Nhìn nhận rõ hơn vai trò người có uy tín, chức sắc tôn giáo thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng

Cả nước có khoảng 28.000 người có uy tín trên địa bàn 52 tỉnh, thành phố. Ờ khu vực miền núi phía Bắc có khoảng 15.000 người. PGS.TS. Đặng Thị Hoa - Quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - đề xuất một số giải pháp để phát huy được vai trò của họ trong thúc đẩy bình đẳng giới tại khu vực miền núi, vùng đông đồng bào có đạo.

 PGS.TS. Đặng Thị Hoa - Quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Ảnh: PVH

PGS.TS. Đặng Thị Hoa - Quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Ảnh: PVH

PV: Vùng miền núi hiện nay còn tồn tại không ít tập tục, văn hóa không còn phù hợp, tạo ra rào cản với phụ nữ, trẻ em; bà có ý kiến ra sao với nhận định này?

PGS.TS. Đặng Thị Hoa: Vùng miền núi phía Bắc với 47 dân tộc thiểu số cư trú, nhiều phong tục tập quán đang được coi là rào cản đối với sự phát triển của trẻ em gái và phụ nữ. Trong khi đây cùng là địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa nên khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội và cơ hội phát triển là rất thấp.

Có thể thấy rõ, theo khuôn mẫu truyền thống, khuôn mẫu giới thể hiện rõ trong cách cha mẹ giáo dục con cái trong tham gia lao động và định hướng nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Trẻ em gái vẫn luôn bị định kiến phải học cách làm việc chăm chỉ, quán xuyến toàn bộ các hoạt động sản xuất và chăm sóc của gia đình. Các trẻ em gái thường xuyên phải làm việc nhiều hơn so với trẻ em trai theo khuôn mẫu nam làm việc "nặng", nữ làm việc "nhẹ".

Người phụ nữ phải đảm nhận "vai trò kép" trong gia đình, vừa là nhân vật chính trong hoạt động sản xuất, vừa là người nội trợ và chăm sóc gia đình. Điều đáng quan tâm là, mặc dù nữ giới – có vai trò lớn trong sản xuất chăm sóc con cái và người già nhưng họ không phải là nhân vật có tiếng nói và đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến hoạt động sản xuất và nuôi dạy con cái.

PV: "Người có uy tín" trong cộng đồng không chỉ là những người "đã được công nhận", bà có nhận định thế nào để nhận diện rõ hơn về vai trò của người có uy tín và các chức sắc tôn giáo trong cộng đồng?

PGS.TS. Đặng Thị Hoa: Trong văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, những người có uy tín trong cộng đồng thường là già làng am hiểu phong tục tập quán, thầy thuốc, bà đỡ dân gian, trưởng bản, người có kinh nghiệm sản xuất giỏi và có uy tín xử lý các mối quan hệ trong cộng đồng và dòng họ, gia đình. Do đó mỗi người có thế mạnh riêng trong vận động quần chúng dân tộc thiểu số.

Cũng cần nhìn nhận rõ về người có uy tín trong cộng đồng các tộc người thiểu số miền núi phía Bắc. Trước hết là người có uy tín đã được công nhận và đang được hưởng chế độ theo danh sách của Ủy ban Dân tộc. Bên cạnh đó, trong cộng đồng vẫn có những người có uy tín như thầy thuốc, thầy cúng, bà đỡ vườn, người giỏi làm ăn kinh tế... là những người gần gũi với người dân, được nhân dân tín nhiệm và luôn giúp đỡ người dân trong mọi hoàn cảnh.

Ở một số tộc người có theo đạo Phật giáo, Tin Lành hay Công giáo, những người chức sắc, chức việc trong đạo có những ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng.

Tại khu vực miền núi phía Bắc, tổng số người theo đạo Tin Lành ở khu vực tính đến năm 2020 là 235.635 người (95% là người Mông), 389 chức sắc, 525 chức việc, 09 chi hội, 1.631 điểm nhóm, lần lượt chiếm tỷ trọng 21% về tín đồ, hơn 17% về chức sắc và gần 8% về chức việc của đạo Tin Lành cả nước.

Vai trò của người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong tuyên truyền, vận động nhằm xóa bỏ các khuôn mẫu, định kiến bất bình đẳng giới ở cộng đồng thể hiện khá rõ nét. Có thể nhìn nhận rõ vai trò của những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo trong cộng đồng trong vận động người dân xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu văn hóa không phù hợp, phát huy các yếu tố tốt đẹp của phong tục tập quán trong thúc đẩy bình đẳng giới như sau:

Trước hết, những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo luôn gần gũi với người dân trong cộng đồng. Họ luôn gắn bó với tất cả các hoạt động của cộng đồng và là người rất am hiểu phong tục tập quán, nắm bắt được tâm lý, tâm tư nguyện vọng của từng người dân cũng như điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân, từng gia đình trong cộng đồng.

Thứ hai, những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo thường rất có trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc và không nề hà khi dành thời gian, công sức, thậm chí cả vật chất để đi vận động, thuyết phục, hỗ trợ người dân trong cộng đồng khi họ gặp khó khăn hay cần có sự hỗ trợ.

Thứ ba, những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo thường là những người biết ăn nói, biết xử lý tình huống tốt và có khả năng tập hợp, xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng, lấy được sự tin tưởng của người dân kể cả lời nói, hành động và sự định hướng. Những khuôn mẫu, định kiến bất bình đẳng giới vốn là những thói quen, nếp nghĩ trong văn hóa, phong tục tập quán rất khó từ bỏ hay thay đổi. Nhiều khuôn mẫu trở nên quen thuộc và rất bình thường với những người dân trong cộng đồng, do vậy chính người trong cuộc cũng không nhận thức được những vấn đề đang dẫn tới bất bình đẳng giới trong đời sống của họ.

Người có uy tín trong cộng đồng có tiếng nói quan trọng, góp phần tuyên truyền, thúc đẩy bình đẳng giới ở cộng đồng. Ảnh minh họa

Người có uy tín trong cộng đồng có tiếng nói quan trọng, góp phần tuyên truyền, thúc đẩy bình đẳng giới ở cộng đồng. Ảnh minh họa

PV: Về phía tổ chức Hội LHPN Việt Nam cần phải làm gì để phát huy vai trò của những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo để thúc đẩy bình đẳng giới?

PGS.TS. Đặng Thị Hoa: Để phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo trong tuyên truyền, vận động nhằm xóa bỏ các khuôn mẫu, định kiến bất bình đẳng giới, trước hết phải vận động, giải thích, tuyên truyền cho họ nhận diện rõ những vấn đề đang dẫn tới bất bình đẳng giới trong cộng đồng. Theo đó, họ sẽ nhận ra được cần bắt đầu từ đâu và lên kế hoạch để vận động, tuyên truyền cho các nhóm đối tượng phù hợp với điều kiện cụ thể.

Để triển khai hoạt động này, tổ chức Hội phụ nữ cấp cơ sở và cấp huyện phải sát sao hơn với địa bàn của mình, tổ chức các cuộc tập huấn, tuyên truyền với nhóm những người uy tín, chức sắc tôn giáo hiểu rõ hơn về tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay ở địa phương. Giới thiệu và làm rõ nét các mục tiêu thiên niên kỷ đối với địa phương trong các hoạt động hỗ trợ tại cộng đồng.

Một trong những công cụ tích cực hỗ trợ của phong tục tập quán là hương ước, quy ước cộng đồng của các thôn bản dân tộc thiểu số. Người có uy tín, chức sắc tôn giáo có thể lồng ghép các quy định khuyến khích các hành vi tích cực, hạn chế các thói quen khuôn mẫu, định kiến trong các bản hương ước, quy ước và cùng giám sát triển khai tại cộng đồng.

Trong đời sống sinh hoạt thường ngày, những người có uy tín, chức sắc tôn giáo có thể điều chỉnh các hành vi, thay đổi nhận thức của những người chưa hiểu đúng, làm đúng hoặc có tinh thần bảo thủ, chậm tiến bộ theo tư tưởng gia trưởng, định kiến. Sự thuyết phục, vận động trong các hoạt động hàng ngày sẽ ngấm sâu, làm thay đối nhận thức, thói quen của rất nhiều người trong cộng đồng.

Một bộ phận người dân trong cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ không biết tiếng phổ thông, không biết đọc, biết viết, họ chỉ nghe được bằng tiếng dân tộc thiểu số và nhìn vào những điều thực hành trong cuộc sống để thay đổi thói quen sinh hoạt, cách sống, cách nghĩ của mình. Các chức sắc tôn giáo có thể lồng ghép nội dung tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới trong các buổi giảng đạo, sinh hoạt đạo tại cộng đồng. Người có uy tín có thể lồng ghép nội dung thúc đẩy bình đẳng giới trong các cuộc trò chuyện, tiếp xúc với từng cá nhân, các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Người có uy tín, chức sắc tôn giáo trước hết phải là tấm gương trong gia đình, cộng đồng. Những hành động, lời nói của họ thực sự có thể tuyên truyền những thuần phong mỹ tục, những điều tốt đẹp trong phong tục tập quán ngay trong gia đình của mình. Từ đó có thể làm gương cho những gia đình láng giềng, họ hàng và dần thay đổi trong cộng đồng.

Người có uy tín, chức sắc có vị trí cao trong tổ chức tôn giáo ở địa phương đa phần là nam giới, tỷ lệ nữ trong nhóm này là rất thấp. Do đó, Hội LHPN các cấp cần quan tâm, chú ý hơn đến những người có uy tín, chức sắc tôn giáo để vận động, tuyên truyền họ. Đồng thời, tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương để có các kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng người có uy tín trong cộng đồng trong vận động, tuyên truyền nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới một cách sâu rộng trong cộng đồng, phát huy tối đa vai trò của người có uy tín trong cộng đồng tham gia.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhin-nhan-ro-hon-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-chuc-sac-ton-giao-thuc-day-binh-dang-gioi-trong-cong-dong-20240720134330751.htm