Nhìn lại kinh tế năm Tân Sửu: 'Một năm đầy sóng gió'

Trong suốt một năm chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam trong những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu 2021 đã đón nhận nhiều thông tin tích cực và tạo tiền đề tăng trưởng trong năm mới.

Nhìn lại một năm kinh tế đầy “sóng gió”

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Trong năm 2021, Việt Nam mới chỉ đạt được 7/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, như vậy có 5 chỉ tiêu không đạt được. Trong đó, chỉ số tăng trưởng GDP chỉ tăng 2,58%, thấp hơn nhiều kế hoạch đã đề ra.

Ông Phương giải thích: Bên cạnh những khó khăn, thách thức khách quan chủ yếu do dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề, trong năm 2021, Việt Nam còn đối mặt với những hạn chế, khó khăn, thách thức chính từ nội tại nền kinh tế.

Trong năm 2021, Việt Nam mới chỉ đạt được 7/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, như vậy có 5 chỉ tiêu không đạt được.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. Tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, gồm cả các lĩnh vực ưu tiên, các dự án thua lỗ bị chậm lại.

Cơ cấu giữa các ngành, lĩnh vực và nội ngành, lĩnh vực chuyển dịch chậm. Xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường. Tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi còn thấp.

Hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 12 tháng năm 2021 giảm 13,4% so với năm trước, đây là mức giảm sâu nhất giai đoạn 2017-2021. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 18% so với cùng kỳ... Tính bình quân, mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, thiếu nhất quán, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.

Một số quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thiếu thống nhất. Năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải và tử vong cao ở một số nơi trong giai đoạn đầu.

Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề, số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn.

“Dịch bệnh không chỉ tác động trong ngắn hạn, mà còn trong dài hạn đến sức khỏe, tâm sinh lý của người dân, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”, ông Phương nói.

Năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẳng thắn bày tỏ quan điểm, một số chỉ tiêu không đạt được theo kế hoạch, cũng có một phần nguyên nhân đến từ các cơ quan chức năng, các cơ quan chỉ đạo còn lơ là, mất cảnh giác, bị động hoặc giải quyết quá cứng nhắc.

“Năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế; việc thực hiện các biện pháp, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về phòng, chống dịch, lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất an toàn có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa nghiêm, áp dụng thiếu nhất quán, chưa linh hoạt. Điều này dẫn đến rất nhiều bất cập sau này”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Ông Nguyễn Chí Dũng tổng kết lại, năm 2021 nền kinh tế nước ta lần đầu tiên đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có trong lịch sử cả về y tế, kinh tế, xã hội.

Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã tác động lớn đến mọi mặt của nền kinh tế, không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn phải đối mặt với sự tê liệt trong hoạt động các khu công nghiệp, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2021 nền kinh tế hiện đang bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng trở lại; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại trong trạng thái bình thường mới.

"Thực tế cho thấy sức cầu của nền kinh tế, dịch vụ, du lịch có thể tạo sức bật mạnh trở lại, đóng góp lớn vào tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bước sang năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận xét: Kinh tế Việt Nam tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều.

Dịch COVID-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.

Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của các Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và các chủ trương, chính sách lớn đã được thông qua trong năm 2021.

“Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương cần hết sức nỗ lực, đặc biệt tập trung vào những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2022”, ông Dũng cho biết.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhin-lai-kinh-te-nam-tan-suu-mot-nam-day-song-gio-post179653.html