Nhìn vào sự thật
'Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng'.
Hôm 15/1 vừa qua, bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam". Tại cuộc này, sau khi nghe các báo cáo, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Và, mấy hôm nay, nhiều người nói về bài phát biểu của ông, đặc biệt đoạn này: "Tuy nhiên, với tất cả sự thẳng thắn, cầu thị và lắng nghe, chúng ta thấy vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia. Một trong những điểm yếu lớn là năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
(Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của Lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là "ngộ nhận", là "tự huyễn hoặc", là "tự ru mình" không).
Nhân đây tôi muốn nói thêm: ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này. Samsung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I, thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải,...
Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng.
Trong thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp; trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình; 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Sắp tới đây chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm "lắp ráp - gia công", là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì"...
Nhân dân hân hoan là bởi, lâu lắm rồi, một lãnh đạo cấp cao của nước ta đã phát biểu những lời gan ruột, nhìn thẳng vào sự thật, nói ra sự thật, một sự thật dẫu có buồn nhưng khi được phát ra từ một lãnh đạo cao cấp nhất, nó như một sự thức tỉnh, một liều thuốc để chúng ta cùng nhìn lại để mà bước tới, để mà có những quyết sách hợp lý trong thời gian tới để nước ta bước vào kỷ nguyên mới.
Thế hệ tôi, từ nhỏ thì đã được học và thấm nhuần rằng, nước ta rừng vàng biển bạc, nhân dân ta cần cù, thông minh, cánh đồng thẳng cánh cò bay, non xanh nước biếc ... rồi rất nhiều những lời có cánh nữa. Nhưng quả là, miết miết, thấy nhân dân vẫn khổ, đất nước vẫn đầy khó khăn.
Lớn lên đi làm, thường xuyên nghe các báo cáo có cánh, nghe những chỉ đạo đầy tươi sáng. Tôi nhớ hồi nhỏ, năm nào cũng nghe phổ biến Tết tiết kiệm, cứ ao ước bao giờ hết phải tiết kiệm để được ăn một cái Tết thỏa thích. Chấm dứt chiến tranh vẫn tiết kiệm, bước vào thời kỳ hân hoan xây dựng vẫn tiết kiệm, nó thành một điệp khúc quen...
Bây giờ, rõ ràng đất nước có rất nhiều sự đổi mới, đời sống nhân dân khá lên rất nhiều, nhưng cũng vẫn nghe nói: Ta phát triển thì thế giới cũng phát triển, ta tiến lên họ cũng tiến lên, họ có dừng lại để chờ chúng ta đâu, nên cái khoảng cách ấy, nó vẫn luôn là... khoảng cách.
Một trong những nguyên nhân là chúng ta bằng lòng với cái chúng ta đã có, bằng lòng với những báo cáo hết sức lãng mạn, những phát biểu, nhận định hết sức yên tâm, những khẳng định có cánh nhưng có bay được không thì... không biết...
Giờ, Tổng Bí thư chỉ rõ thực trạng.
Tôi nghĩ với những gì được Tổng Bí thư chỉ sẽ giúp chúng ta nhìn thẳng vào thực tại để thấy "điểm nghẽn", thấy những gì chúng ta hiện có, để xóa "điểm nghẽn", tìm cách làm thông thoáng con đường chúng ta đang đi.
Và, với phát biểu của mình ở một diễn đàn quan trọng như thế, nhiều người nghĩ rằng, Tổng Bí thư đã phải có những nghiên cứu, những nghiền ngẫm từ khá lâu, những cái nhìn hết sức biện chứng, và công bố nó ra đúng lúc đúng chỗ.
Và chúng ta tin tưởng, hy vọng, một kỷ nguyên mới sẽ được bắt đầu từ những lời gan ruột của vị lãnh đạo cao nhất quốc gia, từ chính cái nhìn trực diện vào đời sống, thấy rõ những điều chúng ta đang vướng, và cả đang... tự hài lòng, để khắc phục, để vượt qua. Những cái nhìn quá đà, báo cáo quá đà, nhận định quá đà, lạc quan quá đà... dẫn tới căn bệnh thành tích rất nặng lâu nay chính là những rào cản trên con đường chúng ta đi tới để đạt được mục đích ấm no hạnh phúc cho dân, hùng cường cho đất nước...
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhin-vao-su-that-20425011615052238.htm