Nhìn lại việc công bố dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT
Khi áp dụng chuyển đổi số, việc tra cứu điểm thi trở nên thuận lợi nhưng nền tảng công nghệ cần phải được nâng cấp, các yếu tố liên quan đến bảo mật dữ liệu cũng cần phải được chú trọng hơn nữa để phục vụ việc tra cứu điểm thi chính xác.
Nhớ lại thời điểm 2015, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT theo các khu vực, chỉ cho phép 8 trường đại học được tham gia công bố điểm thi.
Điển hình tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GD-ĐT giao cho ĐH Cần Thơ; TP.HCM có ĐH Sư phạm và ĐH Nông lâm; miền Trung có ĐH Đà Nẵng, ĐH Vinh; miền Bắc có Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội; Tây Bắc có Trường ĐH Thái Nguyên cùng phối hợp công bố điểm thi.
Thực tế dù đã chia nhỏ theo khu vực nhưng thời điểm ấy, trong mấy giờ đầu công bố gần như tất cả cổng tra cứu đều "chết".
Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã chủ động chia sẻ dữ liệu công bố điểm thi. Theo đó, 63 Sở GD-ĐT thuộc 63 địa phương được quyền công bố điểm thi của địa phương.
Ngoài ra, các cơ quan thông tấn báo chí khi cam kết không chia sẻ dữ liệu cho bên thứ 3, bảo quản dữ liệu điểm thi theo quy định cũng sẽ được Bộ GD-ĐT cung cấp dữ liệu điểm thi để thí sinh có thể tra cứu trực tiếp trên các báo.
Điều này cũng giúp hệ thống của Bộ GD-ĐT không bị quá tải, hơn nữa phụ huynh và thí sinh cũng có thể tra cứu nhanh, thuận lợi nhất. Đặc biệt, hệ thống mạng tra cứu điểm thi đảm bảo thông suốt, không gặp sự cố nghẽn mạng khiến học sinh và phụ huynh hài lòng.
Cần nâng cấp hệ thống để đảm bảo sự chính xác và độ bảo mật cao
Tuy nhiên, dù năm nay, việc tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT có những thuận lợi nhất định cũng chưa hoàn toàn tránh khỏi sự cố.
Mặc dù 8h ngày 18/7 Bộ GD-ĐT mới công bố điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng ngay từ chiều ngày 15/7 nhiều thí sinh đã xôn xao khi có thể tra cứu được điểm thi.
Theo đó, đầu giờ chiều ngày 15/7, không ít thí sinh đã vào được cổng tra cứu điểm thi của Bộ GD-ĐT để xem thông tin. Các em ồ ạt vào tra cứu điểm khiến cổng Bộ GD-ĐT bị tắc nghẽn không thể vào được. Sau đó, trang web tra cứu này cũng khóa lại.
Về việc này, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho hay: "Bộ chưa công bố điểm thi vào thời điểm này. Có thể điểm thi trên thí sinh tra cứu được là dữ liệu điểm thi từ năm 2022".
Tuy nhiên, một giáo viên ở TP.HCM khẳng định: "Đại diện Bộ GD-ĐT trả lời truyền thông có thể điểm thi trên thí sinh tra cứu được là dữ liệu điểm thi từ năm 2022 nhưng bản thân tôi không đồng ý. Nhiều học sinh ở các tỉnh thành đã biết điểm từ 13h ngày 15/7. Nếu thông tin này lộ, yếu tố bảo mật điểm thi trên hệ thống đang bị xem nhẹ”.
Không chỉ thế, vừa qua dư luận cũng xôn xao trước việc một số thí sinh tại Nam Định đạt điểm cao ở các tổ hợp khối xét tuyển đại học, thậm chí có thí sinh đạt 27; 28 điểm nhưng lại bị điểm 0 môn tiếng Anh.
Ví dụ, thí sinh Nam Định, số báo danh 250001xx có điểm xét tuyển tổ hợp B00 là 27,75 và A00 là 26 điểm. Cụ thể, điểm thi các môn lần lượt là: Toán: 9; Ngữ văn: 8,25; Vật lý: 7,75; Hóa học: 9,25; Sinh học: 9,5 nhưng tiếng Anh hệ thống lại hiển thị 0 điểm.
Một thí sinh khác cũng đến từ Nam Định có điểm thi lần lượt là: Toán: 9,2; Ngữ văn: 7; Vật lý: 8,75; Hóa học: 9,5; Sinh học: 7 và tiếng Anh cũng 0 điểm.
Nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao những môn khoa học tự nhiên điểm cao chót vót nhưng điểm tiếng Anh lại 0 vì với môn thi trắc nghiệm 0 điểm chiếm xác suất rất hiếm. Trường hợp học sinh quá yếu “khoanh bừa” cũng có thể trên 0 điểm.
Về trường hợp này, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, cho hay: “Những thí sinh điểm cao ở tổ hợp môn xét tuyển đại học nhưng hệ thống lại hiển thị 0 điểm tiếng Anh được phản ánh ở Nam Định có 2 trường hợp. Thứ nhất, những thí sinh này thuộc diện miễn thi môn Ngoại ngữ tức là các em được 10 điểm Ngoại ngữ chứ không phải 0 điểm như hệ thống hiển thị.
Để xảy ra việc nhiều người hiểu thí sinh điểm xét tuyển đại học cao nhưng 0 điểm Ngoại ngữ là do cách hiển thị của hệ thống gây hiểu nhầm”.
Không thể phủ nhận khi áp dụng chuyển đổi số, việc tra cứu điểm thi của thí sinh cũng trở nên thuận lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nền tảng công nghệ cần phải được nâng cấp, các yếu tố liên quan đến bảo mật dữ liệu cũng cần phải được chú trọng hơn nữa để phục vụ việc tra cứu điểm thi chính xác và quan trọng là tránh những sự cố kỹ thuật như vừa qua.
Cụ thể, theo một số chuyên gia, cần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như phát triển kỹ năng số cho giáo viên và học sinh.
Để thành công trong chuyển đổi số giáo dục, cần đảm bảo rằng cả giáo viên và học sinh đều có kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, hạ tầng mạng và các trang thiết bị phải được cải tiến, đổi mới đặc biệt là những nơi có kết nối kém. Quan trọng hơn là chính sách và quy định bảo mật, các tổ chức giáo dục nên có chính sách và quy định rõ ràng về bảo mật thông tin, bao gồm việc xác định trách nhiệm và quy trình xử lý sự cố liên quan đến bảo mật.
Ngoài ra, các cơ quan cần tập huấn cho học sinh về an ninh mạng, các nguy cơ an ninh mạng, cách phòng chống và khắc phục khi xảy ra sự cố, giúp nâng cao ý thức và kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân và tổ chức.
Trong quá trình hoạt động, chúng ta cũng cần liên tục cập nhật và bảo trì phần mềm đảm bảo rằng tất cả các phần mềm, ứng dụng và hệ điều hành được cập nhật định kỳ và có các bản vá bảo mật để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công.
Hơn thế, mã hóa dữ liệu cũng rất quan trọng khi lưu trữ và truyền tải giúp ngăn chặn việc truy cập trái phép và đảm bảo tính bảo mật của thông tin để đảm bảo dùng công nghệ số mà không gặp bất cứ trục trặc nào.