Nhìn từ trái cam
Những ngày qua, nhiều nhà vườn ở Vĩnh Long vào mùa thu hoạch cam sành, nhưng mặt nhiều người nặng trĩu âu lo. Không lo sao được khi trái cam vào mùa rộ, chín đầy vườn nhưng vắng bóng thương lái và giá thì rẻ như cho. 'Vườn nhà tôi, cam đẹp, thương lái đến mua cũng chỉ có 3.000 - 4.000đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ trước tới nay, với giá này nông dân lỗ nặng'- một người trồng cam ở huyện Trà Ôn than thở.
Cũng theo lời bà con nông dân, cam đẹp mới được giá, chứ nhiều nhà, thương lái đến chỉ trả giá có hơn 1 nghìn đồng/kg. Chẳng thế, nhiều người chấp nhận bỏ cam ở vườn. Hiện giá vật tư nông nghiệp tăng, chi phí sản xuất cũng tăng chóng mặt, thế nhưng ngược lại, giá cam lại rẻ như bèo. Theo tính toán của nông dân, với mỗi ha cam, họ lỗ tới vài trăm triệu đồng - một con số quá lớn.
Không chỉ cam sành Vĩnh Long, cam Cao Phong (Hòa Bình), cam sành Bắc Quang (Hà Giang)… cũng đang giảm giá rất sâu, mặc dù đã vào cuối vụ. Tại Hà Giang, giá cam sành tại vườn chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn vẫn tồn khối lượng khá lớn và tiêu thụ chậm so với mọi năm.
Vì sao giá cam năm nay lại rẻ vậy?
Theo ông Nguyễn Văn Liêm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, nguyên nhân giá cam giảm mạnh là do sản phẩm cam địa phương chỉ tiêu thụ trong nước, thời tiết năm nay lạnh hơn các năm nên nhu cầu sử dụng không nhiều.
Nhưng đó chỉ là một nguyên nhân mang tính thời vụ, nguyên nhân chính được chỉ ra là do bà con nông dân vẫn trồng cam một cách tự phát, không theo quy hoạch, không định hướng nên cơ quan chức năng khó kiểm soát về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm. Tỉnh Vĩnh Long đã có quy hoạch 12.000ha đất nông nghiệp để trồng cam. Tuy nhiên mấy năm qua giá cam tăng cao làm cho diện tích cam hiện tăng lên hơn 17.000ha, vượt 5.000ha so với kế hoạch.
Có lẽ không chỉ trái cam, thời gian qua nhiều loại nông sản bị rớt giá mạnh, phải “giải cứu” một phần lớn nguyên nhân do thiếu quy hoạch. Người nông dân khi thấy loại nông sản hay thủy sản nào tăng giá là lập tức đổ xô nuôi trồng, dẫn đến cung vượt cầu. Cũng khó trách nông dân bởi họ không thể biết được khi nào thị trường cần mặt hàng nông, thủy sản với số lượng bao nhiêu để tính toán sản xuất cho phù hợp. Khi thấy trồng cây gì, nuôi con gì có lợi nhuận thì nông dân sẽ làm.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có sự chỉ đạo sát sao, sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, đặc biệt là mối liên kết giữa nhà nước – nhà nông – doanh nghiệp và nhà khoa học. Trong đó, các sở, ngành chức năng phải làm tốt công tác dự báo thị trường, xem mặt hàng nào thiếu thừa ra sao, từ đó có tính toán và khuyến cáo thật cụ thể, chi tiết, định hướng cho nông dân. Có như vậy thì mới giải được bài toán cung cầu, mới tránh được tình trạng phát triển “nóng”, “bùng nổ” về diện tích và sản lượng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhin-tu-trai-cam-5710419.html