Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội IV - Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 - 2023, trong điều kiện được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tiếp tục quan tâm đến chính sách người có công, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC).
Cấp ủy Đảng, chính quyền, từ Trung ương đến địa phương tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) gắn với các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “Về phê duyệt kế hoạch khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin (CĐHH) sau chiến tranh”. Từ đó, tạo động lực để Hội hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao, đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng.
Làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước quan tâm đến nạn nhân da cam
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam cho biết: Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Trung ương Hội đã tham mưu cho Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43 (2015 - 2020); đề xuất, phối hợp với các ban, bộ, ngành tổ chức các đoàn đi kiểm tra, làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 43; Thường trực Ban Bí thư ra thông báo tổ chức kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam kịp thời, hiệu quả; Ban Dân vận Trung ương ban hành văn bản đề nghị cấp ủy các cấp quan tâm tổ chức “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, tạo sự đồng thuận cao trong công tác tuyên truyền và vận động nguồn lực chăm sóc giúp đỡ NNCĐDC trong cả nước.
Mặt khác, Trung ương Hội đã tham mưu đề xuất với Ban Chỉ đạo Đề án 103 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và quy chế hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; tham gia ý kiến với cơ quan chức năng về việc ban hành nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21-4-2010 của Chính phủ; tham gia đóng góp vào văn bản về bổ sung sửa đổi chế độ, chính sách đối với NNCĐDC và quản lý, hoạt động của tổ chức hội…
Hội phối hợp với Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nắm tình hình, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg, ngày 5-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 28-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định ban hành kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Tham gia góp ý, kiến nghị những bất cập trong thực hiện chính sách đối với nạn nhân da cam
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội tích cực tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan chức năng của Nhà nước về chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH trước khi ban hành sửa đổi, bổ sung chính sách tại Pháp lệnh số 02/2020/PLUBTVQH14 và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30-12-2021 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Bá Bồng, Trưởng ban Tổ chức - Chính sách, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam cho biết: Các cơ quan chức năng của Hội và các cấp hội tích cực rà soát những vấn đề bất cập, những vướng mắc, trong tổ chức thực hiện để phản ảnh với cơ quan chức năng và chỉ đạo tổ chức hội phối hợp giải quyết. Tổng hợp ý kiến của cử tri phản ánh đến Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để báo cáo kiến nghị lên Quốc hội; tham gia tích cực các hoạt động của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật, thực hiện giám sát hoạt động của các bộ, ngành trong thực hiện Luật Người khuyết tật...
Hội thực hiện và chỉ đạo hội các cấp tham gia rà soát chế độ, chính sách với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH theo chương trình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đến nay, hơn 350.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ được hưởng trợ cấp hằng tháng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Vận động nhiều nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội từ Trung ương đến cơ sở nỗ lực tuyên truyền, vận động nguồn lực, gắn Phong trào thi đua “Vì nạn nhân CĐDC” với các phong trào, các cuộc vận động, nhân ngày kỷ niệm, lễ, tết... Tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 11-2023, các cấp hội trong toàn quốc vận động Quỹ Nạn nhân CĐDC đạt hơn 2.300 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật). Từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp hội chi giúp đỡ nạn nhân gần 2.200 tỷ đồng; xây dựng hơn 4.840 căn nhà tình thương; tặng 24.830 suất học bổng; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm nghìn lượt người.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân mang tính bền vững hơn, tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà; hỗ trợ học bổng cho con, cháu nạn nhân da cam; hỗ trợ vốn, giống cho sản xuất, chi cho xông hơi giải độc; thăm hỏi đột xuất... Ngoài việc tổ chức vận động trong nước, Hội đã vận động các tổ chức và cá nhân nước ngoài (như bà Masako Sakata, Nhật Bản; Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin Cộng hòa Pháp...), giúp đỡ nạn nhân trong việc cấp học bổng, đỡ đầu, cấp vốn, xây mới, sửa chữa nhà và khám, chữa bệnh, tặng quà, tặng thiết bị cho các nạn nhân khuyết tật...
Trong nhiệm kỳ IV, các trung tâm bảo trợ xã hội nạn nhân CĐDC/dioxin ở Trung ương hội và các tỉnh, thành phố được hỗ trợ kinh phí 37,5 tỷ đồng. Đến nay, Hội có 26 trung tâm, theo 2 mô hình (17 trung tâm thuộc tỉnh, thành hội quản lý và xây dựng 9 công trình nuôi dưỡng nạn nhân tại trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh quản lý), nuôi dưỡng hơn 1.800 cháu. Nơi đây thực sự trở thành mái ấm của nạn nhân và cơ sở chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho nạn nhân là cựu chiến binh.
Phát huy những kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2018-2023, trong thời gian tới, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị: Các cấp hội tiếp tục bám sát đặc điểm, tình hình địa phương, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, đồng thời đề xuất các biện pháp lãnh đạo củng cố, kiện toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hội hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam.
Các cấp hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở và nạn nhân; xác định công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện nghĩa tình, trách nhiệm và là “thước đo” chủ yếu đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.
DUY THÀNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.