Nhìn ra thế giới: Giao thông xanh – Chìa khóa cho các mục tiêu bảo vệ môi trường

Các đô thị lớn trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Tiếp xúc lâu dài với các chất ô nhiễm không khí như CO2 và NO2 từ các phương tiện giao thông có thể gây ra bệnh tiểu đường, bệnh phổi và ung thư. Vì vậy, việc phát triển giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững.

Việc phát triển giao thông xanh là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Đây được coi là chìa khóa, là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề ô nhiễm của đô thị, cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững.

Một dự luật về khí hậu của Mỹ - Dự luật giảm bớt lạm phát đã được ký thành Luật vào tháng 8 vừa qua. Dự luật trị giá 430 tỷ USD được chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua sau hơn một năm đàm phán căng thẳng, đã khôi phục sự tín nhiệm đối với Mỹ với tư cách là nước đi đầu trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc. Ngoài ra, dự luật cũng đưa ra các chính sách và các gói đầu tư nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính tại Mỹ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Nghiên cứu cho thấy các biện pháp này có thể dẫn đến việc giảm lượng khí thải của Mỹ vào năm 2030 xuống khoảng 40% so với mức của năm 2005.

Ủy ban Châu Âu (EC) cũng vừa qua đã đề xuất các quy định chặt chẽ hơn đối với lượng khí thải (NOx) có hại từ các phương tiện giao thông, bao gồm cả các tiêu chuẩn mới về ô nhiễm từ phanh và lốp xe. Liên minh châu Âu đã dần dần thắt chặt các giới hạn phát thải đối với các phương tiện giao thông công cộng kể từ tiêu chuẩn "Euro 1" vào năm 1992. Tiêu chuẩn tiếp theo, Euro 7, được thiết kế để áp dụng cho ô tô và xe tải từ ngày 1 tháng 7 năm 2025 và cho xe buýt và xe tải hai năm sau đó.

Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết mỗi năm có tới 70.000 ca tử vong sớm do khí thải giao thông đường bộ gây ra. Con số này gấp ba lần số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ. Thêm vào đó, chi phí y tế cao hơn nhiều so với chi phí bỏ ra để thiết lập các hệ thống giao thông xanh, thân thiện với môi trường. Các tiêu chuẩn khí thải mới được đưa ra sau một thỏa thuận mà khối này đã ký trước đó, có hiệu lực nhằm cấm bán xe ô tô và xe tải chạy bằng xăng và dầu diesel mới từ năm 2035.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thắt chặt các hướng dẫn về chất lượng không khí, với hy vọng thúc đẩy các quốc gia hướng tới năng lượng sạch và ngăn ngừa tử vong do không khí ô nhiễm gây ra. Ủy ban Châu Âu đã đề xuất các bộ luật nhằm giảm mức độ ô nhiễm không khí trong khối. Theo đó, quy định yêu cầu đến năm 2030, các nước EU phải đáp ứng các giới hạn ô nhiễm không khí mới có tính ràng buộc pháp lý của EU, gần hơn với các khuyến nghị nghiêm ngặt hơn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các quy định thắt chặt hơn của EU có thể giảm 70% số ca tử vong sớm do ô nhiễm khói bụi thải ra từ các phương tiện giao thông trong 10 năm tới.

Trong khi đó, các ông lớn trong ngành sản xuất ô tô giờ đây cũng dần chuyển dịch sang chế tạo các dòng ô tô chạy điện, như một xu hướng tất yếu. Nhà sản xuất ô tô siêu sang Rolls-Royce vừa trình làng chiếc coupe chạy điện hoàn toàn đầu tiên của mình.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Thực hiện : Quỳnh Hoa

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-giao-thong-xanh-chia-khoa-cho-cac-muc-tieu-bao-ve-moi-truong