'Nhìn và Cảm nhận': Có một thứ tư duy vô ơn!
Trong trận đấu bóng oai hùng giữa tuyết lạnh ở Thường Châu (Trung Quốc) năm nào, người ta (tạm gọi là những người hâm mộ bóng đá Việt Nam) ca ngợi thủ môn Bùi Tiến Dũng như một... người hùng.
Nhà báo TÔ PHÁN
Tư duy thật lạ: "Đã là anh hùng thì không được phép sai lầm"?
Còn với trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam với đội tuyển Indonesia, người hâm mộ lại chửi rủa không thương tiếc Bùi Tiến Dũng vì sai lầm của anh dẫn đến thủng lưới nhà. Có người còn đùa cợt theo "trend" sỉ nhục Dũng.
Ơ hay, cái thứ tư duy "đã là anh hùng thì không được phép sai lầm" cũng có mẫu số chung với thứ tư duy "người khác có nghĩa vụ phục vụ mình thì phải phục vụ cả đời". Thứ tư duy đó đã biến nhiều người trở thành những "con buôn" mà món hời là được tự do ca ngợi, tự do chửi rủa theo kiểu vỉa hè. Cái thứ tư duy đó sẽ dẫn đến thực trạng: hôm nay người ta ca ngợi ông huấn luyện viên Park người Hàn lên mây xanh, ngày mai nếu bóng đá Việt Nam đi xuống thì người ta sẽ chửi rủa, thậm chí sẽ sỉ nhục thậm tệ ông ấy!
Tôi gọi thứ tư duy đó là thứ TƯ DUY VÔ ƠN.
Chợt nhớ đến chuyện cho gạo ngày trước ở quê tôi. Trong khu tập thể, gần nhà tôi có 2 gia đình là hàng xóm sát vách nhau. Anh A tốt bụng, nhà chỉ có 2 vợ chồng và lại có điều kiện kinh tế. Anh B đẹp trai như Tây lấy bà vợ xinh xắn nhưng mắn đẻ (nếu không nói là anh chồng không hề thương hoa tiếc ngọc khi làm cho vợ đẻ sòn sòn 5 đứa con gái, và đang còn cố bắt vợ đẻ cho được một đứa con trai). Mỗi buổi chiều anh B dẫn đàn công chúa nhỏ đi tắm rửa ở vòi nước công cộng, mọi người đều nhường chỗ với ánh nhìn vừa yêu thích các cô bé xinh xắn vừa thương cảm với gia cảnh.
Vợ chồng anh A do không còn khả năng sinh con nên rất yêu quý lũ trẻ hàng xóm, thêm vào đó là lòng trắc ẩn về lũ trẻ nheo nhóc, nên đã hàng tháng anh A thường cho nhà anh B một cơ số gạo để góp thêm cho bọn trẻ ăn no. Cứ nhìn vợ anh A ngắm lũ trẻ nhà anh B với ánh mắt thèm khát và đong đầy tình yêu thương con trẻ, sẽ thấy lòng tốt của con người không chỉ là trạng thái nhất thời, mà là xuất phát từ tình thương yêu con người.
Chuyện cho gạo như vậy diễn ra nhiều năm. Anh B đi đâu cũng ca ngợi anh A như vị thánh. Cho tới một ngày, khi điều kiện kinh tế gia đình anh B trở nên khá hơn, anh A dừng việc cho gạo. Lòng tốt sinh ra tự thân nhưng cũng sinh ra từ hoàn cảnh. Việc cho gạo thường xuyên diễn ra nhiều năm như thước đo thuyết phục nhất về lòng tốt của anh A. Nhưng khi mà người nhận gạo đã có kinh tế dư dả thì việc cho vài cân gạo trong một tháng không còn cần thiết nữa.
Thế nhưng sau nhiều năm được nhận gạo hàng tháng, anh B mặc định đó là quyền lợi đương nhiên được hưởng, và cũng mặc định anh A phải có nghĩa vụ chu cấp gạo cho mình. Thế là anh B đi rêu rao rằng anh A là kẻ tồi tệ. Chỉ cần ngừng cho gạo, người tốt ngày hôm qua thì hôm nay bỗng chốc biến thành kẻ tồi tệ ngay.
Tại sao "người khác có nghĩa vụ phục vụ mình thì phải phục vụ cả đời"?
Một chuyện khác. Hai người bạn gái thân thiết từ hồi học phổ thông. Họ lấy chồng, sinh con đẻ cái, vẫn đi lại với nhau thân thiết như chị em ruột. Vào một ngày nào đó, cô B bị ốm. Bác sĩ nói rằng cô B không có khả năng lao động nữa. Cô A thương bạn mình nên bàn với chồng, vì nhà có điều kiện hơn nên sẽ giúp chạy chữa cho cô B. Đông tây y kết hợp. Hết bệnh viện này đến bệnh viện kia, hết chủa này này đến am kia - lễ bái, thuốc men..., đều do cô A chi trả. Khi biết rằng cô B phải sống chung với căn bệnh, vợ chồng cô A thống nhất hàng tháng sẽ chi một cơ số gạo, một cơ số tiền góp vào để mua thuốc cho cô B.
Anh chồng của cô B hàng tháng cứ thế đến nhận gạo và tiền - dù không nhiều. Chuyện như thế cứ thế diễn ra năm này qua năm khác. Hàng tháng, có khi chưa đến ngày đến giờ, chồng cô B đã đến nhà cô A nhận tiền, nhận gạo. Chồng cô B có việc đi vắng thì cử con đến nhận, không để sót một tháng nào.
Nhịp điệu đều đặn nhận và cho, sau đó mặc nhiên trở thành trách nhiệm của người này và quyền được hưởng của người kia. Có hôm mới sáng sớm tinh mơ, cô A vừa mở cửa ra đã thấy chồng cô B đứng chờ lấy gạo, lấy tiền. Điều cần nói là dù vất vả nhưng gia đình cô B không quá khó khăn. Thực tế là chồng cô B xây nhà tiền tỉ, mua sắm xe cộ cũng tiền trăm triệu... Biết chuyện, mọi người xung quanh bắt đầu nhìn cô A thương cảm, và nhìn chồng cô B một cách bực bội.
Và vào một ngày nào đó sau nhiều năm, cô A cắt giảm số gạo, số tiền hàng tháng chu cấp cho cô B. Thế là thái độ của chồng cô B khác hẳn. Anh ta không khai đi nói xấu cô A nhưng ở đâu đó đã có lời qua tiếng lại rằng cô A giàu có nhưng kẹt xỉn, bẩn tính...
Từ người tốt biến thành kẻ xấu chỉ một lằn ranh mỏng manh mà lằn ranh đó được đẻ ra từ thứ tư duy vô ơn của những người luôn coi mình có quyền được hưởng, còn người khác phải có nghĩa vụ phục vụ.
Trở lại với trận đấu oai hùng của đội tuyển bóng đá Việt Nam giữa tuyết lạnh ở Thường Châu năm nào. Lúc đó thủ môn Bùi Tiến Dũng được ca ngợi như một người hùng của bóng đá Việt Nam. Những pha cứu thua xuất sắc của anh không chỉ làm rạng danh đội tuyển mà còn khắc sâu vào lòng người hâm mộ niềm tự hào dân tộc. Vậy mà sau đó, không may Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm trong trận đấu với Indonesia, anh lại bị chửi rủa thậm tệ. Có người còn đùa cợt, sỉ nhục anh bằng những lời lẽ cay nghiệt.
Cái thứ tư duy "đã là anh hùng" thì phải có nghĩa vụ luôn là anh hùng mà không được phép sai lầm, đang dần trở thành phương tiện, thành thước đo để đánh giá người khác. Đó là một thực trạng đáng buồn. Vì thứ tư duy đó mà công lao của người khác có thể dễ dàng bị lãng quên, thậm chí bị miệt thị chỉ vì một sai lầm nhỏ sau đó.
Tôi gọi đó là tư duy vô ơn – thứ tư duy mà sự biết ơn chỉ tồn tại chừng nào người khác còn đáp ứng nhu cầu của mình. Nó là sản phẩm của thói quen hưởng thụ mà không cần biết đến nghĩa vụ. Nó cũng là sản phẩm của môi trường xã hội đang ngày càng kém kiên nhẫn, dễ dãi với ánh hào quang thành công nhưng lại khắt khe và sẵn sàng quay lưng khi người khác thất bại. Hôm nay họ vỗ tay cổ vũ, ngày mai đã quay lưng, chê bai và chỉ trích không chút nể tình đối với người đã có ơn với họ.
Ranh giới giữa sự biết ơn và sự vô ơn đôi khi rất mong manh. Nó được dựng lên bởi chính những suy nghĩ lệch lạc, bởi những người coi mình luôn có quyền được hưởng, còn người khác thì đương nhiên phải phục vụ mình. Đó là một thái độ sống tồi tệ, trịch thượng và nhẫn tâm núp dưới hình ảnh đáng thương. Với những người đó, sự trân trọng dành cho người khác chỉ tồn tại tạm bợ khi mà người khác phục vụ họ. Và rồi, khi không được thỏa mãn tâm thế được phục vụ, họ dễ dàng bộc lộ ngay lòng đố kỵ.
Điều đáng nói là thứ tư duy tồi tệ - tư duy vô ơn đó đang tồn tại và ngày càng nhiều trong xã hội. Thật đau lòng khi thứ tư duy vô ơn đó ngày càng trở nên phổ biến. Nó hiện diện khắp nơi, từ bóng đá, âm nhạc, đến những mối quan hệ thân quen trong cuộc sống. Khi chúng ta nhận được nhiều hơn, đáng lý ra chúng ta phải biết trân trọng hơn. Nhưng thay vào đó, một số người lại đòi hỏi nhiều hơn nữa, không hài lòng với những gì đã có, và biến người giúp đỡ mình thành kẻ có lỗi nếu không tiếp tục giúp đỡ họ.
Sự vô ơn của người này làm tổn thương người khác. Những người tốt cũng sẽ phải rời bỏ những người vô ơn. Và rồi, khi kẻ vô ơn lúc nào đó cần giúp đỡ thật sự thì lại chẳng có ai sẵn sàng ở bên.
Trên đời này không ai có nghĩa vụ phải phục vụ mình. Vậy nên, đừng ngồi chờ người khác phục vụ mình, mà hãy học cách làm việc, tự lo cho mình và học cách trân trọng những gì mình có. Và mỗi chúng ta cũng phải học cách biết ơn những người giúp đỡ mình. Bởi vì chỉ khi biết quý trọng những ân huệ dù nhỏ bé, con người ta mới có thể quý trọng những gì lớn lao.