Nhìn nhận rõ thách thức và cơ hội của AI trong giáo dục
Chia sẻ tại tọa đàm 'ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo (AI) - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục' chiều 13.2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, ngành giáo dục đã chủ động tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của AI, ChatGPT đối với giáo dục.
Tiếp cận một cách chừng mực
Sự xuất hiện của ChatGPT - ứng dụng AI của công ty khởi nghiệp OpenAI đã cho thấy sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và đang tạo nên cơn sốt trên toàn cầu. Theo nhiều chuyên gia, ngành giáo dục đang đứng trước thách thức lớn khi sản phẩm công nghệ này có thể thay con người viết luận văn, giải toán, lập luận, phân tích các vấn đề và tương tác lại các yêu cầu của người dùng một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, PGS.TS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, không cảm thấy lo ngại và cho rằng, hàng năm đều xuất hiện nhiều sản phẩm công nghệ mới. “Trước ChatGPT thì sự xuất hiện của Google với tốc độ tìm kiếm thông tin cực nhanh cũng đã tạo nên một cơn sốt khiến nhiều người, đặc biệt những nhà giáo dục phải lo ngại. Vì vậy, chúng tôi nghĩ ChatGPT cũng chỉ là công cụ phục vụ việc học tập và tổng hợp thông tin, chưa có khả năng suy luận và dự đoán như con người”.
Có thể trong tương lai, ứng dụng này sẽ mang đến nhiều bất ngờ nữa nhưng theo PGS.TS. Tạ Hải Tùng, khi tiếp cận câu chuyện, mọi người cần coi đây là thành tựu, thấy được năng lực của AI, và tiếp cận ứng dụng này một cách chừng mực.
Sự thay đổi về công nghệ sẽ luôn tạo ra những thách thức và cơ hội mới. TS. Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX nhận định, dưới góc độ công nghệ, sự bùng nổ của ứng dụng ChatGPT cho thấy trí tuệ nhân tạo bây giờ có giá rẻ, phục vụ được phần lớn cộng đồng. Trong giáo dục, trí tuệ nhân tạo giúp giải phóng giáo viên khỏi những công việc mang tính chất lặp lại; góp phần thúc đẩy chuyển đổi nền giáo dục từ dạy nội dung sang dạy kỹ năng, tập trung thời gian và công sức vào mục tiêu dạy người.
“ChatGPT khi chưa biết sử dụng thường hay có tâm lý lo lắng nhưng nếu biết tận dụng thì sẽ tạo ra những tài liệu cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu, sở thích của học sinh”, TS. Nguyễn Thành Nam khẳng định.
PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, ChatGPT có thể trao tri thức trực tiếp, nhưng giáo viên vẫn là người truyền cảm hứng. Tuy nhiên, ChatGPT sẽ thúc đẩy cách tiếp cận, phương pháp, trọng tâm dạy, học và đánh giá...
Để không bị ChatGPT "vượt mặt"
Trong khi trình độ viết của sinh viên Việt Nam nói chung và cả trên thế giới càng ngày càng yếu, thay vì ngồi tranh cãi đoạn này, đoạn kia do ChatGPT viết, theo PGS. TS. Tạ Hải Tùng, hãy trao đổi với sinh viên để tận dụng những kiến thức tổng hợp ChatGPT và năng lực tư duy của sinh viên nhằm nâng cao chất lượng của luận văn.
“Có một câu nói rằng, công nghệ là người đầy tớ tốt nhưng sẽ là người chủ tồi, vì vậy, hãy tận dụng công nghệ, dùng nó và huấn luyện nó trên cơ sở dữ liệu đúng mà chúng ta có…”, PGS. TS. Tạ Hải Tùng khuyến nghị.
Thực tế, gần đây, nhiều trường học thay vì cấm cản sinh viên dùng ChatGPT thì đã cung cấp kỹ năng mềm để các em có thể khai thác, xử lý thông tin hiệu quả cho công việc học tập. GS. Rohit Verma, Hiệu trưởng VinUni chia sẻ: "khi sức nóng của ChatGPT lan tỏa khắp nơi, chúng tôi không tranh cãi tốt hay xấu, mà nghiên cứu để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo này vào dạy học như thế nào, dạy sinh viên sử dụng đúng cách, hiệu quả. Trường sẽ nhanh chóng có những buổi học hướng dẫn giảng viên, sinh viên sử dụng hiệu quả nhất ChatGPT vào nghiên cứu, học tập, sử dụng có trách nhiệm cũng như đề cao tính liêm chính trong học thuật, nói không với đạo văn".
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, cách làm của các trường như VinUni là hướng đi đúng. "Với AI nói chung và ChatGPT nói riêng, chắc chắn trong chúng ta ai cũng có trải nghiệm ở mức độ khác nhau và đều có tâm lý hào hứng với công cụ này. Để nhìn rõ bản chất về nó, cần đứng từ phía các nhà công nghệ, những chuyên gia công nghệ, và đứng từ phía khai thác sử dụng, từ phía chuyên gia giáo dục, làm sao quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế của công cụ này nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung; cũng như để hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của những công nghệ, công cụ này".
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu thấu đáo về AI và ChatGPT, từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách trong thời gian tới.