Nhìn lại Tháng hành động vì an toàn thực phẩm
ĐBP - Nhận thức, trách nhiệm của ban chỉ đạo các cấp, người dân từ người sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm ngày càng được nâng lên rõ rệt và dành sự quan tâm cần thiết. Đó là nhận định của ông Hoàng Xuân Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh. Điều đó dễ nhận thấy trong đời sống thường ngày, qua kết quả kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kết quả triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2022 vừa kết thúc mới đây.
Tháng hành động Vì ATTP năm 2022 diễn ra từ 15/4 - 15/5 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Tại các huyện, thị, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Nói chuyện/hội thảo, tuyên truyền trên loa truyền thanh, treo băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường chính. Công tác kiểm tra liên ngành cũng được tăng cường để giám sát, loại bỏ các mối nguy về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thời gian qua, địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là liên quan đến thực phẩm, dịch vụ ăn uống phải đóng cửa, rồi mở cửa không liên tục, nên cơ quan quản lý cũng khó theo dõi thường xuyên. Do đó, một số cơ sở khi được kiểm tra vẫn mắc lỗi nhỏ về thiếu giấy tờ cần thiết như sổ theo dõi, giấy khám sức khỏe, nhận định chưa ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nên các đoàn chỉ nhắc nhở, yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện và theo dõi sát sao việc cơ sở thực hiện, khắc phục. Những vi phạm khác về nguồn gốc, chất lượng nông sản, thực phẩm, để xảy ra ngộ độc đều không ghi nhận trường hợp nào. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã có ý thức ngày càng cao về vệ sinh ATTP, gắn với uy tín, sự tồn tại của cơ sở. Người tiêu dùng thì thông thái hơn, có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và gia đình, bởi vậy hàng hóa bẩn, quá hạn sử dụng khó có thể tồn tại”.
Trong 1 tháng diễn ra, toàn tỉnh đã triển khai 129 đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP; trong đó, 1 đoàn tuyến tỉnh, 10 đoàn tuyến huyện, 118 đoàn tuyến xã. Kết quả tổng hợp nhanh, 1.665 cơ sở về kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, chế biến, thu gom, sơ chế, kinh doanh nông sản thực phẩm... đã được kiểm tra. Kết quả 99,6% cơ sở đạt yêu cầu về ATTP, 6 cơ sở vi phạm và bị xử phạt do: không có kệ kê, không đáp ứng yêu cầu về trang phục bảo hộ lao động, hàng hết hạn sử dụng và hàng hóa ẩm mốc. 6 cơ sở này thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Chà. Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh (do ngành Y tế chủ trì) cũng đã kiểm tra ban chỉ đạo vệ sinh ATTP 4 huyện và 4 xã, phường (thuộc Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Lay, Tủa Chùa). Các Ban chỉ đạo được đánh giá thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn. Một trong những điều được quan tâm trong Tháng hành động là tình trạng ngộ độc thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều năm liền, trong tháng hành động không xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Mai Quỳnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Thanh tra, Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh cho biết: Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm rõ và hiểu luật, chấp hành theo đúng quy định pháp luật. Có một số cơ sở nhỏ lẻ chưa hiểu nhưng khi được nhắc nhở đều tuân thủ và cam kết điều chỉnh, khắc phục. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân đều nâng lên. Bởi vậy, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng thời gian qua, công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn vẫn được đảm bảo với nhiều chuyển biến tích cực.