Nhìn lại Lễ hội Mù Là và sắc hoa vùng cao Pác Nặm năm 2025

Sau 03 ngày tổ chức, Lễ hội Mù Là và sắc hoa vùng cao Pác Nặm đã kết thúc. Lễ hội lần này để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho hàng vạn người đến dự với các tiết mục văn nghệ, thể thao, biểu diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc tại các gian trưng bày không gian văn hóa, trò chơi dân gian.

 Một góc Lễ hội Mù Là và sắc hoa vùng cao năm 2025.

Một góc Lễ hội Mù Là và sắc hoa vùng cao năm 2025.

Tiết mục múa chào xuân mới của đồng bào dân tộc Sán Chỉ thôn Khâu Đấng.

Lễ hội Mù Là và sắc hoa vùng cao năm 2025 diễn ra từ ngày 08 đến 10/02/2025 (tức ngày 11 đến 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ), với sáu nhóm hoạt động chính, mang đến cho đại biểu, du khách và người dân những trải nghiệm độc đáo về đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao.

 Tiết mục múa xòe hoa của tốp múa người dân tộc Mông đến từ xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Tiết mục múa xòe hoa của tốp múa người dân tộc Mông đến từ xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Tiết mục múa của đồng bào dân tộc Mông ở xã Cổ Linh.

Khu vực Mù Là trải rộng từ phía Tây của xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) sang phía Đông của xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang), là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông ở vùng giáp ranh hai huyện. Hội Mù Là là dịp để đồng bào Mông ở hai vùng tăng cường gặp gỡ, chia sẻ về cuộc sống, mùa màng; là nơi để những chàng trai, cô gái bày tỏ tình cảm qua tiếng sáo, tiếng khèn và những câu hát dân ca Mông ngọt ngào tình tứ.

Đốt lửa trại và bắn pháo hoa viên ở lễ hội Mù Là năm 2025.

 Trò chơi dân gian thi đi cà kheo.

Trò chơi dân gian thi đi cà kheo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Pác Nặm, Phó Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Mù Là và Sắc hoa vùng cao năm 2025 chia sẻ: Ban Tổ chức lễ hội đã sử dụng các bóng đèn, băng rôn, cờ, hoa với màu sắc sặc sỡ để làm không gian trở nên sinh động. Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong lễ hội với những giai điệu dân gian, hoặc âm nhạc hiện đại giúp tạo ra không khí vui tươi, hứng khởi. Hoạt động giải trí với các trò chơi dân gian, thi tài năng, hay các màn trình diễn nghệ thuật đã mang lại nhiều cảm xúc cho người dân và du khách khi đến với lễ hội.

 Trò chơi dân gian thi đánh cù.

Trò chơi dân gian thi đánh cù.

Ngoài ra, các món ẩm thực tại lễ hội như bát thắng cố nóng hổi, bầu rượu ngô men lá thơm nồng, hòa quyện với hương vị ngọt bùi của mèn mén… cũng góp phần gắn kết mọi người, tạo không khí ấm áp xua tan cái rét vùng cao.

 Múa khèn Mông.

Múa khèn Mông.

Thông qua các hoạt động trưng bày, trình diễn không gian văn hóa, du khách được khám phá những nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Tiếng khèn, tiếng sáo ngân vang giữa núi rừng, muôn hoa khoe sắc trên triền đồi hòa cùng những điệu múa uyển chuyển của các cô gái người Mông trong trang phục váy xòe rực rỡ, tất cả như tạo nên một bức tranh mùa xuân sống động.

 Xem văn nghệ ở đêm hội Mù Là.

Xem văn nghệ ở đêm hội Mù Là.

Theo ông Đào Duy Hưng, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết thêm: Những năm qua, huyện Pác Nặm đã ưu tiên bố trí hàng chục tỷ đồng để xây dựng khu vực tổ chức Lễ hội Mù Là với nhiều hạng mục như: Nhà điều hành, hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, nước sạch, lắp đặt và xây dựng các điểm phục vụ du khách; đồng thời tuyên truyền, vận động làm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển du lịch.

Đây là những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan và tham gia lễ hội, phát huy được giá trị tiềm năng du lịch của địa phương, hướng tới phát triển kinh tế bền vững để giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong những năm tới./.

Đình Văn - Đình Hợi

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nhin-lai-le-hoi-mu-la-va-sac-hoa-vung-cao-pac-nam-nam-2025-post69118.html