Nhìn lại nửa nhiệm kỳ 2020 – 2025: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã trôi qua. Sự đoàn kết, chung sức chung lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu bằng những hành động cụ thể, thiết thực đã giúp Bình Thuận đạt nhiều bước tiến vượt bậc, tạo nên bức tranh kinh tế đa dạng, khởi sắc, cho dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid – 19.
Thành quả đáng mừng
Khởi đầu của nhiệm kỳ 2020 – 2025, cùng với cả nước Bình Thuận phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19. Trước những khó khăn này, Bình Thuận luôn có sự khác biệt khi biết phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từ đó đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn. Bình Thuận đã quán triệt tốt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về việc linh hoạt trong chống dịch và điều hành phát triển các mặt kinh tế - xã hội. Bình Thuận cũng thực hiện có hiệu quả tinh thần biến “nguy” thành “cơ”, biến khó khăn thành động lực phát triển, từ đó, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, tạo chuyển biến bước đầu trong đời sống xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Ảnh: Đ.Hòa
Với những định hướng mang tính chiến lược, bức tranh kinh tế Bình Thuận ngày càng khởi sắc khi mà tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 5,76%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng. Các ngành kinh tế phát triển tương đối đồng đều, một số tiềm năng lợi thế của tỉnh được tận dụng và khai thác ngày càng tốt hơn. Các công trình dự án điện được đẩy nhanh tiến độ, kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Các ngành dịch vụ - du lịch trở lại sôi nổi sau dịch Covid -19; số lượng du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch lấy lại được đà tăng trưởng, nhất là trong các dịp lễ, tết. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng nâng dần chất lượng; một số loại cây trồng có lợi thế cũng phát triển tương đối ổn định. Thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác thủy hải sản vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều cố gắng; phong trào chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, thu ngân sách đạt khá, chi ngân sách địa phương có nhiều cố gắng; các nguồn lực cho đầu tư phát triển tiếp tục được huy động nhiều hơn, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được đẩy mạnh đầu tư góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến, thu hút đầu tư đạt kết quả huy động ngày càng nhiều hơn. Nguồn lực cho đầu tư phát triển tăng dần qua các năm. Hoạt động khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin truyền thông có chuyển biến tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân được triển khai đầy đủ, kịp thời. Đời sống của tầng lớp nhân dân liên tục được cải thiện. Công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh được giữ vững.
Quyết tâm cao hơn nữa
Nhiệm kỳ 2020 - 2025 mới đi được một nửa chặng đường, nhưng những kết quả bước đầu như đã nói ở trên cho thấy, dù mục tiêu ban đầu đề ra trong điều kiện mọi khó khăn bủa vây có vẻ hơi nặng nề, nhưng tỉnh vẫn kiên trì, nhất quán những mục tiêu, định hướng chiến lược nhằm tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng như không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân bằng những quyết sách đúng đắn.
Đúc kết từ thực tiễn lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025, những kinh nghiệm đã được rút ra. Đó chính là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy; luôn bám sát chủ trương của Đảng, tuân thủ quy định pháp luật, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo, điều hành. Phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân tỉnh nhà; sự nhất trí, đồng lòng, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên; huy động mọi nguồn lực, tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung thực hiện xuyên suốt, có hiệu quả 03 khâu đột phá: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực, đạo đức, trách nhiệm; Tăng cường thu hút, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Tiếp tục tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững. Đẩy mạnh hợp tác phát triển, liên kết vùng, tận dụng những cơ hội trong quá trình phân công, hợp tác và liên kết vùng để phát triển. Ưu tiên phát triển 03 trụ cột, chú trọng phát triển kinh tế biển. Cân đối, hài hòa trong việc phát triển kinh tế - xã hội - môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Coi trọng yếu tố khoa học - công nghệ, đặc biệt là công tác chuyển đổi số. Chăm lo phát triển đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự xã hội. Phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động và phối hợp xử lý tốt công việc ở cơ sở; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ được giao đến kết quả cuối cùng. Thường xuyên rà soát, đánh giá, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các cấp; khen thưởng, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Mọi thiếu sót, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành phải có người chịu trách nhiệm. Phải đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo hành lang pháp lý trong thực thi nhiệm vụ; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2023-2025 là giai đoạn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025), các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục bám sát, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, 06 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIV, Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 08/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.
Có thể nói, những kết quả đạt được sẽ là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Những kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng bình quân hàng năm trong 2 năm (2021 - 2022) đạt 5,05%/năm; trong đó, GRDP bình quân nhóm ngành: Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%; Dịch vụ tăng 6,17%; Nông - lâm - thủy sản tăng 3,38%.
- Tỷ lệ thu ngân sách so với GRDP (chưa tính các khoản thu trực tiếp từ dầu khí và thuế xuất nhập khẩu) năm 2021 đạt 13,41%, năm 2022 đạt 11,41%, ước năm 2023 đạt 8,75%.
- Chi đầu tư phát triển so với tổng chi ngân sách địa phương bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 bình quân đạt 38,65%/năm.
- Thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP bình quân hàng năm trong 2 năm (2021 - 2022) chiếm 41,47%/năm; ước thực hiện trong 3 năm (2021-2023) bình quân chiếm 41,88%/năm.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (theo giá so sánh) năm 2021 đạt 5,46%, năm 2022 đạt 6,93%; ước năm 2023 đạt 6,66%;
- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 đạt 0,28%, năm 2022 đạt 0,47%, ước năm 2023 đạt 0,52%.