Nhìn lại kho vũ khí hạt nhân Mỹ

Căng thẳng leo thang giữa các cường quốc đã và đang thúc đẩy nhiều nước xem xét lại kho vũ khí hạt nhân của mình. Trong kho của các quốc gia như Mỹ và Nga, hiện có những đầu đạn hạt nhân hơn 50, 60 năm tuổi. Câu hỏi đặt ra đối với nhà cầm quyền các nước này là: Có nên hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân không, và hiện đại hóa như thế nào?

Ngay cả những chuyên gia hàng đầu về vũ khí hạt nhân ở Mỹ cũng không rõ liệu các đầu đạn “già nua” của nước này còn hoạt động tốt không. Sử gia Alex Wellerstein (Viện nghiên cứu công nghệ Stevens) cho biết: “Nếu như chiến tranh hạt nhân xảy ra ngay lúc này, tôi không dám nói chắc rằng Mỹ sẽ có khả năng đáp trả 100%. Chúng ta chưa thực hiện thử nghiệm vũ khí hạt nhân được hơn 30 năm rồi.

Quân đội Mỹ luôn thực hiện theo dõi và bảo trì các đầu đạn hạt nhân và hệ thống tên lửa. Nhưng bởi vì công nghệ đã quá lạc hậu mà lại không có thử nghiệm phát nổ thật nên không ai biết rõ liệu vũ khí có còn hoạt động tốt hay không.

Mỗi đầu đạn hạt nhân đều phải được kiểm tra rất kỹ càng.

Mỗi đầu đạn hạt nhân đều phải được kiểm tra rất kỹ càng.

Tổng thống George Bush cha ký sắc lệnh cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới lòng đất vào năm 1992. Không lâu sau đó quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm phát nổ đầu đạn hạt nhân lần cuối cùng tại sa mạc Nevada vào ngày 23/9/1992. Những cuộc thử nghiệm như vậy đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo trì đầu đạn hạt nhân. Trong lòng mỗi đầu đạn như vậy là một khối cầu làm hoàn toàn từ plutoni. Những chất phóng xạ như plutoni luôn tự phân rã theo thời gian. Các nhà khoa học rất cần những cuộc thử nghiệm phát nổ đầu đạn để có số liệu thực tế nhằm theo dõi chu trình phân rã của khối cầu.

Tất cả các khối cầu plutoni trong vũ khí hạt nhân của Mỹ đều được sản xuất tại phòng thí nghiệm Los Alamos (New Mexico) nổi tiếng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Những khối cầu “ít tuổi” nhất cũng đã hơn 40 tuổi.

Ngay cả bản thân những quả tên lửa mang đầu đạn cũng khiến nhà chức trách nước này lo lắng. Ông Mark Schneider, nguyên quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ, giải thích: “Chúng ta đã thấy rằng khi Nga đem từ trong kho ra những quả tên lửa cũ để sử dụng ở Ukraine, từ 20% đến 60% tên lửa của họ bắn trượt. Lý do chính là vì hệ thống dẫn đường của những quả tên lửa này đã quá lạc hậu. Chúng ta cũng có nhiều quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân lạc hậu như vậy. Chúng được sản xuất vào thập niên 1960, 1970. Khi đó công nghệ bán dẫn còn chưa phát triển nên linh kiện điện tử rất dễ hỏng hóc. Tên lửa hạt nhân không phải là vũ khí chính xác, nhưng chẳng ai muốn bắn một quả tên lửa hạt nhân mà trượt mục tiêu”.

Ông Mark Schneider lấy mẫu đầu đạn hạt nhân W47 làm ví dụ: “Sỹ quan lắp đặt đầu đạn W47 lên trên tên lửa UGM-27 bao giờ cũng phải thò tay vào đuôi đầu đạn để dứt ra một sợi dây điện giống như chốt an toàn của lựu đạn vậy. Vấn đề là sợi dây điện này để lâu thì lớp vỏ nhựa sẽ cứng lại và khiến cho sợi dây khó dứt ra. Đã có trường hợp người sỹ quan vì quá cố dứt sợi dây ra lại làm hỏng các bộ phận khác của đầu đạn”.

Mỹ và các cường quốc hạt nhân khác không ký kết vào Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện của Liên hợp quốc. Tuy nhiên trên thực tế họ đã không thử nghiệm vũ khí hạt nhân từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc.

Tâm lý chung của những sỹ quan tên lửa hạt nhân Mỹ khi bắt đầu ngày làm việc mới luôn là: “Làm thế nào để qua được ngày hôm nay?”. Nhiều người trong số họ đã qua tuổi 40, vậy mà thiết bị còn “già” hơn cả họ nữa. Đại úy Moffett cho biết: “Thiết bị mới nhất trong hầm chỉ huy là máy tính chuyên để tổng thống gửi tín hiệu khai hỏa đến các căn cứ tên lửa. Cái máy đã 47 năm tuổi rồi và vẫn còn sử dụng đĩa mềm... Mỗi khi thiết bị trục trặc là đội kỹ thuật viên lại phải tháo máy ra, đưa lên mặt đất, rồi lùng sục nhà kho để tìm bộ phận sửa chữa. Nếu không có linh kiện thì họ phải đặt hàng nhà máy sản xuất mới, nhưng làm như vậy rất tốn thời gian. Đã có lần chúng tôi phải xin bảo tàng quân sự được tháo rời hiện vật để lấy bộ phận thay thế”.

Chi phí bảo dưỡng tên lửa đạn đạo của quân đội Mỹ đã tăng 17% trong vòng 10 năm qua và hiện đứng ở mức 482 triệu USD/năm. Đây là con số khó chấp nhận được ngay cả với một cường quốc. Tổng thống Joe Biden khi mới nhận chức còn có ý định dẹp bỏ toàn bộ kho tên lửa hạt nhân trên đất liền của Mỹ mà dựa vào bom và tên lửa phóng từ tàu ngầm.

Lầu Nam Góc muốn chấm dứt vấn đề bằng cách hiện đại hóa toàn bộ kho vũ khí tên lửa hạt nhân đất liền. Dự án trọng điểm của họ là phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới mang ten Sentinel. So với loại tên lửa Minuteman III hiện đang được quân đội Mỹ sử dụng, Sentinel nhanh hơn, có tầm bắn xa hơn, chính xác hơn, và quan trọng nhất là sử dụng những linh kiện hiện đại vẫn đang được sản xuất.

Lầu Năm Góc dự tính dự án Sentinel sẽ tiêu tốn khoảng 100 triệu USD trong vòng mười năm tới. Số tiền đấy vẫn chỉ là “giọt nước” so với khoản chi phí dự tính 1 tỷ USD nhằm nâng cấp tất cả các hệ thống vũ khí hạt nhân trên bộ, trên không và dưới biển của Mỹ.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nhin-lai-kho-vu-khi-hat-nhan-my-i742426/