Nhìn lại việc đánh giá cán bộ

Hội nghị Trung ương 11 vừa kết thúc đưa ra một số liệu giật mình: kể từ năm 2016, đã có hơn 70 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị và 18 người từng là ủy viên Trung ương Đảng. So với những nhiệm kỳ trước, đây là con số mang tính nhảy vọt, dù đương nhiên là không hề đáng mong muốn.

Thay đổi lớn về số lượng cán bộ bị xử lý thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng, nhưng cũng cho thấy lỗ hổng trong việc đánh giá cán bộ, đặc biệt là ở những vị trí cấp cao. Thực tế cho thấy Nhà nước chưa có nhiều quy định cụ thể và mang tính định lượng để phục vụ mục tiêu giám sát. Dù nhiệm vụ này được đề cập khá nhiều trong nghị quyết hay các cuộc họp, cho đến nay chỉ có duy nhất Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh ban hành năm 2017 là có liên quan. Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 dù trên hình thức có phần đánh giá công chức, nhưng lại không có tiêu chí định lượng cụ thể.

Điều này tạo ra vấn đề lớn về trách nhiệm giải trình: khi không thể lượng hóa trách nhiệm “người đứng đầu”, sẽ rất khó để tạo sức ép khiến họ làm việc hiệu quả. Dẫu hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ, “người đứng đầu” đều không chịu ràng buộc từ cơ chế chặt chẽ nào. Việc làm tốt hay không phụ thuộc nhiều vào nhận thức của từng cán bộ. Tất nhiên, đó không phải là cách thức hoạt động bền vững của bộ máy nhà nước hiện đại.

Có nhiều cách để đánh giá cán bộ. Ở nhiều quốc gia, lãnh đạo cấp cao được bầu, thông qua ủy quyền của người dân, sẽ buộc cán bộ cấp cao - thường là những người nắm vị trí trong chính phủ - chịu trách nhiệm giải trình với mình. Nếu cá nhân nào không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc không xử lý công việc theo quan điểm của họ, lãnh đạo đó có toàn quyền kỷ luật, thậm chí là cách chức. Ví dụ, chỉ trong ba năm nhiệm kỳ, có hơn 60 nhân viên cao cấp bị sa thải hay xin từ chức dưới quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong thể chế lãnh đạo tập thể như ở nước ta, trách nhiệm đánh giá và giám sát cán bộ cấp cao thuộc về Quốc hội. Nhiệm vụ này ngày càng được chú trọng, và với việc xuất hiện các hình thức chất vấn được truyền hình trực tiếp và bỏ phiếu tín nhiệm, quyền lực của Quốc hội đang ngày một tăng lên. Tuy vậy, Quốc hội trên thực tế không thể giám sát hết mọi cán bộ, và cũng phải phân bổ thời gian cho các nghĩa vụ khác. Trừ những sai phạm nghiêm trọng khiến lãnh đạo chủ chốt bị miễn nhiệm như trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, các đại biểu Quốc hội thường chỉ phê phán chứ không có quyền xử lý sai sót nhỏ hơn. Trách nhiệm chính vẫn thuộc bên điều hành - Chính phủ, và khi chưa có tiêu chí “cứng” để đánh giá, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo” khiến việc xử lý khó khăn hơn gấp bội.

Những cuộc cải cách hành chính kéo dài gần 30 năm chưa giải quyết rốt ráo được tình trạng này. Với công chức, viên chức, hình thức đánh giá chủ yếu vẫn mang tính chủ quan, thông qua bản nhận xét cán bộ mỗi năm hay các cuộc họp tự kiểm điểm. Khi chịu sức ép tinh giản biên chế, việc đánh giá công chức đang mới bắt đầu có những biến chuyển tích cực, với việc nhiều đơn vị bắt đầu thử nghiệm các hình thức đánh giá theo hiệu quả làm việc (KPI). Tuy thế, xây dựng KPI là không đơn giản, nên phần lớn các cơ quan nhà nước còn chưa triển khai. Xây dựng một bộ KPI cho cán bộ cấp cao sẽ còn phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.

Ở một số lĩnh vực đã có tiêu chí rõ ràng như đầu tư công hay minh bạch thông tin, thì việc thi hành lại có phần giơ cao đánh khẽ. Chỉ riêng chuyện giải ngân đầu tư công chậm chạp dẫn đến lãng phí nguồn lực, hay việc các doanh nghiệp nhà nước không minh bạch thông tin quản trị như yêu cầu, Thủ tướng Chính phủ cũng từng nhắc nhở nhiều lần và cho biết sẽ “xử lý nghiêm”, thế nhưng đến lúc này vẫn chưa có thông tin ai phải chịu trách nhiệm dù là ở mức khiển trách. Đây là một tiền lệ xấu, bởi quy định chỉ có ý nghĩa khi được thực thi một cách nghiêm minh, hay nói theo ngôn ngữ của Đảng là “không có vùng cấm”.

Xuề xòa với những sai phạm nhỏ là tạo điều kiện để những sai phạm lớn hơn hình thành. Một cán bộ không tự dưng mà tha hóa biến chất, cũng như những kẻ thủ ác không tự dưng phạm tội dù bố mẹ nhất mực “ở nhà nó ngoan lắm”.

Năm sau, đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, sẽ diễn ra. Như mọi lần, đây là thời điểm then chốt cho những quyết định về nhân sự lớp kế cận. Từ trung ương cho tới địa phương, việc “vào quy hoạch” hay không trở thành mối quan tâm lớn không chỉ của các cán bộ trong diện xem xét. Ai ở ai đi còn là câu chuyện chính sách, và từ chính sách nó sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Nguyễn Khắc Giang

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295476/nhin-lai-viec-danh-gia-can-bo-.html