Nhìn nhận thấu đáo để đi đúng hướng

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh diễn ra ngày 11-12-2017, bên cạnh khẳng định thành tích của tuổi trẻ Việt Nam và tổ chức Đoàn là rất to lớn và đáng tự hào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý cần tránh tình trạng 'nhạt Đảng', 'khô Đoàn', 'xa rời chính trị'… Sau gần 5 năm, vấn đề này vẫn vẹn nguyên tính thời sự và đòi hỏi cần có sự nhìn nhận thấu đáo nhằm có cách khắc phục, góp phần vào xây dựng tổ chức Đoàn với vai trò là đội hậu bị tin cậy của Đảng cũng như xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh.

1. Không thể phủ nhận những năm gần đây, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp đã có nhiều đổi mới, đột phá về nội dung và phương thức hoạt động. Công tác Đoàn và các phong trào thanh thiếu niên ngày càng phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên thanh niên. Điển hình như: Phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… Qua đây, nhiều tấm gương tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp thành công; nhiều thanh thiếu niên đã mang vinh quang về cho Tổ quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ là điểm sáng hình thành một thế hệ thanh niên đi đầu trong nhiều lĩnh vực, có nhận thức chính trị, lý tưởng rõ ràng, dám đương đầu với thử thách khó khăn để lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và hùng cường. Tuy nhiên trong thực tế, còn một bộ phận thanh thiếu niên chưa thể hiện được vai trò xung kích, sáng tạo và trách nhiệm đối với đất nước và xã hội.

Điều đó cũng phản ánh một thực trạng hoạt động của tổ chức Đoàn còn có “khoảng cách” và chưa theo kịp xu hướng, xu thế của giới trẻ hiện nay, dẫn tới còn tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đặt ra.

Không thể không băn khoăn khi những năm gần đây, một bộ phận thanh niên có tư tưởng ngại dấn thân, sống thiếu hoài bão, lý tưởng; tình trạng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội đáng lo ngại. Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện tượng thanh niên tụ tập thành đoàn vào ban đêm đi xe máy lạng lách, nẹt pô, có biểu hiện đua xe trái phép gây rối trật tự công cộng; thậm chí nhiều nhóm còn mang theo vũ khí tự chế ngang nhiên “thanh toán” nhau trên phố diễn biến phức tạp.

Hiện trạng khác cũng đáng để suy nghĩ khi bị cáo Ngô Bá Khá (Khá “bảnh”) ra hầu tòa vì tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc khi kết thúc phiên xét xử, nhận bản án 10 năm tù lại thản nhiên vẫy tay chào “người hâm mộ”. Phong cách không giống ai, có nhiều hành vi bạo lực, quái dị thể hiện trên các video clip của Khá chẳng hiểu sao lại khiến không ít người trẻ u mê. Không chỉ có Khá mà không ít “giang hồ mạng” thời gian qua đã trở thành “thần tượng” của nhiều thanh thiếu niên và chuyện trớ trêu này đến nay vẫn chưa chấm dứt…

Nguyên nhân của một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc đến từ nhiều phía. Đó là từ gia đình, môi trường xã hội, đặc biệt là mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội. Bên cạnh đó có một thực tế, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước, Đoàn Thanh niên, nhất là ở cơ sở còn chậm nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục, chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực tác động đến thanh thiếu niên. Công tác giáo dục của Đoàn tuy rộng nhưng chưa sâu, một số hoạt động còn dàn trải, nặng về hình thức. Một số phong trào chỉ mới thu hút đoàn viên tích cực, thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững vì chưa chú ý đến những yếu tố đặc thù của đối tượng thanh niên trong doanh nghiệp, vùng sâu, vùng xa và dân tộc ít người.

Chất lượng tổ chức Đoàn cơ sở trên địa bàn dân cư, nhất là khu vực nông thôn, khu công nghiệp còn yếu. Một bộ phận tổ chức Đoàn chưa bắt nhịp kịp với những thay đổi nhanh chóng trong đời sống của thanh niên. Một số cấp ủy Đảng, tổ chức Đoàn thiếu quan tâm tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chưa đầu tư đúng mức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển đảng viên mới, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên; số lượng đảng viên là học sinh, sinh viên, thậm chí cả giáo viên vẫn còn hạn chế.

Ở nhiều nơi, cấp ủy Đảng còn chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục thanh niên, trong đó có cả công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của tổ chức Đoàn cùng cấp, dẫn tới công tác phát triển Đảng trong lĩnh vực, địa bàn quản lý hạn chế. Nói đâu xa, dù được Thành ủy Hà Nội rất quan tâm nhưng số lượng đảng viên mới kết nạp trong sinh viên chưa tương xứng khi Thủ đô là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng hàng đầu của cả nước. Hiện toàn ngành Giáo dục thành phố có 2.835 trường học ở các cấp học, với 138.090 giáo viên, trên 2,2 triệu học sinh; cùng với đó là gần 1 triệu sinh viên, học viên. Ấy vậy nhưng 5 năm qua, toàn Đảng bộ thành phố mới kết nạp được 17 học sinh, trong đó, có 6 học sinh ở các trường trung học phổ thông. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là sinh viên cũng chỉ chiếm trên 10% trong tổng số cơ cấu kết nạp đảng viên của thành phố. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là giáo viên trong khối các trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp, dạy nghề...) cũng mới đạt 3,56%. Đến hết năm 2020, tỷ lệ đảng viên là giáo viên trong khối trường mới đạt 46,59%...

Không chỉ có vậy, tình trạng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thiếu quan tâm, thậm chí không quan tâm đến việc xây dựng tổ chức Đảng và Đoàn Thanh niên còn nhiều. Từ đây dẫn đến việc hiểu biết về vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn trong một bộ phận thanh thiếu niên bị “bỏ trống”…

Tình trạng “khô Đoàn” là một phần nguyên nhân dẫn đến “phai Đảng” trong một bộ phận giới trẻ và để lại nhiều hệ lụy, trước hết là phai nhạt lý tưởng cách mạng. Theo đó, lý tưởng cách mạng của Đảng đồng thời cũng là lý tưởng của Đoàn - đội hậu bị tin cậy của Đảng - là lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Những người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng thường có động cơ phấn đấu thấp, nhất là động cơ vào Đoàn, vào Đảng; nhận thức mơ hồ, lệch lạc về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; có xu hướng quan tâm tới những lợi ích vị kỷ hơn là vì lợi ích của tập thể. Từ nhận thức lệch lạc đó dẫn đến hoài nghi, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gần như là một tất yếu.

Hệ lụy sâu xa nhất chính là một bộ phận thế hệ trẻ xa rời chính trị, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là tác hại nguy hiểm nhất, vì những thanh niên thờ ơ với chính trị thường né tránh trách nhiệm bản thân, không dám đấu tranh với những quan điểm, hành động sai trái; không chịu học tập nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; không thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị và trách nhiệm, nghĩa vụ đối với thanh niên. Nghiêm trọng hơn cả, một số thanh niên khi bị đối tượng xấu kích động thường không đủ sức “đề kháng” xã hội, dễ bị lôi kéo vào các hoạt động, các tổ chức chống Đảng và chế độ.

(Còn tiếp)

Thế Đan - Đức Huy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/1046697/nhin-nhan-thau-dao-de-di-dung-huong