Nhìn lại một năm lễ hội Hà Nội: Nỗi lo đã vơi bớt

Bộ VH,TT&DL chủ trì Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020

(HNMO) - 2019 có thể được xem là năm mùa lễ hội Hà Nội được tổ chức thành công nhất, khi tình trạng lộn xộn, chen lấn, bất cập thường xảy ra ở những mùa hội trước gần như đã được kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

Văn minh, an toàn lễ hội

Hà Nội hiện có khoảng 1.206 lễ hội, diễn ra tập trung vào mùa xuân. Trong số đó, nhiều lễ hội có quy mô hội vùng như: Hội gò Đống Đa, Hội Gióng (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2010), Hội đền Cổ Loa, Hội đền Hai Bà Trưng, Hội chùa Hương, Hội chùa Thầy gắn với huyền tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Hội chùa Tây Phương, Hội đền Và thờ Đức Thánh Tản… Nhiều lễ hội đã khôi phục được những phong tục, tín ngưỡng cổ có giá trị văn hóa sâu sắc, nên dù là lễ hội vùng nhưng có sức hút rất lớn, thu hút hàng chục vạn du khách trẩy hội.

Lễ hội chùa Hương (Hà Nội).

Qua theo dõi có thể thấy, mùa lễ hội Hà Nội năm 2019 cơ bản diễn ra lành mạnh, vui tươi. Các lễ hội “nóng” như lễ hội đền Sóc, lễ hội Giằng Bông đã được tổ chức chặt chẽ, an ninh bảo đảm, không để xảy ra tình trạng phản cảm, bạo lực. Lễ hội chùa Hương tuy vẫn bị quá tải về số lượng khách nhưng cũng cố gắng trong công tác quản lý, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy xin lộc như hình ảnh không đẹp từng xảy ra những năm trước.

Đánh giá về công tác tổ chức lễ hội năm 2019, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho biết, để có một mùa lễ hội an toàn, văn minh, cơ quan quản lý các cấp đã nỗ lực trong khâu tổ chức, giám sát. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra một số lễ hội lớn trên toàn thành phố, đồng thời có công văn nhắc nhở, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Trong mùa lễ hội năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân. Việc làm này mang lại hiệu quả trong quản lý lễ hội, giúp cơ quan quản lý kịp thời xử lý những hiện tượng phản cảm như: Thu vé xe cao hơn quy định tại Bia Bà (Hà Đông), chùa Trấn Quốc (Tây Hồ); hiện tượng ép giá khách đi đò, trạm soát vé không có người trực, trông giữ xe giá cao tại chùa Hương (Mỹ Đức); hàng quán lấn chiếm gây mất mỹ quan, ảnh hưởng giao thông tại chùa Đậu (Thường Tín); âm thanh quá lớn trong ngày lễ hội gò Đống Đa (Đống Đa)...

“Công tác quản lý lễ hội năm 2019 cơ bản thành công. Đáng mừng nhất là người dự hội đã có những ứng xử văn minh. Những lo lắng trong khâu tổ chức ở các mùa hội trước đã phần nào được giải quyết”, ông Ngô Văn Nam cho biết.

Đón mùa hội mới

Chuẩn bị đón mùa hội mới 2020, ban tổ chức các lễ hội đang xây dựng kế hoạch với hy vọng, mùa lễ hội mới tiếp tục mang đến không khí tươi vui, an toàn cho người dân và du khách.

Lễ hội đền Sóc 2019 diễn ra an toàn.

Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn cho biết, hình thức tổ chức các đoàn rước lễ vật tại Lễ hội đền Sóc 2020 cơ bản sẽ giống năm 2019 để bảo đảm không xảy ra tình trạng chen lấn, cướp lộc. Huyện chủ trương vào mùa lễ hội 2020 sẽ tăng cường công tác tuyên truyền văn minh lễ hội để người dân và du khách có những ứng xử đẹp như không vứt rác bừa bãi, xếp hàng trật tự...

Thông tin về lễ hội kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa cho biết, ngoài việc tạo không gian lễ hội trang trọng để phục vụ nhân dân, ban tổ chức còn đặc biệt nhấn mạnh vào công tác giáo dục truyền thống tới thế hệ trẻ. Quận Đống Đa đã và đang tích cực tuyên truyền những nét đẹp văn hóa trong lễ hội truyền thống tới các trường học trên địa bàn quận.

Trong khi đó, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đang xây dựng kế hoạch chặt chẽ chuẩn bị đón mùa hội mới. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mỹ Đức Hoàng Mạnh Tấn cho biết, mùa lễ hội năm 2019, Ban tổ chức đã trang bị 4.000 chiếc đò đủ tiêu chuẩn, tăng cường công tác an ninh, trật tự. Dù nỗ lực quản lý nhưng vào những ngày cao điểm của lễ hội, vẫn xảy ra tình trạng xuồng máy, đò nhồi khách hoạt động. Những hiện tượng này ngay lập tức được xử lý.

“Năm nay, công tác an ninh, kiểm tra, giám sát vẫn tiếp tục được tăng cường. Ban tổ chức nghiêm khắc xử lý, xử phạt những thuyền cố tình nhồi khách, hoặc dùng động cơ”, ông Tấn cho biết.

Để tăng cường công tác quản lý cho mùa hội mới sắp bắt đầu, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và gia đình Ngô Văn Nam cho biết, hiện nay, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian; hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội.

“Đối với một số lễ hội còn bảo tồn hoặc phát sinh hoạt động nghi lễ mang tính nhạy cảm, bạo lực, Sở cũng đề nghị Bộ VH,TT&DL, UBND thành phố Hà Nội kịp thời tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm bảo tồn những yếu tố phù hợp với thuần phong mỹ tục, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, nhạy cảm, mang tính bạo lực”, ông Ngô Văn Nam cho biết.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/954047/nhin-lai-mot-nam-le-hoi-ha-noi-noi-lo-da-voi-bot