Nhìn lại một năm nhiều biến động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chứng kiến sự thay đổi địa chính trị, bao gồm cả các nhân tố thuận lợi và không thuận lợi cho xây dựng lòng tin và tiến trình hợp tác. Vì vậy, cần có cách tiếp cận mới tổng thể, cùng những chính sách phù hợp để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định.
Động thái gia tăng phức tạp và căng thẳng
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xuất hiện các cách tiếp cận mới tổng thể và có phần phức tạp, đa phương hóa, nhiều cơ chế mới hình thành. Trong đó, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, EU đưa ra các tầm nhìn hoặc chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tập trung vào luật lệ, sự minh bạch và quản lý các thách thức tại khu vực.
Các hoạt động xây dựng liên minh đối tác hướng tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng trở nên sôi động, không chỉ do vị trí địa chiến lược của khu vực, mà còn vì mối lo an ninh khu vực này đang có nguy cơ bị đe dọa. Bà Raphaëlle Khan, nhà nghiên cứu thuộc Trung Tâm Á Châu, Đại Học Harvard, nhận định: “Ở góc độ an ninh, vấn đề ở chỗ là có sự mất an ninh đang lan rộng cùng với việc tăng chi phí quốc phòng và quân sự hóa mạnh trong vùng”.
Đầu tiên là Nhóm “Bộ Tứ” (QUAD), gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản được khởi động lại bằng cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 3, nhằm thảo luận một tầm nhìn mới cho tương lai khu vực; các đối sách nhằm đối phó với chiến lược ngoại giao vaccine; phá thế thống trị về đất hiếm cũng như các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tiếp đó, Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận đối tác an ninh mới, có tên gọi là AUKUS. Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, cho phép tàu hoạt động một cách yên tĩnh hơn, trong thời gian dài hơn và đưa ra khả năng răn đe trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông 2021” (S.1657), cho phép trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc vì những hoạt động phi pháp liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông, nhằm bảo vệ dòng chảy tự do thương mại và tự do hàng hải ở các vùng biển này. Mỹ cùng với các đồng minh cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trung Quốc cũng tăng cường củng cố quan hệ với các đối tác cũng như các quốc gia phụ thuộc kinh tế, để làm rạn nứt các liên minh do Mỹ xây dựng. Bên cạnh việc thắt chặt quan hệ với Nga và Iran, Bắc Kinh còn nhắm đến các nước có quan hệ kinh tế sâu rộng, cam kết hỗ trợ những quốc gia này phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 để họ cân nhắc kỹ lưỡng về việc đứng hay không đứng về phía Washington.
Trong khi đó tại Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự. Theo một thống kê, trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc lên kế hoạch hoặc tiến hành tập trận ít nhất 39 lần ở Biển Đông.
Hồi tháng 8/2021, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, trao cho lực lượng hải cảnh nước này quyền sử dụng vũ khí để tấn công tàu thuyền của các nước bị cho là “xâm phạm vùng biển của Trung Quốc”. Nước này cũng áp dụng Luật An toàn hàng hải sửa đổi, từ ngày 1/9, yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải khai báo khi đi vào khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là “lãnh hải”.
Trung Quốc gần đây mặc dù được cho là đã thay đổi cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn, chẳng hạn như nâng quan hệ Trung Quốc-ASEAN lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Đây là động lực mới cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng, phát triển của khu vực, song theo nhiều chuyên gia, các mối lo ngại ở khu vực vẫn chưa giảm bớt.
Bên cạnh đó, nhiều thách thức an ninh đang đặt ra cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, suy thoái môi trường biển, cướp biển, khủng bố, buôn lậu, mua bán người, biến đổi khí hậu, thiên tai…
“Khoảng trống” cho sự ổn định
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương liên tục sôi động với các hoạt động ngoại giao quốc tế. Điều đó cho thấy, ngày càng có nhiều nước quan tâm, dưới các hình thức đối tác, liên minh khác nhau, nhằm xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành khu vực giao lưu tự do, rộng mở trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng để giải quyết các tranh chấp trong khu vực và tìm kiếm khả năng hợp tác.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho đến hiện nay, còn nhiều khoảng trống trong cấu trúc khu vực mới đang định hình, đó là các cam kết vững chắc; một khuôn khổ đa phương chuẩn mực;và sự hỗ trợ mạnh mẽ (tại các quốc gia thành viên) đối với một trật tự khu vực mới, thích ứng một cách hài hòa trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong Chiến tranh Lạnh ở châu Âu, chiến lược của Mỹ được xây dựng dựa trên một hiệp ước nêu rõ các cam kết và nghĩa vụ đối với tất cả các quốc gia thành viên. Trên nền tảng đó, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã xây dựng một cấu trúc quân sự tích hợp với một bộ chỉ huy duy nhất cùng việc triển khai quân đội, để củng cố lòng tin. Trong khi đó, các cơ chế mới như QUAD và AUKUS cho đến nay mới chỉ là những tuyên bố về ý định.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đang thiếu định dạng phù hợp cho hợp tác đa phương. Chẳng hạn, AUKUS không bao gồm nhiều đối tác quan trọng như Canada và New Zealand; các nước Đông Nam Á và cả Pháp - một quốc gia quan trọng có sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tất cả những quốc gia đó đã là đồng minh hoặc đối tác của Mỹ thông qua các hiệp ước chính thức. Trong khi đó, Anh mặc dù là thành viên AUKUS, nhưng thực tế ngân sách quốc phòng của Anh eo hẹp, nguồn lực quân sự bị dàn trải quá mức.
Các lĩnh vực hợp tác trong một số cơ chế tại khu vực hầu như còn trùng lặp nhau. Do đó, có nguy cơ một số nguồn lực quý giá nhất của các chính phủ, thời gian và sự quan tâm của cấp lãnh đạo sẽ bị lãng phí trong các khuôn khổ đa phương chồng chéo. Thậm chí nếu ghép lại, đều chưa phải là khuôn khổ phù hợp để xây dựng một cấu trúc an ninh vững chắc tại khu vực.
Thời gian tới, cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc được cho là vẫn sẽ tiếp tục và tình trạng bất ổn trong khu vực có thể vẫn sẽ kéo dài. Tuy nhiên, hợp tác và hội nhập quốc tế, vai trò của luật lệ chung, sự phụ thuộc lẫn nhau là những lực ngăn cản sự cạnh tranh leo thang quá mức để chuyển thành xung đột lớn. Do đó, đòi hỏi phải nhận diện đầy đủ và có cách tiếp cận mới tổng thể, cùng những chính sách phù hợp để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định hướng tới sự thịnh vượng tại khu vực./.