Nhìn lại một năm xung đột tại 'chảo lửa' Trung Đông

Cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023, khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin. Đến nay, cuộc xung đột không có dấu hiệu lắng xuống, mà lại đang mở rộng ra ngoài biên giới Gaza vào Liban và nhiều mặt trận ở Trung Đông.

Người dân Palestine trước tương lai bất định

Vào ngày 7/10/2023, các tay súng Hamas đã tấn công Israel bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển, khiến khoảng 1.140 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, theo thống kê của chính phủ Israel. Khoảng 250 người cũng bị bắt giữ làm con tin. Quan chức Israel cho biết, khoảng 132 con tin vẫn còn ở Gaza, trong đó ít nhất 27 người được cho là đã thiệt mạng.

Theo báo cáo dài 16 trang công bố hôm 21/1, Hamas giải thích chiến dịch tấn công là "bước cần thiết và phản ứng bình thường để đối đầu với mọi âm mưu của Israel chống lại người dân Palestine".

Ngày 7/10/2023, các chiến binh Hamas phát động một cuộc tấn công chưa từng có vào miền Nam Israel.

Ngày 7/10/2023, các chiến binh Hamas phát động một cuộc tấn công chưa từng có vào miền Nam Israel.

Israel đã trả đũa đợt tấn công ngày 7/10/2023 bằng cách tuyên chiến với Hamas, tiến hành chiến dịch không kích và tấn công trên bộ tại Dải Gaza. Cuộc tấn công trả đũa do Israel phát động trong năm qua, đã làm hơn 41.000 người Palestine thiệt mạng ở Gaza.

Theo số liệu của ngành y tế tại Gaza, hơn một nửa số người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, các cuộc không kích và chiến dịch trên bộ của Israel đã khiến nhiều cơ sở hạ tầng của Gaza trở thành đống đổ nát, bao gồm bệnh viện, trường học và khu dân cư.

"Những người này sẽ đi đâu? Nhà của họ đã bị phá hủy ở phía bắc, tại Bait Lahia, trại tị nạn Jabalia, Bait Hanoun, câu hỏi này dành cho cộng đồng quốc tế vốn có tiêu chuẩn kép. Chúng tôi yêu cầu các tổ chức quốc tế, cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc cung cấp cho chúng tôi những nơi an toàn."

Ông Rami Abdul-Nabi, người Gaza di cư

Các cơ quan viện trợ báo cáo tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thực phẩm, nước sạch và vật tư y tế và hầu hết các bệnh viện ở Gaza không còn hoạt động do bị hư hại và thiếu nhiên liệu chạy máy phát điện. Hệ thống giáo dục đã sụp đổ, với gần như tất cả các trường học đều đóng cửa hoặc bị phá hủy, khiến cả một thế hệ không được học hành một cách chính quy.

Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho Người tị nạn Palestine (UNWRA) cho biết kể từ khi chiến tranh bắt đầu, hơn 140 trường học của UNWRA đã bị Israel tấn công.

"Chúng tôi có nhiều tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục như vậy. Nhưng những chương trình này không thể thay thế hệ thống giáo dục chính thống, tức là học sinh quay trở lại trường để tiếp nhận nền giáo dục chính quy. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi chấm dứt chiến tranh và ngừng các cuộc tấn công vào hệ thống giáo dục để học sinh có thể quay trở lại trường học để học tập".

Ông Ismail al-Thawabta, Phát ngôn viên văn phòng truyền thông chính quyền Gaza

Lệnh phong tỏa của Israel, được thắt chặt kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, đã hạn chế nghiêm trọng việc tiếp cận viện trợ nhân đạo. Liên hợp quốc ước tính 1,9 triệu người Palestine ở Gaza, phần lớn dân số, đã phải di dời trong năm qua. Nhiều người chen chúc trong những nơi trú ẩn hoặc lều trại quá tải ở phía nam của dải đất này. Bom vẫn trút xuống Gaza, 2,4 triệu người dân lãnh thổ Palestine vẫn còn đối mặt với tương lai bất định.

Liên hợp quốc ước tính 1,9 triệu người Palestine ở Gaza, phần lớn dân số, đã phải di dời trong năm qua.

Liên hợp quốc ước tính 1,9 triệu người Palestine ở Gaza, phần lớn dân số, đã phải di dời trong năm qua.

Xung đột lan rộng

Mặc dù Gaza vẫn là tâm điểm của cuộc chiến sau ngày 7/10 và gánh chịu hậu quả nặng nề từ các cuộc tấn công trả đũa tàn khốc của Israel, nhưng cuộc xung đột đã mở rộng và nhấn chìm các vùng đất khác trong khu vực. Trong những tuần gần đây, Israel đã leo thang đáng kể các cuộc tấn công vào nước láng giềng Liban, nhắm vào những gì họ cho là thành trì của Hezbollah trên khắp cả nước, lấy cớ bảo vệ biên giới với Liban, để hàng chục nghìn người Israel phải di dời sau gần một năm giao tranh với Hezbollah có thể trở về nhà.

Israel và Hezbollah đã giao tranh và tấn công xuyên biên giới kể từ ngày 8/10/2023, một ngày sau khi Hamas, đồng minh Palestine của Hezbollah, tấn công miền nam Israel. Tuy nhiên, một cuộc tấn công kinh hoàng mới bắt đầu gần đây, khi lực lượng Israel được cho là đã tấn công hệ thống liên lạc của Hezbollah, làm nổ máy nhắn tin và radio của hàng nghìn chiến binh và giết chết một số lượng lớn các chỉ huy cấp cao của Hezbollah, làm suy yếu cấu trúc chỉ huy của nhóm.

Israel và Hezbollah đã giao tranh và tấn công xuyên biên giới kể từ ngày 8/10/2023.

Israel và Hezbollah đã giao tranh và tấn công xuyên biên giới kể từ ngày 8/10/2023.

Sau đó, vào ngày 27/9, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã bị giết trong một cuộc không kích của Israel vào vùng ngoại ô phía nam Beirut, đánh dấu một bước ngoặt lớn ở Trung Đông. Hezbollah đã tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa vào miền bắc Israel để đáp trả, và vào ngày 1/10, Israel đã liều lĩnh tăng cường leo thang, phát động một cuộc tấn công trên bộ vào miền nam Liban, lấy cớ tiêu diệt Hezbollah.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết họ đã phát động các cuộc tấn công vào Israel để trả đũa cho vụ giết hại các nhà lãnh đạo Hamas và Hezbollah. Khoảng 200 tên lửa đạn đạo đã được phóng vào Israel sau đó.

Hơn 1,2 triệu người Liban đã phải di dời do các cuộc tấn công của Israel và gần 2.000 người đã thiệt mạng kể từ khi Israel bắt đầu các cuộc tấn công vào Liban trong năm qua. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng trong hai tuần qua.

Chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza sắp tròn một năm.

Chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza sắp tròn một năm.

Bạo lực leo thang lan sang Biển Đỏ, các cuộc tấn công của lực lượng Houthis ở Yemen tiếp tục ảnh hưởng đến một trong những tuyến vận chuyển quan trọng của thế giới.

Khi chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza sắp tròn một năm, các chuyên gia cảnh báo về sự leo thang nguy hiểm trong căng thẳng khu vực và hiện vẫn chưa có một lối thoát rõ ràng.

Tình hình bế tắc - triển vọng ngừng bắn mờ nhạt

Bất chấp các cuộc biểu tình dai dẳng và lời kêu gọi từ chức, liên minh ủng hộ chiến tranh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn tồn tại và có khả năng sẽ vẫn đứng vững cho đến cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 10/2026. Các tuyên bố và hành động của liên minh cầm quyền Israel cho thấy họ có ý định tránh giải quyết xung đột, thay vào đó họ mở rộng các khu định cư của Israel ở Bờ Tây và mở rộng vùng đệm an ninh dưới sự kiểm soát của quân đội Israel ở Liban và Gaza. Đây cũng là một lý do nữa khiến người ta lo ngại rằng cuộc xung đột này không thể ngừng leo thang, chứ chưa nói đến chấm dứt.

Gần một năm sau cuộc tấn công của Hamas sang lãnh thổ Israel hôm 7/10, quân đội Israel đang chiến đấu trên trên nhiều mặt trận: tấn công trên bộ chống lại Hezbollah ở Liban, thực hiện các cuộc không kích ở Gaza và Beirut và đe dọa trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào đầu tuần này. Khi xung đột lan rộng ra khu vực, chi phí kinh tế cũng sẽ tăng vọt, đối với cả Israel và các quốc gia khác ở Trung Đông.

Dù phải đối mặt với những thách thức về kinh tế và chính trị, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Israel sẽ chùn bước.

Dù phải đối mặt với những thách thức về kinh tế và chính trị, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Israel sẽ chùn bước.

Nền kinh tế Israel hiện đang oằn mình hứng chịu khoản vay đắt đỏ để tiếp tục các cuộc giao tranh ở Trung Đông. Chỉ tính đến tháng 8/2024, Tel Aviv đã mất gần 30 tỷ USD cho cuộc chiến ở Dải Gaza và theo ước tính của ngân hàng Israel, con số này có thể tăng thêm 2,5 lần vào cuối năm 2025.

"Tôi nghĩ điều này phản ánh sự tin tưởng thấp của Moody's và các cơ quan xếp hạng khác. Tất nhiên, chi phí của chiến tranh đang đè nặng lên ngân sách - nghĩa vụ quân sự, các đơn vị dự bị, chi phí đạn dược, tất cả đều đè nặng và có tác động tiêu cực. Tất nhiên là chi phí ngân sách, đã tăng cao hơn và dự kiến sẽ vẫn tăng cao hơn vào năm tới chừng nào chiến tranh còn diễn ra".

Ông Bernard Manor - Quản lý danh mục đầu tư tại IBI Investment House

Dù phải đối mặt với những thách thức về kinh tế và chính trị, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Israel sẽ chùn bước. Như Thủ tướng Netanyahu đã mạnh mẽ tuyên bố: "Không có nơi nào ở Trung Đông nằm ngoài tầm với của Israel".

Ông Netanyahu, đã nắm quyền trong gần 15 năm qua, đã phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề vì những thất bại về tình báo và quân sự dẫn đến vụ tấn công ngày 7/10. Đã có lúc, ông Netanyahu tưởng có nguy cơ mất chức, nhưng một loạt các thành công quân sự của Israel trong 3 tháng qua giúp ông xoay chuyển tình thế. Một năm sau thất bại an ninh quốc gia tồi tệ nhất trong lịch sử Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang giành được những chiến thắng về chính trị và chiến lược, mà dựa vào đó, ông đang hành động hung hăng, liều lĩnh hơn.

Tuy nhiên, trên trường quốc tế, hình ảnh của ông Netanyahu bị hoen ố. Mối quan hệ của ông với Tổng thống Mỹ Biden trở nên căng thẳng, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây chỉ trích ông và một số nhà lãnh đạo củathế giới Ả Rập và Hồi giáo, cũng như các nước châu Phi và Nam Mỹ, gọi ông là "tội phạm chiến tranh". Hàng chục nhà ngoại giao đã bỏ ra ngoài để phản đối bài phát biểu của ông Netanyahu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng trước.

Khi xung đột lan rộng ra khu vực, chi phí kinh tế cũng sẽ tăng vọt, đối với cả Israel và các quốc gia khác ở Trung Đông.

Khi xung đột lan rộng ra khu vực, chi phí kinh tế cũng sẽ tăng vọt, đối với cả Israel và các quốc gia khác ở Trung Đông.

Trong những tháng tới, ông Netanyahu phải đối mặt với một số thách thức đáng kể, bao gồm việc thông qua ngân sách, thúc đẩy một đạo luật miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho các đối tác liên minh cực đoan chính thống của ông và lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Về phần Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến thăm khu vực này 9 lần và Tổng thống Joe Biden chính thức chấp nhận các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn và thỏa thuận con tin trong ngắn hạn, và các cuộc đàm phán khu vực trong dài hạn. Sau một lệnh ngừng bắn và việc thả hơn 100 con tin, các nỗ lực này không đem lại thêm lệnh ngừng bắn hoặc thả con tin nào nữa. Khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, không rõ Mỹ sẽ tiếp tục làm gì. 60% công chúng Mỹ muốn nước này đóng một vai trò nhỏ, hoặc không đóng vai trò gì cả, trong việc giải quyết cuộc chiến Israel-Hamas.

Các quốc gia Trung Đông khác công khai ủng hộ và thường tham gia vào các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu, nhưng tất cả thận trọng để bảo vệ lợi ích của riêng mình. Ví dụ, Ai Cập và Jordan lo ngại về khả năng nhiều người Palestine chạy trốn khỏi cuộc chiến và đến lãnh thổ của họ. Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất lo ngại rằng cuộc xung đột có thể lan sang các quốc gia khác.

"Hòa giải vẫn là lựa chọn trong chiến lược đối ngoại của Qatar. Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hòa giải để chấm dứt chiến tranh ở Gaza và đảm bảo việc thả các con tin và tù nhân, ngay cả khi đối mặt với những phức tạp phát sinh từ sự leo thang quân sự liên tục của Israel."

Tiểu vương Qatar, Tamim Bin Hamad Al Thani

Vị thế của Iran đã được củng cố phần nào, nhờ sự chú ý đến các lực lượng ủy nhiệm của mình, bao gồm Hamas, Hezbollah, Syria, dân quân Shiite ở cả Iraq và Syria, và Houthis ở Yemen. Trước cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel vào ngày 1/10/2024, Iran đã liên tục tỏ ý rằng lợi ích chính của họ là tránh một cuộc chiến tranh khu vực. Tổng thống mới của Iran Masoud Pezeshkian, đã nhiều lần nói về mong muốn đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây.

Giao tranh đã khiến các bên đều chịu tổn thất về người và của, cuộc sống người dân rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Giao tranh đã khiến các bên đều chịu tổn thất về người và của, cuộc sống người dân rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

"An ninh của khu vực là an ninh của tất cả người Hồi giáo, và chúng tôi không muốn bất kỳ cuộc chiến tranh hay đổ máu nào. Chúng tôi không theo đuổi chiến tranh với Israel. Họ đã hứa với chúng tôi về hòa bình. Nhưng Israel đã khủng bố khách của chúng tôi tại Tehran trong lễ nhậm chức tổng thống của chúng tôi".

Tổng Thống Iran, Masoud Pezeshkian

Nhìn chung, mặc dù đã gần một năm giao tranh và nhiều người thiệt mạng, nhưng tình hình vẫn bế tắc. Giao tranh đã khiến các bên đều chịu tổn thất về người và của, cuộc sống người dân rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Một năm trôi qua, hy vọng về một lệnh ngừng bắn có vẻ mờ nhạt, sau những diễn biến gần đây, bao gồm các cuộc tấn công trên bộ của Israel vào miền nam Liban và các cuộc tấn công bằng tên lửa trực tiếp của Iran vào Israel. Cuộc sống đầy đau thương của người Palestine sống trong vùng xung đột hiện đã trở thành chuyện thường ngày. Số phận của những con tin Israel còn lại do Hamas giam giữ vẫn chưa rõ sẽ ra sao. Người ta ngày càng lo ngại rằng việc Israel chuyển trọng tâm sang Liban có thể kéo dài xung đột ở Gaza. Theo nhiều nhà phân tích, Trung Đông đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện.

Hiền Thảo

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhin-lai-mot-nam-xung-dot-tai-chao-lua-trung-dong-271176.htm