệu, không xuất hóa đơn và sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Tổng số tiền truy thu và phạt đối với Asanzo lên đến 68 tỷ đồng.

Ngoài ra, Asanzo cũng bị xử phạt với tình tiết tăng nặng là sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm nên mức phạt chính là 26,3 tỷ đồng, bao gồm phạt về hành vi khai sai là 4,9 tỷ đồng, phạt 1,5 lần về hành vi không xuất hóa đơn là 6,3 tỷ đồng, phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt là gần 14,7 tỷ đồng.

Hồ sơ vụ việc được Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh làm rõ.

Cho đến thời điểm hiện tại, Cơ quan điều tra xác định ông Phạm Văn Tam đã chỉ đạo Phạm Xuân Tình ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty Việt Tài, Công ty An Thiên, Công ty Trần Thoàn; sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo thuộc Tập đoàn Asanzo nhằm mục đích trốn thuế hơn 15,7 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Tam bị gạch tên khỏi Shark Tank

Năm 2019, sau thành công của các mùa trước, chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ chính thức ghi hình và chuẩn bị lên sóng mùa thứ 3. Theo kế hoạch, ông Phạm Văn Tam (Shark Tam) đứng vai trò là nhà đầu tư khách mời của chương trình này.

Tuy nhiên, gần đến thời điểm lên sóng, tối 24/6/2019, Fanpage của chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ chính thức thông báo về việc thay đổi Hội đồng đầu tư của mùa 3. Theo đó, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Asanzo Việt Nam sẽ không tiếp tục tham gia chương trình với vai trò là nhà đầu tư khách mời của mùa này.

Đài truyền hình Việt Nam khi đó cũng thông báo tạm thời sẽ dừng phát sóng các phần có liên quan tới Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam trong chương trình Shark Tank mùa 3. Theo VTV, các phần liên quan tới Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam trong chương trình Shark Tank sẽ tạm thời dừng phát sóng, chờ kết luận từ các cơ quan chức năng. Việc cắt sóng này liên quan đến bê bối “hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam” mà Asanzo đang bị phanh phui thời điểm đó.

Ông Phạm Văn Tam xuất hiện trên poster giới thiệu của chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ.

Ông Phạm Văn Tam xuất hiện trên poster giới thiệu của chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ.

Mạo nhận công nghệ của Sharp

Năm 2019, Asanzo quảng cáo rầm rộ trên các kênh truyền thông về việc tivi Asanzo sử dụng công nghệ Nhật Bản tiên tiến của Sharp, khiến người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, không lâu sau đó ông Masashi Kubo - Tổng giám đốc Công ty TNHH điện tử Sharp Việt Nam, đã ký đơn gửi 6 bộ, ngành để tiếp tục tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo.

Đại diện Sharp Việt Nam khẳng định, đơn vị không có bất kỳ sản phẩm nào hợp tác sản xuất với Asanzo tại Việt Nam. Việc Asanzo mạo nhận thương hiệu Sharp đã gây thiệt hại nặng nề cho uy tín và danh tiếng của Sharp, đồng thời khiến họ mất đi một thị trường tiềm năng tại Việt Nam.

Mạo nhận đầu tư vào Ba Con Bò của T&T 159

Năm 2021, ông Phạm Văn Tam rầm rộ thông tin về việc đang đầu tư vào trại bò 25.000 con và cho ra mắt thương hiệu Ba Con Bò. Ông Tam cho biết đã cùng một nhóm nhà đầu tư rót 2.000 tỷ đồng vào hệ thống 5 trang trại bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An với quy mô 25.000 con.

Tuy nhiên, sau đó ông Đỗ Thế Thắng - Tổng giám đốc T&T 159 khẳng, thông tin ông Tam cùng nhóm nhà đầu tư rót tiền vào hệ thống trang trại bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An, tổng vốn 2.000 tỷ đồng là không chính xác.

Phía ông Tam chỉ là phân phối độc quyền phân bón Ba Con Bò vào thị trường miền Nam do T&T 159 sản xuất. Ông Phạm Văn Tam trong khi đó úp mở và chưa dám đưa thêm thông tin về khoản đầu tư này.

Ngày 23/6, ông Phạm Văn Tam, Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo và Phạm Xuân Tình (đại diện pháp luật, Tổng giám đốc) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra về hành vi Trốn thuế. Hôm nay, ngày 24/6, sau khi bị khởi tố và và bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, ông Phạm Văn Tam và ông Phạm Xuân Tình đã bị thay đổi biện phạm ngăn chặn thành tạm giam.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định, ông Phạm Xuân Tình đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Phạm Văn Tam ký nhiều hợp đồng nguyên tắc với các công ty để mua linh kiện, phụ kiện máy điều hòa nhiệt độ.

Còn ông Phạm Văn Tam bị cáo buộc đã chỉ đạo ông Phạm Xuân Tình ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty Việt Tài, Công ty An Thiên, Công ty Trần Thoàn, sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo.

Minh Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhin-lai-cac-be-boi-cua-asanzo-va-ong-pham-van-tam-truoc-khi-bi-khoi-to-327902.html