Nhìn lại các sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 5/2024

Tháng 5/2024, ngành Tài chính đã diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Tạp chí Tài chính điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong tháng qua.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Tham dự Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Theo Bộ trưởng, năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Đất nước.

Bộ trưởng cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 thực hiện đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng (tăng 8,2% so dự toán). Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng.

Chi NSNN năm 2023 ước đạt 2.109,9 nghìn tỷ đồng, bằng 101,6% dự toán, tăng gần 74 nghìn tỷ đồng. Công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong chương trình Kỳ họp thứ 7, tại phiên họp chiều ngày 30/5 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 với tổng số thu cân đối NSNN là 2.713.787 tỷ đồng. Trong đó, số thu NSNN theo dự toán là 1.820.310 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 là 776.351 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2021 là 115.007 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 2.119 tỷ đồng.

Trình phê chuẩn tổng số chi cân đối NSNN là 2.897.466 tỷ đồng. Trong đó, chi NSNN theo dự toán là 1.750.790 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2023 là 1.146.676 tỷ đồng. Bội chi NSNN 293.313 tỷ đồng, bao gồm: bội chi NSTW là 287.397 tỷ đồng, bội chi NSĐP là 5.916 tỷ đồng; tổng mức vay của NSNN là 488.406 tỷ đồng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm rõ nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp của Quốc hội chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ nhiều nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận tại hội trường.

Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012, khi CPI biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Hiện, Bộ Tài chính chưa trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh này do so biến động CPI chưa đạt trên 20%. Điều này được thực hiện theo đúng quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2026.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thực hiện ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026, Bộ Tài chính sẽ chấp hành và sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Nhân dân, các bộ, ngành... để đưa ra các quy định phù hợp.

Về vấn đề sắp xếp nhà đất được các đại biểu đề cập, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, do sáp nhập các huyện, xã nên thẩm quyền sắp xếp nhà đất là của UBND các tỉnh. Vì vậy, để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trụ sở để bán đấu giá cần phải điều chỉnh quy hoạch từ đất trụ sở sang đất ở, đất thương mại và phải thực hiện định giá đất… thì mới có thể đấu giá, sắp xếp. Bộ Tài chính sẽ đôn đốc UBND các tỉnh triển khai nội dung này; đồng thời, tiếp tục đôn đốc một số bộ, ngành giao lại cho các tỉnh thực hiện.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại Bình Định trước thềm Kỳ họp Quốc hội

Trong 2 ngày 13, 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại Tỉnh này.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc với cử tri huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc với cử tri huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Tại cuộc tiếp xúc với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri. Đơn cử như về nội dung liên quan đến công tác cán bộ, với việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, với cán bộ cấp huyện đã có quy định liên thông với nhau nhưng với cán bộ cấp xã thì đang có sự phân biệt. Bộ Tài chính đã có văn bản kiến nghị với Bộ Nội vụ để tham mưu ban hành quy định mới đảm bảo sự liên thông.

Đối với cơ chế khoán bảo vệ rừng, cử tri cho rằng, cơ chế chi còn thấp. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi quy định mức hưởng từ 300.000 đồng tăng lên 600.000 đồng, nhằm đảm bảo cho việc bảo vệ rừng tốt hơn...

Tại cuộc tiếp xúc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định và các tổ chức thành viên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có trao đổi cụ thể về các kiến nghị của cử tri. Đối với nội dung liên quan đến nâng mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế Thu nhập cá nhân và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định.

Đối với nội dung liên quan đến việc đầu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rất chủ động phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế đối với các nội dung có liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính như bố trí ngân sách cho chương trình tiêm chủng mở rộng, giá dịch vụ khám chữa bệnh... Bộ Tài chính sẽ phản ánh tới Bộ Y tế nội dung kiến nghị này và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình hướng dẫn đảm bảo phù hợp với thực tiễn và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu.

Riêng đối với việc phòng, chống lừa đảo qua mạng, Lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ, hiện nay lừa đảo diễn ra phổ biến, khiến những người nhẹ dạ cả tin dễ bị lừa tiền. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác; khi có hiện tượng lừa đảo phải báo ngay với cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn.

Đặc biệt, đối với việc “chung tay” quản lý thị trường vàng, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung chống buôn lậu tại các cửa khẩu để tránh hiện tượng nhập lậu vàng. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện thanh tra các tổ chức vàng miếng xem có dùng vàng lậu để sản xuất vàng thương mại không? Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để quản lý về thuế, hải quan để kiểm soát giá vàng trong thời gian tới.

Gia Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nhin-lai-cac-su-kien-noi-bat-cua-nganh-tai-chinh-thang-5-2024.html